Tặng quà như thế nào? |
Hàng Lang Tâm lý lược dịch và tổng hợp
Tấm lòng người cho và nhu cầu người nhận
Giáng Sinh và năm mới là mùa “nhức đầu” dành cho nhiều người khi họ phải suy nghĩ mình cần tặng món quà gì cho những người thân yêu. Chúng ta có thể nghĩ “món quà không quan trọng bằng tấm lòng” nhưng những nghiên cứu mới lại cho thấy có vẻ hai yếu tố này vẫn có mối dây liên kết chặt chẽ với nhau.
Thật vậy, theo Roberto Ferdman của Washington Post, việc tặng quà ngày nay dần mang đậm màu sắc ích kỷ. Trong bài báo, ông nói: “Chúng ta không thật sự tìm kiếm thứ mà người khác muốn nhận. Thay vào đó, chúng ta tìm thứ mà mình muốn cho đi”. Khá là đau đầu phải không?
Để hiểu rõ hơn điều này, ông trích dẫn nghiên cứu của Joel Waldfogel, trong đó cho thấy người tặng quà thường đánh giá giá trị món quà của mình cao hơn 10-33% so với mức độ người nhận cảm thấy.
Theo Mary Steffel, PGS tại ĐH Cincinnati, người chuyên nghiên cứu về việc tặng quà, “Người tặng thường muốn chứng tỏ mình hiểu rõ người kia như thế nào bằng cách mua một quà được cân nhắc kỹ càng. Tuy nhiên, chúng ta lại không giỏi đoán ý người khác như chúng ta thường nghĩ.” Bà nói thêm “Người tặng quà thường tập trung vào việc người kia đang là như thế nào hơn là việc người ta muốn trở thành như thế nào.”
Như vậy, theo một cách nào đó, người tặng quà đã để cái Tôi, cách nhìn, quyết định và mong muốn của mình về người kia vào món quà nhiều hơn là đặt mình vào trong bản thân, nhu cầu thật sự của người nhận.
Vậy chúng ta phải làm như thế nào để có món quà khiến người nhận thích thú?
Các bạn hãy nhớ lại tuổi thơ của mình. Có thể có những bạn khi nhỏ đã được cha mẹ đề nghị viết thư gửi ông già Noel, trong đó các bạn đã liệt kê những thứ mình yêu thích và nóng lòng chờ đợi điều thân kỳ xảy đến. Bạn hãy nhớ lại mình đã vui như thế nào khi những điều mình trông ngóng thành hiện thực? Hay bạn đã thất vọng ra sao khi chiếc xe đạp mơ ước của bạn trở thành tập và sách? Tất nhiên chúng ta khoan hãy nói đến việc cha mẹ muốn hướng con cái đến những điều tốt đẹp, ví dụ này được đưa ra để mọi người nhớ lại niềm hân hoan khi những thứ mình (chứ không phải phụ huynh) mong muốn được đáp ứng.
Vậy có khi nào lúc trưởng thành, một chút trẻ thơ vẫn còn ở lại trong mỗi người chúng ta?
Trong bài báo Cách nào để tặng chính xác món quà người khác mong muốn, Samatha Joel đã trích dẫn nghiên cứu của Gyno và Flynn (2011). Trong nghiên cứu đó, các nghiệm thể được chỉ định ngẫu nhiên để tưởng tượng mình sẽ tặng gì cho người yêu của mình hoặc tưởng tượng ngươi yêu của mình đang cố tìm món quà gì cho nghiệm thể.
Khi người tham gia đóng vai người tặng, họ thường nghĩ rằng mình không nên tặng những món quà trong danh sách mong muốn của người kia. Họ cố gắng kiếm một món quà bên ngoài có thể thể hiện nỗ lực và sự quan tâm của mình.
Thế nhưng với những người đóng vai người nhận, họ lại thường cảm kích và cho rằng người yêu của mình rất chu đáo khi họ được nhận những món quà trong danh sách mong muốn của mình. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy hiệu ứng tương tự trong các mối quan hệ thông thường như họ hàng hay bè bạn.
Vậy chúng ta vẫn đang vi phạm (hay đang làm quá tốt) quy luật Vàng “Hãy làm cho người khác điều bạn muốn người khác làm cho mình” khi chúng ta lại tặng những món quà mình mong người kia mong muốn thay vì những món quà đúng như ý thích của người kia như chính chúng ta vẫn mong chờ những thứ mà chúng ta ghi trong thư gửi Ông già Noel.
Khi đó, chính bạn đang vô tình cướp đi niềm vui của đứa trẻ trong những người xung quanh mình.
Thật vậy, theo nghiên cứu mới nhất của Steffel, sự linh hoạt chính là chìa khóa cho món quà tuyệt vời! Thay vì mua những món quà cố định, ở các nước Âu Mỹ, người dân thường tặng các thẻ quà tặng hay thậm chí tiền mặt trong tất cả các dịp lễ mừng khác nhau. Ở các đám cưới, các cặp đôi thậm chí còn gửi kèm danh sách các món quà họ mong muốn tại một cửa hàng cụ thể để những người muốn tặng có thể đến đăng ký và trả tiền cho cửa hàng. Điều này vừa tránh việc các món quà bị trùng lặp (khi đã có người đăng ký một món nhất định, cửa hàng sẽ thông báo cho những người đến đăng ký sau), vừa giúp người nhận và người cho tặng các món quà khiến cả hai cùng vừa ý.
Vậy nên lần tới, nếu bạn mong muốn những người thân yêu của mình thích thú, hãy tìm hiểu họ thật sự muốn gì, đâu là món quà họ đang mong đợi và đừng đánh giá quá mức tầm quan trọng của sự bất ngờ!
Hàng Lang Tâm lý lược dịch và tổng hợp
TRANG WEB THAM KHẢO
http://www.washingtonpost.com/blogs/wonkblog/wp/2014/12/12/why-thoughtful-gifts-are-the-worst-gifts/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét