Tâm lé chính trị |
Dean Burnett
Các chiến dịch tranh cử ở Mỹ cùng một số nước đã và đang bắt đầu diễn ra, nhưng kì lạ thay, những hành động hay lời nói “kém thông minh” có vẻ sẽ chẳng ảnh hưởng gì tới khả năng thành công của các ứng viên. Thật vậy, không may là luôn tồn tại một số cơ chế tâm lý khiến cho một người dù “dốt đặc cán mai” vẫn có thể được bầu vào các vị trí đầy quyền lực.
Các chính trị gia, uy tín của họ thường khá tệ hại (thua cả môi giới nhà đất và nhân viên ngân hàng: Link). Công bằng mà nói, phần lớn đều do lỗi của họ, nhưng cũng thật thiếu suy xét nếu ta cho rằng chính trị gia nào cũng như thế vì nếu không thì toàn bộ hệ thống đã sụp đổ từ lâu rồi. Tuy vậy, mọi người vẫn thường cho rằng chính trị gia là những người không đáng để tin tưởng, vậy nên chúng ta hãy cứ tạm thời giả định tình huống xấu nhất.
Một chính khách đưa ra một chính sách tồi? Người ấy quả là một thảm hoạ. Ông ấy/ Bà ta thay đổi ý kiến và muốn rút lại chính sách đó? Thật yếu đuối và chẳng đáng mặt lãnh đạo. Họ cam đoan thay đổi? (giảm thuế hay tăng phúc lợi) Rõ ràng đang nói láo. Chính khách đó hứa hẹn một điều khác thường (tăng thuế, giảm chi tiêu)? Chắc chắn nó sẽ xảy ra. Rõ ràng kiểu gì họ (các chính trị gia) đều bị thiệt thòi, vậy tại sao họ lại phải bận tâm? Tuy nhiều người chỉ tham gia chính trường vì bản thân nhưng may mắn thay, nhiều người cũng còn muốn làm hết sức mình và luôn lắng nghe các ý kiên tiêu cực đổ lên đầu họ.
Vậy nên không phải chính trị gia nào cũng ngu dốt (dù định nghĩa ngu dốt của bạn có thể dao động rất nhiều) nhưng rõ ràng nhiều người không được thông minh cho lắm. Hoa Kỳ xem ra là một ví dụ điển hình; Sarah Palin, Ted Cruz,… những người đã và đang chạy đua cho chức tổng thống. Và cũng đừng quên tổng thống George W Bush, người nắm cả nền kinh tế và kho đạn hạt nhân với sự mơ màng và lơ ngơ cao độ, đã ngồi ở vị trí cao nhất tận 8 NĂM.
Vậy liệu điều gì đang diễn ra? Một cách logic, chúng ta sẽ muốn một người thông minh, am hiểu tường tận cách thức và tiếp cận tốt nhất để điều hành đất nước một cách tối ưu. Nhưng không! Mọi người lại thường hay hành xử và đưa ra lựa chọn theo cách khiến chúng ta phải đặt dấu hỏi về khả năng trí tuệ của họ. Giải thích cho hiện tượng này, rất nhiều yếu tố khác nhau có thể liên quan như tư tưởng hệ, văn hoá, xã hội, lịch sử, kinh tế,…, bởi lẽ chính trị là tập hợp của tất cả các thành tố trên. Nhưng chưa dừng lại ở đó, hiện tượng này còn bị tác động bởi một số tiến trình tâm lý nổi tiếng mà có thể bạn không nghĩ tới.
Tự tin, tự tin nữa, tự tin mãi
Những người tự tin thường hay dễ thuyết phục người khác. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định điều này (Link). Đa phần các nghiên cứu dạng này thực hiện trong bối cảnh các phiên xét xử tại toà án, các nhân chứng tự tin thường dễ thuyết phục bồi thẩm đoàn hơn các nhân chứng lo lắng, ngập ngừng. Ta còn có thể thấy hiện tượng này ở một số khung cảnh khác. Ví dụ, những người bán xe cũ hay các nhân viên buôn bán địa ốc đã tận dụng kĩ thuật này suốt nhiều thập kỷ. Các chính trị gia đương nhiên biết việc này, họ đều được huấn luyện về truyền thông và quản trị quan hệ công chúng; bất kỳ chính trị gia nào không xuất hiện với dáng vẻ chắc chắn và tự tin đều sẽ bị “nốc ao” ngay từ vòng “gửi xe”. Vậy nên tự tin là rất quan trọng trong chính trị.
Tuy vậy, hiệu ứng Dunning-Kruger (Link) cho thấy những người kém thông minh thường hay tự tin quá mức (Link). Trong khi đó, những người thông minh thì ngược lại. Tự đánh giá là một kỹ năng nhận thức quan trọng (Link), tuy nhiên bạn cần trí tuệ để làm điều này; nếu không đủ tinh tường, bạn sẽ không có khả năng nhìn nhận mình là bất toàn và thiếu sót.
Vì thế, nếu bạn muốn một người “bẩm sinh” tự tin đại diện cho đảng phái của mình thì chọn lựa người thông minh là sai lầm trên nhiều phương diện. Tuy nhiên nó cũng có những hiệu ứng ngược; nghiên cứu cho thấy khi một người tự tin bị chỉ ra rằng đang nói sai/ nói dối, sau đó họ sẽ bị đánh giá là không đáng tin hơn so với người thiếu tự tin (Link). Điều này giúp giải thích mặt tối của chính trị, đó là một chuỗi các cá nhân tự tin hứa hẹn những điều lớn lao rồi thất bại thảm hại trong việc thực hiện những cam kết đó. Những điều này thật sự khiến chúng ta cảm thấy ngán ngẩm.
Chính trị rất phức tạp
Lãnh đạo hiệu quả một đất nước hàng chục triệu dân, mà mỗi cử tri đều có những yêu cầu và đòi hỏi riêng, quả là một công việc cực kỳ phức tạp. Có quá nhiều biến số cần phải giải quyết. Bất hạnh thay, chuyện gom góp tất cả các vấn đề trên rồi giải quyết như biên tập âm thanh hay phim ảnh truyền thông hiện đại là điều bất khả thi. Vì vậy, nhân cách thường là yếu tố xuất hiện đầu tiên. Những nhân cách kém thông minh thì thường tự tin, nó khiến cho người khác dễ bị thuyết phục, và cứ thế mà lan truyền.
Trong mọi hoàn cảnh, con người thường cảm thấy ngán ngẩm những chủ đề và thảo luận mang tính học thuât, phức tạp. Họ có thể không có kinh nghiệm với vấn đề, hay cảm thấy quá sợ hãi để mong muốn tham gia vì lẽ nếu làm vậy họ sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng chính trị, đặc biệt là nền dân chủ, lại yêu cầu con người phải tham gia.
Các nghiên cứu về nhân cách cho thấy rất nhiều người thường có tính định hướng mục tiêu - “xu hướng phát triển hay thể hiện khả năng trong các tình huống cá nhân tin rằng năng lực của mình sẽ được lượng giá và có khả năng thành công”. Cảm giác bạn chủ động tác động lên một điều gì đó (như kết quả bầu cử) có thể là một yếu tố tạo động lực rất mạnh mẽ, nhưng nếu một người bắt đầu phát biểu về những thứ “đao to búa lớn” như tỉ lệ lãi suất hay quản trị niềm tin với hệ thống sức khoẻ, bạn sẽ nhanh chóng khó nắm bắt, không theo kịp và dần cảm thấy bị tách ly. Vậy nếu một người tự tin nói rằng có một giải pháp đơn giản hay cam kết sẽ khiến cho những thứ phức tạp “tan biến”, hình ảnh của họ xem ra hấp dẫn hơn nhiều.
Điều này cũng được thể hiện thông qua Luật tầm thường của Parkinson (Link), chúng ta hay có xu hướng giành thời gian và công sức để tập trung vào những điều tầm thường mà chúng ta hiểu nhiều hơn so với cho những điều phức tạp mà ta không hiểu nổi. Con người thường thích những thứ tầm thường (Link), những người kém thông minh hay bóp nắn những vấn đề lớn thành các các mảnh nhỏ (nhưng thiếu chính xác) lại là những người hay được lựa chọn.
Liên hệ đến cử tri
Một trong những phẩm chất tích cực nơi George W Bush là người dân cảm thấy họ có thể “ngồi uống bia với ông”. Họ cảm thấy có liên hệ tới ông. Ngược lại, đẳng cấp ưu tuyển nhiều khi lại là một đặc điểm tiêu cực. Ý tưởng về một người nằm ngoài quy chuẩn thông thường của xã hội lại đi lãnh đạo đất nước có thể khiến nhiều người cảnh giác. Điều này dẫn đến việc các chính trị gia không ngừng tìm cách “sâu sát” với quần chúng.
Phần lớn cử tri rất dễ chịu tác động bởi các định kiến, thiên kiến, thành kiến tiềm thức (Link)và thường chỉ yêu thích “nhóm” của mình (Link).Không có điều gì trong những điều trên là có logic và được ủng hộ bởi bất kỳ bằng chứng hay thực tế nào cả, con người cũng không thích nghe những thứ người ta không muốn nghe (Link). Họ cũng nhận thức rất rõ địa vị xã hội (Link); chúng ta cần cảm thấy mình ưu việt hơn người khác theo cách nào đó để duy trì cảm giác giá trị của bản thân. Kết quả là những người thông minh nói những thứ phức tạp dung chứa những thông tin gây khó chịu (nhưng chính xác) lại chẳng hấp dẫn được ai, trong khi những người thể hiện kém trí tuệ, chẳng đe doạ được ý thức giá trị của ai, cũng chỉ chú tâm nói những thứ đơn giản, ủng hộ những thành kiến sẵn có và chối bỏ những thông tin gây khó chịu, lại có vẻ được yêu thích.
Quả là một tình huống đáng buồn nhưng xem ra đó lại là chính cách đầu óc chúng ta vận hành. Tất nhiên ngoài những gì đề cập vẫn còn nhiều thứ khác liên quan đến vấn đề này, tuy nhiên nói thêm chỉ làm mọi sự phức tạp hơn mà thôi, và như những gì đã được trình bày, đó hẳn không phải là cách khôn ngoan để lôi kéo người khác.
Link: http://www.theguardian.com/science/brain-flapping/2015/apr/02/democracy-psychology-idiots-election
Dịch: Hành Lang Tâm Lý