chiêu thức bán hàng hiện đại

chiêu thức bán hàng

chia sẻ

TÂM LÝ HỌC TRONG “INSIDE OUT”

Các cảm xúc trong Inside Out

3/7/15 DACHER KELTNER and PAUL EKMAN
Năm năm trước, tác giả và đạo diễn Pete Docter của Pixar đã liên hệ với chúng tôi để nói về ý tưởng của một bộ phim trong đó mô tả cách thức các cảm xúc hoạt động trong đầu óc chúng ta và đồng thời định hình cách chúng ta phản ứng với những người xung quanh. Peter Doctor muốn diễn tả tất cả những điều đó trong tâm trí của một cô bé 11 tuổi khi cô đang phải trải qua những ngày khó khăn trong cuộc sống của mình.

Với tư cách những nhà khoa học nghiên cứu về cảm xúc trong nhiều thập kỷ, chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi được hỏi ý kiến. Cuối cùng, chúng tôi trở thành các cố vần khoa học cho bộ phim “Inside Out” đang được trình chiếu.

Cuộc đối thoại của chúng tôi với Peter Docter và nhóm làm phim chủ yếu xoay quanh việc khoa học liên hệ như thế nào đến tâm điểm của bộ phim: Cách thức cảm xúc chi phối dòng dòng ý thức ra sao? Cảm xúc “tô màu” cho các ký ức quá khứ của chúng ta như thế nào? Cuộc sống cảm xúc của một bé gái 11 tuổi sẽ có những điều gì? (Các nghiên cứu cho thấy kinh nghiệm về những cảm xúc tích cực bắt đầu tuột dốc về cả tần suất lẫn cường độ ở độ tuổi này.)

“Inside Out” là câu chuyện về 5 loại cảm xúc – được nhân hóa thành các nhân vật Giận Dữ, Chán Ghét, Sợ Hãi, Buồn Bã và Vui Vẻ - vất vả kiểm soát tâm trí của cô bé Riley 11 tuổi trong giai đoạn chuyển nhà đầy khó khăn từ Minnesota tới San Francisco. (Một trong hai chúng tôi đã đề nghị đưa tất cả những cảm xúc hiện đang được nghiên cứu vào trong bộ phim nhưng Docter đã từ chối vì đơn giản rằng câu chuyệ nchỉ có thể chứa tối đa năm hay sáu nhân vật mà thôi.)
Tính cách chủ yếu của Riley là Vui Vẻ, điều này cũng phù hợp với những hiểu biết khoa học của chúng tôi. Nghiên cứu cho thấy căn tính của chúng ta được định hình bằng những cảm xúc cụ thể, chúng nhào nặn nên cách ta tri giác thế giới, thể hiện bản thân và khơi dậy những cách thế phản ứng nơi người khác.
Tuy nhiên, ngôi sao của bộ phim lại là Buồn Bã. “Inside Out” là bộ phim về mất mát và những điều chúng ta cảm nhận khi buồn bã. Riley mất bạn bè và ngôi nhà quen thuộc của mình khi đi khỏi Minnesota. Hơn thế nữa, cô bắt đầu bước vào tuổi “tiền vị thành niên” với đặc điểm là việc mất dần tuổi thơ.
Chúng tôi có thể có một chút băn khoăn với cách buồn bã được mô tả trong “Inside Out”. Buồn Bã là một nhân vật chậm chạp, chán nản mà Vui Vẻ phải kéo đi khắp nơi trong tâm trí Riley. Trong thực tế, nghiên cứu cho thấy buồn bã có mối liên hệ với việc làm gia tăng những kích thích về mặt thể lý, kích hoạt cơ thể hoạt động đáp ứng trước những mất mát. Trong bộ phim, Buồn Bã trông rất lôi thôi, xấu xí. Trong khi thực tế cho thấy người buồn bã lại có sức hút những người khác đến với mình để an ủi và giúp đỡ.
Thế nhưng, đặt những băn khoăn đó qua một bên, hình ảnh của Buồn Bã trong bộ phim đã thể hiện được hai cách nhìn trọng tâm của khoa học về cảm xúc.
Đầu tiên, cảm xúc tổ chức – chứ không phải cản trở - suy nghĩ lý trí. Theo truyền thống tư duy Tây Phương, quan điểm phổ thông cho rằng cảm xúc là kẻ thù của lý trí và làm gián đoạn những mối quan hệ hợp tác xã hội.
Dù vậy, thực tế thì cảm xúc định hướng cách chúng ta tri giác thế giới, các ký ức quá khứ của chúng ta và thậm chí đánh giá đạo đức về những điều đúng-sai. Đa phần, chúng sẽ dẫn dắt chúng ta theo những cách thế giúp ta đáp trả hiệu quả với tình huống hiện tại. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy khi chúng ta tức giận, chúng ta thường ngay lập tức nhận ra những điều bất công, điều này giúp kích hoạt các hành động giúp khôi phục công bằng.
Chúng ta có thể nhận thấy điều này trong “Inside Out”. Buồn Bã dần dần giành quyền kiểm soát tiến trình suy nghĩ của Riley về những thay đổi cô phải trải qua. Điều này được thể hiện rõ nhất khi Buồn Bã tô đậm thêm màu xanh vào ký ức của Riley về quãng đời ở Minnesota. Nghiên cứu khoa học cho thấy những cảm xúc hiện tại định hình những gì chúng ta nhớ về quá khứ. Đây chính là chức năng tối quan trọng của Buồn Bã trong phim: nó giúp Riley nhận ra những thay đổi, những mất mát mình có, tạo nền móng để cô phát triển những phương diện mới trong căn tính của mình.
Thứ hai, cảm xúc tổ chức – chứ không phải cản trở - cuộc sống xã hội của chúng ta. Nghiên cứu đã phát hiện rằng cảm xúc tạo nên cấu trúc (chứ không chỉ là tô màu) những tương tác xã hội khác nhau như việc gắn bó giữa cha mẹ và con cái, những mâu thuẫn anh em, tình cảm tuổi mới lớn và cả những trao đổi giữa hai người thù ghét nhau.
Các nghiên cứu khác thì cho thấy chính giận dữ (nhiều hơn cả ý thức về chính trị) khiến tập thể xã hội đứng lên biểu tình và chống đối bất công. Một trong những nghiên cứu mà chúng tôi đã thực hiện cho thấy biểu hiện xấu hổ kích hoạt lòng tha thứ nơi người khác khi chúng ta lỡ có hành động vi phạm các quy tắc xã hội.
Chính điều này cũng được cường điệu hóa tron bộ phim. Bạn có thể cho rằng buồn bã là một trạng thái có đặc điểm tĩnh lặng, thụ động, thiếu vắng những hành động có chủ đích. Tuy nhiên trong “Inside Out”, cũng như trong thực tế cuộc sống, buồn bã thúc đẩy con người đến với nhau nhằm phản ứng lại trước những mất mát. Chúng ta thấy điều này khi Riley nổi giận, rời khỏi bàn ăn, bỏ lên lầu và nằm một mình trong căn phòng tối, để lại người bố băn khoăn không biết phải làm gì. Về cuối bộ phim, chính Buồn Bã đã đưa Riley trở lại với cha mẹ, nó có liên quan tới việc tiếp xúc và những thanh âm cảm xúc mà chúng tôi gọi là “vocal burst”, chúng thể hiện niềm vui sâu sắc khi đoàn tụ, đây là điều đã được một trong hai chúng tôi nghiên cứu trong phòng thực nghiệm.
“Inside Out” đưa đến một cái nhìn mới với nỗi buồn. Quan điểm mới của bộ phim là: Hãy ôm lấy nỗi buồn, hãy để nó được bộc lộ và hãy kiên nhẫn làm việc với những khó khăn cảm xúc của trẻ vị thành niên. Buồn bã sẽ soi tỏ những mất mát (trong tuổi thơ) và đưa gia đình đến với những điều mới mẻ: những đặc điểm mới được hình thành, cho cả con cái và cha mẹ.
Dacher Keltner là giáo sư tâm lý học tại ĐH California Berkeley
Paul Ekman là giáo sư tâm lý danh dự thuộc ĐH California, San Francisco

Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ New York Times (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của New York Times http://www.nytimes.com/2015/07/05/opinion/sunday/the-science-of-inside-out.html?_r=0 và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/08/tam-ly-hoc-trong-inside-out.html. Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của New York Times và thông báo cho người dịch.


TÍNH TOÁN QUÁ MỨC KHIẾN CHÚNG TA TRỞ NÊN ÍCH KỶ

Lý do khiến một số người ích kỷ?

 Một nghiên cứu mới vừa cho thấy việc tính toán tưởng chừng như rất giản đơn cũng có thể làm chúng ta trở nên ích kỷ và hành xử kém đạo đức hơn.

Các nhà nghiên cứu từ ĐH Hong Kong, ĐH Toronto và ĐH Northwestern đã đưa ra giả thuyết cho rằng việc quá chú trọng đến con số sẽ tạo ra “tư duy tính toán” khiến chúng ta sử dụng cách giải quyết mang tính định lượng nhiều hơn khi tiếp cận một vấn đề, bỏ qua tầm ảnh hưởng của những hệ quả  đạo đức và mối quan hệ liên cá nhân trong quyết định của mình.

Các nhà khoa học đã kiểm chứng giả thuyết này thông qua chuỗi 5 thực nghiệm khác nhau.

Wanf cùng các cộng sự viết trong tạp chí Organizational Behavior and Human Decision Processes, “Sau khi tham gia thực hiện các nhiệm vụ tính toán, các nghiệm thể tham gia vào thực nghiệm thường dễ bị đánh gục bởi sức hấp dẫn của phần thưởng, họ sẽ hành xử ích kỷ và thiếu trung thực hơn. Như vậy, cũng như việc các phần thưởng về tiền bạc, vật chất có thể ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta trong thực nghiệm, có vẻ như hành động tính toán đơn thuần cũng có thể kích hoạt ‘tư duy tính toán’ trong bối cảnh đạo đức và xã hội, làm kích hoạt nhiều hơn những hành vi hướng tới bản thân hay thậm chí phi đạo đức.”

Trong thực nghiệm đầu tiên, các sinh viên tham gia vào nghiên cứu được yêu cầu đọc một bài đọc ngắn – một bài giảng kinh tế về việc tính toán giá trị đầu tư hay một bản mô tả ngắn gọn về lịch sử cách mạng công nghiệp – trước khi tham gia một trò chơi tài chính được thiết kế để đo lường các hành vi ích kỷ hoặc phi đạo đức.

Trong Trò chơi Độc tài này, các nghiệm thể sẽ được cho 10 USD và được yêu cầu chia sẻ số tiền này – từ 0 USD đến hết cả 10 USD – cho một người chơi giấu mặt khác.

Những nghiệm thể thực hiện các nhiệm vụ tính toán thường sẽ ích kỷ hơn. Khả năng họ giữ lại hết 10 USD sẽ cao hơn 3 lần so với nhóm còn lại.

Trong một thực nghiệm thứ hai, các nghiệm thể được yêu cầu tham gia một trò chơi trong đó, họ có cơ hội nói dối những người chơi khác để đạt được những phần thưởng lớn hơn. So sánh với những người thuộc nhóm còn lại, các nghiệm thể trong nhóm tính toán nói dối gấp đôi để có được nhiều tiền hơn.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy chỉ cần cho các nghiệm thể giải các bài toán trong bài thi GRE cũng đủ để tạo ra “tư duy tính toán”.

“Những người ở trong môi trường tính toán không chỉ ích kỷ mà còn gian lận nhiều hơn những người không nằm trong môi trường tính toán. Vì thế, tư duy tính toán xem ra có vẻ mang lại những tác hại tiêu cực (dù không hữu ý) lên việc đưa ra những quyết định mang tính đạo đức”, Wang cùng cộng sự cho biết.

Để kiểm chứng xem liệu những hệ quả trên của tư duy tính toán có thể được giảm thiểu hay không, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thực nghiệm khác trong đó yêu cầu nghiệm thể xem và lựa một số hình ảnh gia đình trước khi thực hiện nhiệm vụ tính toán hoặc nhiệm vụ đọc không tính toán, điều này được thực hiện nhằm mục đích khơi gợi những giá trị cộng đồng nơi người tham gia.

Tuy những hình ảnh gia đình trên chỉ có tác dụng rất nhỏ trong việc ngăn ngừa các hành vi ích kỷ, nhóm nghiên cứu cho rằng các nghiên cứu trong tương lai có thể tìm hiểu những cách thức hiệu quả hơn để đưa các giá trị đạo đức và xã hội vào nơi làm việc nhằm nỗ lực giảm thiểu các hành vi thiếu đạo đức.

Tài liệu tham khảo
Wang, L., Zhong C.-B., Murnighan J.K. (2014). The social and ethical consequences of a calculative mindset. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 125(1), 39–49. DOI: 10.1016/j.obhdp.2014.05.004

Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psychological Science (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psychological Science http://www.psychologicalscience.org/index.php/news/minds-business/number-crunching-may-make-people-more-selfish.html và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/08/tinh-toan-qua-muc-khien-chung-ta-ich-ky.html. Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psychological Science và thông báo cho người dịch.



NHỮNG THAY ĐỔI VỀ NHÂN CÁCH KHI BẠN THẤT NGHIỆP

Hệ quả của thất nghiệp
Theo một nghiên cứu do Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ công bố, thất nghiệp có thể làm thay đổi những tính cách căn bản của con người, khiến chúng ta trở nên ít tận tâm, ít dễ chịu và kém cởi mở hơn trước. Điều này sẽ khiến việc tìm công việc mới trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Theo TS Christopher J. Boyce thuộc ĐH Stirling, Hoa Kỳ, “Kết quả thách thức ý tưởng cho rằng nhân cách của chúng ta là ‘bất di bất dịch’, đồng thời cho thấy những tác động của các nhân tố bên ngoài như thất nghiệp ảnh hưởng đến nhân cách cơ bản của chúng ta ra sao. Nó cho thấy thất nghiệp có những tác động về mặt tâm lý sâu rộng hơn những gì ta vẫn nghĩ.”

Boyce cùng các cộng sự đã nghiên cứu trên 6769 người trưởng thành tại Đức (3733 đàn ông và 3036 phụ nữ) thông qua một trắc nghiệp nhân cách được thực hiện 2 lần trong vòng 4 năm, từ 2006 -2009. Trong nhóm mẫu dân số, có 210 nghiệm thể bị thất nghiệp từ 1 đến 4 năm vào bất kỳ thời điểm nào trong thời gian nghiên cứu; 251 nghiệm thể khác bị thất nghiệp it hơn 1 năm nhưng sau đó tiếp tục làm việc trở lại.

Các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu các đặc điểm nhân cách “Big Five” – bao gồm các yếu tố: sự tận tâm (conscientiousness), tâm lý bất ổn (neuroticism), tính dễ chịu (agreeableness), hướng ngoại (extraversion) và tính cởi mở (openness). Nhóm nghiên cứu nhận thấy, so sánh với nam giới không bị mất việc, nam giới mất việc thường tăng tính dễ chịu trong 2 năm đầu bị thất nghiệp. Tuy nhiên sau hai năm, mức độ dễ chịu của họ bắt đầu suy giảm và về lâu dài, tụt xuống thấp hơn những người không bị mất việc. Đối với nữ giới, tính dễ chịu sẽ suy giảm theo mỗi năm bị thất nghiệp.

“Trong giai đoạn đầu tiên bị thất nghiệp, cá nhân thường có xu hướng hành xử theo kiểu dễ chịu nhằm nỗ lực tìm kiếm công việc khác hay xoa dịu những người xung quanh. Tuy nhiên những năm sau đó, khi tình huống trở nên quen thuộc, xu hướng này có thể bị suy yếu.”

Đối với yếu tố tận tâm, nam giới thất nghiệp càng lâu thì điểm số yếu tố này giảm bớt càng nhiều. Theo các nhà nghiên cứu, yếu tố này cũng gắng với mức độ cá nhân hài lòng với thu nhập của mình. Khi so sánh về giới, nữ giới thường trở nên tận tâm vào các giai đoạn đầu và cuối thời gian thất nghiệp, tuy nhiên lại sụt giảm vào giai đoạn giữa. Các nhà nghiên cứu đưa ra lý thuyết cho rằng phụ nữ có thể vẫn tích lũy sự tận tâm thông qua những hoạt động không liên quan đến công việc gắn liền với giới nữ, ví dụ như chăm sóc gia đình.

Nam giới thất nghiệp thường cho thấy mức độ cởi mở ổn định trong năm đầu tiên, tuy nhiên điểm số sẽ giảm dần theo thời gian không có công việc. Ngược lại, phụ nữ cho thấy sự sụt giảm đáng kể trong tính cởi mở trong năm thứ hai và thứ ba bị thất nghiệp, tuy nhiên điểm số sẽ gia tăng vào năm thứ tư.

Boyce cho biết, nghiên cứu cho rằng tác động của thất nghiệp không chỉ đơn giản là lo lắng về mặt kinh tế - người thất nghiệp có thể bị đánh giá sai lầm vì những thay đổi không thể tránh được về nhân cách, điều này có nguy cơ đào sâu những khó khăn trong việc tìm kiếm công việc mới.

“Vì vậy, các chính sách công có vai trò then chốt trong việc phòng tránh những thay đổi tiêu cực về nhân cách trong xã hội thông qua làm giảm tỉ lệ thất nghiệp và cung cấp sự hỗ trợ lớn hơn cho những người không có công việc. Như thế, các chính sách giảm thiểu thất nghiệp đóng vai trò rất quan trọng không chỉ trong việc bảo vệ nền kinh té mà còn trong công tác hỗ trợ sự phát triển nhân cách tích cực của mỗi cá nhân.”

Bài báo: “Personality Change Following Unemployment,” by Christopher J. Boyce, PhD, and Alex M. Wood, PhD, University of Stirling and University of Manchester; Michael Daly, PhD, University of Stirling; and Constantine Sedikides, PhD, University of Southampton, Journal of Applied Psychology; online, Feb. 9, 2015.

Link full nghiên cứu:
http://www.apa.org/pubs/journals/releases/apl-a0038647.pdf

Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ APA (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của APA http://www.apa.org/news/press/releases/2015/02/personality-unemployment.aspx và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/08/tac-hai-tam-ly-cua-that-nghiep.html . Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của APA và thông báo cho người dịch.

MÔI LIÊN HỆ GIỮA VIỆC TRẺ THƯỜNG XUYÊN GẶP ÁC MỘNG VỚI CÁC TRIỆU CHỨNG LOẠN THẦN KHI TRƯỞNG THÀNH

Trẻ thường xuyên gặp ác mộng

ĐH WARWICK 19/5/2015
Trong một nghiên mới đây được công bố trên tạp chí British Journal of Psychiatry, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Đơn vị Sức khỏe Tâm thần thuộc Trường Đại học Y Warwick đã chứng minh việc thường xuyên gặp ác mộng lúc nhỏ, vào cả hai giai đoạn 2-9 tuổi và 12 tuổi đều có tương quan ý nghĩa với khả năng trải nghiệm các triệu chứng loạn thần vào năm 18 tuổi.  
ĐH Warwick dẫn đầu một nhóm nghiên cứu, bao gồm các nhà khoa học đến từ ĐH College London, ĐH Cardiff, ĐH Bristol và ĐH Kings London, đã tìm hiểu 4060 nghiệm thể sinh tại Anh. Nhóm nghiên cứu đã hỏi các bậc phụ huynh về tần suất trẻ gặp ác mộng từ lúc 2 đến 9 tuổi. Sau đó, các nhà khoa học phỏng vấn nghiệm thể để đánh giá tần suất gặp ác mộng, hoảng sợ ban đêm và mộng du vào năm 12 tuổi cùng các triệu chứng loạn thần năm 18 tuổi.
Vào năm 12, 24.9% nghiệm thể cho biết có gặp ác mộng trong vòng 6 tháng trở lại và trong toàn bộ mẫu nghiên cứu, 7.9% cho thấy có các triệu chứng loạn thần sau này. Đối với những nghiệm thể gặp ác mộng, tỉ lệ có triệu chứng loạn thần tăng gấp đôi.
Chủ nhiệm nghiên cứu, TS Andrew Thompson, cho biết: “Việc các triệu chứng lo âu và trầm cảm đóng vai trò tạo nên hiện tượng rối loạn giấc ngủ có thể giúp giải thích kết quả trên. Trải nghiệm các sự kiện căng thẳng cũng có thể đóng vai trò quan trọng, đồng thời có liên hệ đến việc xuất hiện ác mộng và các triệu chứng loạn thần vào cuối tuổi nhỏ.”
TS Thompson cho biết, nghiên cứu chỉ ra cách nhìn ác mộng và hoảng loạn ban đêm theo một hướng khác, đồng thời có thể hỗ trợ công việc của các nhà chuyên môn hay người chăm sóc.
Ông chia sẻ: “Có thể đối với một vài cá nhân, ác mộng và hoảng loạn ban đêm chẳng có liên hệ gì đến tình trạng tâm bệnh sau này. Tuy nhiên, đối với những người có các nguy cơ như gia đình có tiển sử tâm thần hay đã gặp những sang chấn trong quá khứ do người lớn hay bạn bè gây nên, những vấn đề về giấc ngủ trên có thể có tầm quan trọng khá lớn và giúp cảnh báo những vấn đề tâm bệnh hay sang chấn chưa được nhận diện.”
TS Thompson cho rằng tuy cần có thêm nhiều nghiên cứu nhưng những kết quả ban đầu này cho thấy các rối loạn giấc ngủ như việc thường gặp ác mộng ở trẻ em có thể là một chỉ báo nguy cơ về khả năng phát triển các triệu chứng và những rối loạn tâm thần.
Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psy Post (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psy Post http://www.psypost.org/2015/05/persistent-nightmares-in-childhood-could-be-linked-to-psychotic-experiences-in-later-life-34440 và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/08/van-de-tre-thuong-xuyen-gap-ac-mong.html. Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psy Post và thông báo cho người dịch.


LÃNH ĐẠO TIÊU CỰC GÂY ẢNH HƯỞNG ĐẾN TẬP THỂ VÀ NĂNG SUẤT

Sếp ngược đãi nhân viên
ĐH BANG MICHIGAN 20/08/2014
Một nghiên cứu mới được các nhà nghiên cứu kinh doanh tại ĐH Bang Michigan thực hiện cho thấy, những nhà quản lý hay ngược đãi các nhân viên có thể sẽ khiến cả đội ngũ vướng và xung đột và làm giảm năng suất.
Nghiên cứu được thực hiện tại Trung Quốc và Hoa Kỳ, được đăng trên Journal of Applied Psychology, cho thấy tác động tiêu cực của những hành động ngược đãi phi thể chất do các nhà quản lý gây ra lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta thường tưởng tượng. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên kiểm chứng tác động của những nhà lãnh đạo tiêu cực lên đội ngũ làm việc.
Nhà nghiên cứu Crystal Farh cho rằng những nhà quản lý xem thường và nhạo báng nhân viên của mình không chỉ làm ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của người lao động, mà còn khiến các thành viên khác trong nhóm cũng hành xử hung hăng với nhau tương tự.
Farh cho biết, “Đó chính là kết quả đáng lo ngại nhất vì nó cho thấy điều này không chỉ tạo ra một nạn nhân đơn lẻ, nó còn tạo ra một môi trường mà hết thảy mọi người đều bị ảnh hưởng, bất kể bạn có phải là cá nhân bị ngược đãi hay không.”
Theo Farh, Giáo sư thỉnh giảng về Quản lý tại Trường Đại học Kinh doanh Broad, ĐH Bang Michigan, các kết quả trên có thể được diễn giải theo lý thuyết học tập xã hội. Trong đó cho rằng, chúng ta học tập và thực hiện các hành vi dựa trên việc quan sát những người xung quanh. Trong trường hợp này là “sếp” của họ. Bà nói thêm, các nghiên cứu trước đây cho thấy nhân viên thường làm theo các hành vi tích cực của nhà quản lý, tương tự, hoàn toàn có lý khi cho rằng họ cũng sẽ bắt chước các hành vi tiêu cực.   
Trong nghiên cứu này, Farh và Zhijun Chen thuộc ĐH Tây Australia đã nghiên cứu 51 nhóm nhân viên tại 10 công ty Trung Quốc. Nhóm thường có quy mô trung bình là 6 người và sẽ được yêu cầu thực hiện một số các vị trí chức năng khác nhau như chăm sóc khách hàng, hỗ trợ kỹ thuật hay nghiên cứu và phát triển.
Nghiên cứu tìm hiểu các hành vi ngược đãi phi thể lý như ngược đãi bằng lời nói hay các email mang tính nhạo bang. Những người lao động trực tiếp trải nghiệm những ngược đãi trên thường cảm thấy bị hạ thấp giá trị và sẽ ít đóng góp cho nhóm hơn. Đồng thời, cả nhóm cũng dễ rơi vào tình trạng xung đột hơn, làm giảm khả năng xây dựng của các thành viên.
Farh cho biết, “Các thành viên trong nhóm có xung đột thường sẽ hành xử gây hấn, ngược đãi, nói năng thô lỗ với nhau, đồng thời cũng trải nghiệm nhiều cảm xúc tiêu cực hơn về nhau.”
Nghiên cứu được lặp lại trong môi trường thực nghiệm có kiểm soát tại Mỹ với gần 300 nghiệm thể tham gia.
Kết quả đem lại những đóng góp cho việc hỗ trợ nhân viên bị quản lý đối xử tiêu cực. Trong quá khứ, các công ty thường chỉ tập trung vào việc phục hồi khả năng tin tưởng váo bản thân của cá nhân. Dù yếu tố trên vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng Farh cho rằng cần có thêm những nỗ lực nhằm hàn gắn các mối quan hệ liên cá nhân trong nhóm bằng cách tái tạo lòng tin và sự hòa hợp.
Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psy Post (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psy Post http://www.psypost.org/2014/08/abusive-leadership-infects-entire-team-hurting-productivity-27506 và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/08/tac-hai-lanh-dao-nguoc-dai-nhan-vien.html. Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psy Post và thông báo cho người dịch.



NHỮNG KÝ ỨC VỀ TUỔI THƠ BỘC LỘ ĐIỀU GÌ VỀ BẠN?

Ý nghĩa của ký ức tuổi thơ

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng với đa số chúng ta, trung bình, những ký ức đầu tiên sẽ là về các sự kiện lúc chúng ta 3 tuổi rưỡi.Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây cho thấy trẻ em còn có thể nhớ những ký ức còn sớm hơn thế (Wang & Peterson, 2014). Ngược lại, với người trưởng thành, chúng ta chỉ nhớ những ký ức bắt đầu từ lúc ta 6 đến 6 tuổi rưỡi (Wells, Morrison, & Conway, 2014). Các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng, có rất ít những ký ức trước tuổi lên 6 có thể trở thành một ký ức lâu dài.
Những ký ức đầu tiên đó cho chúng ta thấy những gì về bản thân và tuổi thơ của mình? Và liệu có phải ai cũng ghi nhớ cùng một kiểu ký ức khi còn nhỏ hay không?
Các ký ức đầu tiên thường có nội dung rất phong phú: những trò chơi, tai nạn hay những thay đổi (về nhà ở, trường lớp,…) đều có thể trở thành những sự kiện được lưu giữ đến tận tuổi trưởng thành (Peterson, Morris, Baker-Ward, & Flynn, 2013). Mỗi kiểu sự kiện còn sót lại khi ta lớn lên đều có thể phản ánh rõ nét đặc điểm tuổi thơ của chúng ta, đồng thời chúng cũng cho biết những điều gì là quan trọng và góp phần tạo nên con người chúng ta hiện tại. Ví dụ, trẻ em Canada thường có những ký ức đầu tiên là về việc tự chơi một mình hay những thay đổi mang tính cá nhân. Trong khi đó, trẻ em Trung Quốc lại hay nhớ về những tương tác với gia đình và trường lớp (Peterson, Wang, & Hou, 2009).  
Vẫn chưa rõ lý do tại sao một số kinh nghiệm cụ thể lại được ghi nhớ cả đời, trong khi nhiều sự kiện khác lại bị loại bỏ. Những ký ức tuổi thơ đầu tiên được người trưởng thành lưu giữ thường là các sự kiện mang tính cảm xúc. Dù có nhiều ký ức cho thấy những sự kiện cảm xúc tiêu cực nhưng cũng có nhiều ký ức khắc họa những kinh nghiệm hạnh phúc thời thơ ấu (Howes, Siegel, & Brown, 1993). Một vài các tai nạn, ví dụ bị té gãy tay khi đang chơi trong sân trường, cũng hay được giữ lại đến lúc lớn. Thế nhưng, những khoảnh khắc hạnh phúc như một chuyến du lịch thú vị hay thời gian chơi đùa với bạn bè cũng thường xuyên được ghi nhớ.
Nghiên cứu cũng chứng minh, bên cạnh tính cảm xúc, sự liên tục cũng góp phần tác động đến “tuổi thọ” của ký ức. Mức độ thông hiểu một cách có ý nghĩa một trải nghiệm sẽ tác động đến khả năng sự kiện đó được đưa vào “bộ nhớ”. Một cô gái đã hồi tưởng lại một trải nghiệm rất sống động sau đây khi cô đang học mẫu giáo lúc 3-4 tuổi: Một người đàn ông mang áo vest tới lớp mẫu giáo để nói chuyện. Ông vừa nói vừa bắt đầu mang thêm từng mẫu phục trang truyền thống của người Bản địa Mỹ lên người cho đến khi ông đứng trước cả lớp trong trang phục Tù trưởng bộ tộc Onondaga. Bài học ông truyền tải vô cùng rõ ràng, ông vẫn chỉ là một con người dù có thể mang cả hai loại quần áo. Khi lớn lên, cô bé năm xưa giải thích rằng chính ký ức tuổi thơ vô cùng ấn tượng đó đã giúp cô biết trân trọng sự đa dạng và tạo cảm hứng cho công việc của bản thân cô, một nhà hành động vì quyền con người.
Tổng thể của những ký ức tự thuật của chúng ta không chỉ phản chiếu những chất liệu cuộc sống ta đã sở hữu mà còn là những vật liệu giúp xây dựng nên con người ta đang trở thành. Những ký ức đầu tiên cho thấy những tác động của bối cảnh văn hóa lên bản thân chúng ta cũng như những ảnh hưởng của tuổi thơ mà ta đã trải qua. Trải nghiệm không chỉ là những thứ đã xảy ra với chúng ta, chúng là những “vật liệu thô sơ” ta dùng để định hình căn tính, bản ngã của mình. Con người ta đã trở thành có khả năng suy nghĩ về những sự kiện đó, tái đánh giá chúng lựa chọn cách thức đáp trả. Chúng ta không bị cầm tù bởi quá khứ, chúng ta vẫn có quyền quyết định sẽ sử dụng những khía cạnh nào của quá khứ để khắc họa nên con người hiện tại và tương lai của mình.
Những ký ức tuổi thơ ta chọn để lưu giữ cho thấy những điều ta xem là quan trọng. Những trải nghiệm đó không cho người khác biết tất cả mọi điều về con người bạn. Một người ghi nhớ những ký ức về việc bị lạm dụng khi còn nhỏ chưa chắc sẽ bị đánh giá là “nạn nhân”, “người sống sót”,… Cách thức cá nhân hiểu được ý nghĩa của những trải nghiệm đó mới góp phần tạo nên ý nghĩa bản ngã của họ. Những ký ức đang được xử lý đó sẽ tích hợp vào tính cá thể đầy năng động và không ngừng thay đổi của cá nhân.  
Chúng ta không được lựa chọn tuổi thơ ta đã trải qua nhưng chúng ta được lựa chọn cách phản ứng với những ký ức đó.
Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psychology Today (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psychology Today https://www.psychologytoday.com/blog/longing-nostalgia/201504/what-your-oldest-memories-reveal-about-you?utm_source=FacebookPost&utm_medium=FBPost&utm_campaign=FBPost
và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/08/ky-uc-tuoi-tho-boc-lo-dieu-gi-ve-ban.html . Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psychology Today và thông báo cho người dịch.

Tài liệu tham khảo
Batcho, K. I. (2012). Childhood happiness: More than just child’s playPsychology Today
Batcho, K. I., Nave, A. M., & DaRin, M. L. (2011). A retrospective survey of childhood experiences. Journal ofHappiness Studies12, pp. 531-545.
Demiray, B., & Bluck, S. (2011). The relation of the conceptual self to recent and distant autobiographical memories. Memory19, pp. 975-992.
Howes, M., Siegel, M., & Brown, F.  (1993). Early childhood memories:  Accuracy and affect. Cognition47, pp. 95-119.
Peterson, C., Morris, G., Baker-Ward, L., & Flynn, S. (2013). Predicting which childhood memories persist: Contributions of memory characteristics. Developmental Psychology,50, pp. 439-448.
Peterson, C., Wang, Q., & Hou, Y. (2009). “When I was little”: Childhood recollections in Chinese and European Canadian grade school children. Child Development80, pp. 506-518.
Wang, Q., & Peterson, C. (2014). Your earliest memory may be earlier than you think:  Prospective studies of children’s dating of earliest childhood memories  Developmental Psychology50, pp. 1680-1686.
Wells, C., Morrison, C. M., & Conway, M. A. (2014). Adult recollections of childhood memories: What details can be recalled? The Quarterly Journal of Experimental Psychology67, pp. 1249-1261



 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google

Join us on Facebook

Please wait..5 SecondsCancel