3/3/2015
Trong năm đầu tiên trị liệu với TS.Conger, tôi bắt đầu làm một việc mà xuất phát chỉ là hành vi bất chợt nhưng rồi lại nhanh chóng trở thành một nghi thức. Cứ sau mỗi buổi trị liệu, khi ra về trên con đường lát đá cuội từ văn phòng tại gia của ông ra tới mặt đường, tôi lại bí mật nhặt một viên đá nhỏ và cho vào túi.
Hình dáng của viên đá – to, nhỏ, méo, tròn ra sao – đều phản ánh điều gì đó tôi cảm nhận về buổi trị liệu hôm ấy. Căn bản ý nghĩa của việc này hoàn toàn dựa vào trực giác: tôi lướt mắt nhìn mặt đường và chọn viên đá “thích hợp”. Nếu hôm đó nói về một sự việc chưa hoàn thành, tôi sẽ chọn một viên méo mó. Nếu tạo được một bước tiến lớn, tôi sẽ nhặt một hòn to. Nếu chỉ là một buổi trầm lặng, tôi sẽ lấy một viên nhỏ nhắn, bình thường. Đá cuội đỏ cho sự tức giận và viên sỏi đen cho niềm thất vọng.
Tôi có cảm thấy một chút áy náy về bộ sưu tập của mình. Dù gì thì tôi chỉ ăn cắp những hòn đá mà thôi. Tôi không đến độ làm trỏng trơ mặt đường nhưng chắc hẳn ai đó (phần nhiều có lẽ là TS. Conger) đã tốn tiền mua chúng.
Tôi cũng từng có những nghi thức riêng như vậy khi còn nhỏ. Khoảng hơn một năm trời lúc 8 tuổi, tôi thường lấy chìa khóa tủ của cha mẹ và chôn chúng khắp nơi trong khu xóm. Dù có vẽ lại địa điểm những “kho báu” của mình, tôi chẳng bao giờ thật sự hiểu được ý nghĩa của sở thích này, ngay cả khi tất cả đều là do tôi tự bày ra. Đôi khi những chiếc chìa khóa đó khiến tôi cảm thấy rất tôi lỗi. Nhỡ đâu có gì quan trọng khi cần lại không mở tủ được?
Sau đó, khi tôi lên 10, tôi lại có thói quen bỏ túi những viên vitamin, 5 viên cả thảy, tôi phải uống vào buổi sáng, sau đó tôi lén lút ném chúng xuống khe núi trên đường đi học. Dù có lo bị cha tôi bắt gặp (ông là dược sĩ), mặc cảm lớn nhất lại là việc nếu lũ sóc hay những con thú khác ăn phải chúng thì sao? Chúng có bị gì không?
Tuổi thơ của tôi dư thừa ổn định và trật tự nhưng lại thiếu cảm xúc được biểu lộ. Tôi hiếm khi thấy ai trong nhà rơi nước mắt, và cũng chẳng thể nào nhớ được nụ cười của cha tôi, ông qua đời bất ngờ vào năm tôi 18. Thay vào đó, chỉ toàn là những thói quen lặp đi lặp lại. Ăn tối lúc 6:30; đi chợ mỗi thứ Năm; tưới cây vào thứ Bảy. Và như một phần kết quả từ “cấu trúc” trên, tôi trở thành người thành đạt và có vẻ “nghiêm túc”.
Thế nhưng trong những năm tôi 20, khi các thể loại cảm xúc đang sôi sung sục, tôi lại bối rối với chính cảm xúc của mình và mù mờ trước cảm xúc của người khác. Ngày cha tôi nhắm mắt, tôi đang đi học đại học, tôi vẫn đến lớp như thường lệ rồi mới lên máy bay về nhà. Tuổi 25, khi một người bạn nói tôi nghe ý định tự tử của anh, những gì tốt đẹp nhất tôi có thể nói chỉ là đề nghị anh tập thể dục.
Sự ơ hờ trên khiến tôi sợ hãi đến mức phài đi trị liệu. Suốt bao nhiêu năm, tôi chỉ mới gặp 3 nhà trị liệu tâm lý. TS. Conger là nhà trị liệu nam giới duy nhất trong số đó, và ở tuổi 80, với tôi ông như một người cha vậy. Đôi lúc trong suốt 17 năm trị liệu, tôi còn gọi ông là John (tên thân mật của TS.Conrad) nữa. Về những nghi thức tôi có thời thơ ấu, chúng tôi cùng nhau tìm hiểu xem chúng mang lại sự tự chủ cũng như những bí mật gì nơi tôi. Vì John, cũng như một số đồng nghiệp khác, tin vào vô thức nên câu hỏi ông thường đặt ra là: “Cô có muốn bị bắt gặp khi làm chuyện đó không? Cô nghĩ những chiếc chìa khóa sẽ mở ra những cánh cửa nào?”
Một tháng trước, khi John nói với tôi là ông sẽ chuyển văn phòng đến địa điểm khác, suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tôi là về những viên đá. Tôi phải làm gì đây? Suốt bao nhiêu năm tôi giữ chúng trong một cái bình trắng nay đã đầy tràn, cho dù vài viên có thể rơi rớt trong máy giặt hay xe hơi. Chưa bao giờ đếm nhưng chúng có thể lên tới cả hàng trăm viên. Và tôi chưa bao giờ nhắc đến chúng trước mặt John.
Vào buổi tiếp theo, tôi quyết định nói cho ông biết về những hòn đá. Như cách các nhà trị liệu vẫn thường làm, ông im lặng.
Tôi lên tiếng hỏi. “Vậy việc tôi nhặt đá suốt bao nhiêu năm qua có ý nghĩa gì không?”
John suy nghĩ, và đưa ra một hình ảnh ẩn dụ. “Có thể chúng là nền móng của cô,” ông nói.
Tôi chưa chắc ý ông là gì, nhưng vẫn đi tiếp. “Ông có muốn tôi trả lại chúng không?” tôi hỏi, vẫn cảm thấy áy náy.
Ông cười: “Không, Louise, cô có thể giữ chúng.”
Tôi không nói ông biết là tôi từng tưởng tượng mình sẽ trải hết những viên đá cuội vào nấm mồ của ông. Nghe thì có vẻ hơi bệnh hoạn nhưng đối với suy nghĩ kỳ quặc của mình, tôi xem đó như một lời cảm ơn.
Đó là buổi trị liệu cuối cùng chúng tôi làm việc ở văn phòng tại nhà John. Buổi kế tiếp chúng tôi đã gặp nhau tại một văn phòng vô cùng đẹp đẽ. Cho dù tôi cảm thấy rất lo sợ nhưng phải công nhận nó rất tuyệt. Phòng ốc sáng sủa hơn và John nhìn cũng tươi vui hơn, ông rao bán nhà và bắt đầu một chương mới trong cuộc đời mình. Tôi nhận ra chính mình cũng đã thay đổi thái độ về sự thay đổi.
Sau buổi làm việc, trên dường đi ra xe, tôi vẫn lướt mắt nhìn khắp mặt đất nhưng chỉ thấy toàn những viên đá vụn vữa, xấu xí, trông giống như vữa bê tông hay đá tảng vỡ thay vì những viên đá cuội nằm giữa lòng suối. Câu nói của John hôm trước vang lên trong đầu tôi. Ông nói đúng: Tôi đã có một nền móng cho riêng mình. Những viên đá tôi nhặt chỉ là phương diện lý tính của quá trình tôi đã trải qua. Trong suốt những giờ phút mà chúng đại diện, tôi đã hun đúc những mối dây liên kết trong bản thân mình: với cảm xúc bản thân, với John, với quá khứ và nhiều hơn thế, với những người có mặt trong cuộc đời tôi.
Băng qua bãi giữ xe, vẫn không thể thấy một viên đá cuội nào sạch sẽ và nhẵn bóng, tôi nhặt một viên đá dơ dáy bằng cỡ đá vôi. Nhưng trước khi bước lên xe, tôi đã bỏ nó lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét