chiêu thức bán hàng hiện đại

chiêu thức bán hàng

chia sẻ

LỢI ÍCH CỦA VIỆC CHO CON BÚ: TRẺ CÓ IQ VÀ THU NHẬP CAO HƠN TRONG TƯƠNG LAI

Vai trò của mẹ đối với con
Một nghiên cứu mới cho thấy, có liên hệ giữa việc trẻ được cho bú sữa mẹ nhiều với trí thông minh cao hơn, giành nhiều thời gian cho học thuật và thu nhập nhiều hơn sau 30 năm.
TS Bernardo Lessa Horta, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết:
“Tác dụng của việc cho con bú lên sự phát triển não bộ và trí tuệ của trẻ đã được chứng minh từ lâu, nhưng liệu những tác động đó có kéo dài đến tuổi trưởng thành hay không vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp những bằng chứng đầu tiên cho thấy việc thời gian trẻ bú sữa mẹ nhiều không chỉ làm tăng điểm số trí tuệ ít nhất cho đến tuổi 30 mà còn có tác động lên mức độ cá nhân và xã hội thông qua việc trẻ tham gia nhiều hơn vào hoạt động học tập và thu nhập cao hơn trong tương lai.
Điểm độc đáo của nghiên cứu này là trong dân số được nghiên cứu, việc cho con bú không phổ biến hơn đối với những phụ nữ có học vấn và thu nhập cao, nhưng được phân phối đều trong tất cả các tầng lớp xã hội.
Những nghiên cứu trước đây ở các quốc gia phát triển đã từng bị chỉ trích vì không tách biệt được hiệu quả của việc cho con bú với những lợi thế về kinh tế xã hội ở các quốc gia đó, tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi đã quan tâm tới vấn đề trên ngay từ ban đầu.”
Những lợi ích của sữa mẹ
Nghiên cứu về lợi ích của việc bú sữa mẹ được thực hiện trên 6000 trẻ sơ sinh tại Brazil từ năm 1982.
Các bé được chia vào một trong năm nhóm tùy thuộc vào tần suất được cho bú mớm.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng kiểm soát các nhân tố khác có thể ảnh hưởng đến IQ như thu nhập gia đình, hành vi hút thuốc ở mẹ và di truyền.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng trẻ được cho bú trong một năm có điểm IQ trùng bình cao hơn 4 điểm so với những trẻ chỉ được cho bú trong vòng một tháng.
Những trẻ được cho bú nhiều hơn trung bình cũng thường đi học nhiều hơn một năm và có mức lương cao hơn 30% mức lương trung bình cả nước.
TS Horta cho biết:
“Cơ chế nằm bên dưới những lợi ích của sữa mẹ với trí tuệ có thể gắn với sự hiện diện của các DHA có trong sữa mẹ,nhân tố rất quan trọng trong sự phát triển của não bộ.
Kết quả cho thấy thời gian cho con bú có liên hệ dương tính với chỉ số IQ khi trưởng thành cũng cho thấy vai trò của lượng sữa được trẻ tiêu thụ.”
Nghiên cứu được xuất bản trong tạp chí The Lancet Global Health (Victora et al., 2015)


http://www.spring.org.uk/2015/03/breastfeeding-benefits-higher-adult-iq-and-income-30-years-later.php

HIỆU QUẢ CỦA TRỊ LIỆU TÂM LÝ TRONG VIỆC ĐIỀU TRỊ CHỨNG MẤT NGỦ

Làm cách nào điều trị chứng mất ngủ?
09/06/2015 MAANVI SINGH
Hiện nay có khá nhiều người gặp vấn đề với giấc ngủ, ở Hoa Kỳ, cứ 10 người thì có 1 người bị mất ngủ mãn tính.
Thông thường, các rối loạn về giấc ngủ sẽ được điều trị bằng thuốc. Khoảng 6-10% người Mỹ dùng thuốc ngủ.
Tuy nhiên, một nghiên cứu y khoa vừa cho thấy trị liệu tâm lý có thể giúp người có rối loạn giấc ngủ với hiệu quả tương đương – thậm chí còn tốt hơn- so với dược liệu.
Theo TS David Cunnington, giám đốc Trung tâm Rối loạn Giấc Ngủ Melbourne (Úc) và là tác giả của nghiên cứu, một số lượng lớn các bằng chứng xuất hiện trong thập kỷ qua cho thấy trị liệu nhận thức hành vi – tiếp cận trị liệu lời nói tập trung vào việc thay đổi cách thức con người phản ứng trước những tình huống cụ thể - có thể giúp đỡ hiệu quả cho những người mất ngủ kinh niên.
"Chúng tôi muốn tập hợp tất cả các nghiên cứu nhỏ hơn về trị liệu nhận thức hành vi đã được thực hiện với chứng mất ngủ để có được một kho dữ liệu lớn hơn cùng những ý tưởng hoàn chỉnh hơn về liệu pháp này.”
Kết quả đươc công bố trên Tạp chí Nội Khoa Thường niên.
Kế hoạch trị liệu tiêu biểu cho chứng mất ngủ sẽ bao gồm sáu buổi làm việc với một tâm lý gia về giấc ngủ. Nhà trị liệu sẽ giúp các thân chủ luyện tập thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày và phát triển những thói quen ngủ tích cực, ví dụ như tránh xa thức uống có cồn và caffeine trước khi ngủ, đồng thời chỉ dùng giường để ngủ (ví dụ, thay vì nằm xem TV). Các nhà tâm lý cũng sẽ dạy thân chủ các kỹ thuật thư giãn và thách thức những thái độ tiêu cực của thân chủ về giấc ngủ.

Nghiên cứu cho thấy, sau quá trình trị liệu, trung bình, thân chủ sẽ rơi vào giấc ngủ nhanh hơn 20 phút và chỉ thức dậy vào giữa đêm ít hơn 30 phút. Thời gian ngủ của họ cũng tăng nhẹ gần 10%.

“Dựa vào các nghiên cứu khác, chúng tôi thấy kết quả đến từ trị liệu tâm lý có hiệu quả tương đương so với những bệnh nhân dùng thuốc,” Cunnington cho biết.

Trong nhiều trường hợp, trị liệu tâm lý là lựa chọn khả dĩ hơn, vì nó có thể điều trị cả những lo âu tạo nên việc mất ngủ. Cunnington nói, “Thuốc chỉ tạm thời đắp một tấm mền lên nỗi lo lắng và giúp bệnh nhân nghỉ ngơi. Trị liệu nhận thức hành vi sẽ chạm đến những vấn đề cốt lõi, thách thức những suy nghĩ của thân chủ về giấc ngủ. Nó thật sự có thể giúp phá vỡ vòng xoáy liên hồi của mất ngủ mãn tính.”

Hơn thế nữa, thuốc có thể đi kèm theo những tác dụng phụ - như khiến người dùng cảm thấy “đờ đẫn” cả ngày. Đồng thời, đa phần các loại thuốc ngủ sẽ dần bị mất tác dụng, Cunnington lưu ý.

Vậy tại sao các bác sĩ lại không khuyến nghị thân chủ đi trị liệu tâm lý khi gặp phải những vấn đề về giấc ngủ?

Theo Kelly Baron, nhà tâm lý lâm sàng tại ĐH Northwestern với chuyên môn về rối loạn giấc ngủ, “tôi nghĩ đây là vấn đề về nhận thức.”

“Nghiên cứu này rõ ràng cho chúng ta thấy những số liệu cụ thể về hiệu quả của trị liệu tâm lý.”

Tuy nhiên, các bác sĩ tuyến đầu thường không biết phải chuyển các bệnh nhân có vấn đề về giấc ngủ mãn tính đi đâu. Bên cạnh đó, chúng ta còn gặp phải giới hạn về số lượng các nhà trị liệu được đào tạo để làm việc với chứng mất ngủ, đặc biệt là những khu vực bên ngoài các thành phố lớn.

Những người tiên phong trong việc điều trị chứng mất ngủ bằng tâm lý đang cố gắng phát triển các chương trình chứng chỉ đào tạo các nhà tâm lý giấc ngủ tôt hơn, Baron cho biết. “Điều chúng ta cần tập trung vào thời điểm này là làm tăng sự hiện diện [của trị liệu tâm lý] để nhiều người mắc rối loạn giấc ngủ có thêm những lựa chọn về trị liệu khi cần thiết.”


Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ NPR (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc s dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của NPR http://www.npr.org/sections/health-shots/2015/06/09/412938919/to-beat-insomnia-try-therapy-for-underlying-cause-instead-of-pills?utm_source=facebook.com&utm_medium=social&utm_campaign=npr&utm_term=nprnews&utm_content=20150609 và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/06/tri-lieu-tam-ly-giup-het-mat-ngu.html. Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của NPR và thông báo cho người dịch.



TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGƯỜI CHA

Vai trò của người Cha trong gia đình

Trong nhiều nền văn hóa, quyền lực của người cha được xem như một quyền uy tối thượng trong gia đình. Lời nói của cha là không bàn cãi, quyết định của cha là quyết định cuối cùng, ảnh hưởng của cha lan tỏa mạnh mẽ đến mọi vấn đề trong gia đình. Chỉ có điều, ông không được xem như một người chăm sóc cho trẻ - vai trò vẫn nằm (hay được giao cho) trong bàn tay của người mẹ, nếu có thì ông cũng chỉ là “dự bị” cho mẹ mà thôi.

Từ thế kỷ 20, thế giới bắt đầu thay đổi sâu sắc từ xã hội, kinh tế cho tới kỹ thuật công nghệ. Những biến đổi ấy kéo theo những chuyển đổi căn bản về cấu trúc và chức năng của gia đình – nó cũng thay đổi cả quyền lực của người cha. Ảnh hưởng của các ông bố ngày càng bị giảm thiểu, thậm chí biến mất và tầm quan trọng của họ nay được định nghĩa thông qua khả năng chu cấp cho gia đình.

Một yếu tố khác trong vai trò của người cha bị “hạ giá” có liên quan đến một lĩnh vực còn khá mới: tâm lý học. Thật thế, tâm lý học đã trở thành một phần của vấn đề. Các nghiên cứu không quan tâm nhiều đến vai trò của người, đồng thời, tầm ảnh hưởng của họ đối với sự phát triển và trưởng thành của trẻ nhỏ được cho là “không đáng kể”. Cha mẹ nay được xem như chỉ có “mẹ”—và “cha”, nếu có được nhắc đến, chỉ được coi là những tác động “khác” mà thôi. Chỉ một số ít các nghiên cứu cha mẹ-con cái tìm hiểu vai trò của người cha, và một số những nghiên cứu tập trung vào sự tham gia của các ông bố được thực hiện lại chỉ thông qua đánh giá của các bà mẹ. Ví dụ, trong một số các nghiên cứu, hơn 2000 “phụ huynh” được yêu cầu trả lời những câu hỏi về việc nuôi dạy con, nhưng trong đó lại không có lấy một ông bố. Kết quả gián tiếp của việc thiếu những dữ liệu nghiên cứu về cha lại trở thành những giả định ngầm rằng giới mày râu không quan tâm nhiều đến việc làm bố.

Thế nhưng tầm ảnh hưởng của bố dần trở lại khi vào những năm 70, một loạt các nghiên cứu mới băt đầu ủng hộ tác động của người cha. Thay đổi này đã ảnh hưởng lên tôi [tác gia bài viết] khi lúc đó tôi đang là nghên cứu sinh, tôi đã liều lĩnh làm luận án Tiến sĩ của mình về tương tác cha/con và tương tác trên có thể trở thành nhân tố tác dộng quan trọng lên cự phát triển của trẻ vào tuổi dậy thì như thế nào. May mắn thay, nghiên cứu của tôi tìm thấy kết quả “dương tính” trong ảnh hưởng của người cha lên lý lẽ đạo đức của trẻ vị thành niên.

Ngày nay, đã không còn một công luận hay nghiên cứu tâm lý nào lại xem người chỉ bằng với những “yếu tố khác”. Các tạp chí chuyên môn, cũng như Internet, đã đăng ngập tràn những bài báo chứng minh tầm quan trọng của người cha.

Các nghiên cứu ngày nay nói gì? 
Theo một báo cáo trong “Người cha và Tác động của họ lên Hạnh phúc của Trẻ”, “Ngay từ khi sinh ra, những trẻ có nhiều tương quan với cha thường được an toàn về mặt cảm xúc nhiều hơn, tự tin hơn trong việc khám phá môi trường xung quanh và có những mối quan hệ xã hội tích cực hơn khi lớn lên.
Cách người cha chơi với con cũng có những tác động quan trọng lên sự phát triển cảm xúc và xã hội của trẻ. Các ông bố thường giành thời gian trong tương tác một-một với trẻ sơ sinh và trẻ trước tuổi đến trường thông qua các hoạt động vui chơi, kích thích nhiều hơn mẹ. Từ những tương tác này, trẻ sẽ học cách điều chỉnh cảm xúc và hành vi.
Những trẻ có cha quan tâm, hay tiếp xúc thường có kết quả học tập tốt hơn. Ảnh hưởng từ sự tham gia của cha còn kéo dài đến tận tuổi dậy thì và đầu tuổi trưởng thành. Nhiều nghiên cứu cho thấy người cha có phong cách nuôi dạy khuyến khích và chủ động thường có liên hệ với kỹ năng ngôn ngữ, hoạt động tri thức và thành tựu học đường cao hơn ở trẻ vị thành niên.”
(www.childwelfare.gov/pubs/usermanuals/fatherhood/fatherhood.pdf)
Thực tế hiện tại ra sao? 
Chắc chắn việc cha đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của trẻ là hoàn toàn không thể bàn cãi; một lượng lớn các nghiên cứu khẳng định rằng tương tác cha con có vai trò thiết yếu trong sức khỏe tổng quat, nhận thức, hành vi và nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống của trẻ; việc có một khuôn mẫu nam giới tích cực sẽ giúp các bạn nam tuổi dậy thì phát triển những đặc điểm vai trò giới tích cực; các em nữ vị thành niên sẽ có khả năng hình thành những quan điểm tích cực hơn về đàn ông và sẽ có khả năng liên hệ tốt hơn với họ khi được nuôi dạy bởi một người cha quan tâm chăm sóc; chúng ta cũng hay chấp nhận rằng, trong đa số các tình huống, sự hiện diện và tham gia của người cha là rất cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ, y như vai trò của các bà mẹ; và tầm quan trọng của người cha được công nhận trong các nghiên cứu về nuôi dạy con cái sẽ khiến họ ý thức hơn về giá trị của mình, điều nảy sẽ dẫn tới một ước mong tham gia nuôi dạy con nhiều hơn.
Tuy nhiên, vẫn có một khoảng cách khá lớn giữa nghiên cứu và sự chấp nhận giá trị của người cha trong thực tế, nhiều ông bố cảm thấy mình vẫn là “công dân hạng hai” trong thế giới của đứa con. Sách vở, tạp chí, các chương trình truyền hình nuôi dạy con tràn ngập thông tin về các bà mẹ và giành cho các bà mẹ. Chỉ mới đến gần đây tòa án hôn nhân gia đình ở Mỹ mới chấp nhận các nghiên cứu về người cha và việc nuôi dạy con, tư pháp đã cân bằng hơn một chút về quyền nuôi dạy con. Những ông bố muốn tham gia tích cực hơn vào đời sống con mình sẽ gặp phải những rào cản về công việc, truyền thông vả thậm chí từ người vợ của mình, những người luôn thấy bị “đe dọa” khi con bắt đầu tìm cha thay vì tìm mẹ.
Chúng ta sẽ thấy sự cân bằng rõ ràng hơn một khi Ngày của Cha được mừng lớn ngang bằng Ngày của Mẹ.
Các bài bào, bài viết được đề cập trong bài:

Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psychology Today (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc s dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psychology Today https://www.psychologytoday.com/blog/the-long-reach-childhood/201106/the-importance-fathers và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/06/Vai-tro-cua-nguoi-cha-voi-con.html Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psychology Today và thông báo cho người dịch.



Ý CHÍ VÀ CÁCH THỨC QUẢN LÝ CHI TIÊU

Quản lý tiền bạc như thế nào?

Thông tin từ Stress in America Survey mới đây của APA cho rằng tiền bạc và kinh tế là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng stress hiện nay chắc hẳn không làm nhiều người bất ngờ. Dù là trả nợ ngân hàng, mua sắm nhu yếu phẩm hay là tiết kiệm tiền thì chúng ta cũng phải tiêu tốn rất nhiều công sức để đưa ra các quyết định về tài chính. Những quyết định trện, dù lớn hay nhỏ, đều đòi hỏi sự hiện diện của ý chí.

Ý chícũng giống như cơ bắp, có thể trở nên mỏi mệt (xem bài Làm cách nào để nâng cao ý chí nhằm đạt đến mục tiêu?http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/06/lam-cach-nao-de-nang-cao-y-chi-dat-muc-tieu-thanh-cong.html). Khi bạn sử dụng ý chí quá mức, nó sẽ dần mất đi sức mạnh. Những nghiên cứu gần đây cho thấy những người “cạn” ý chí thường dễ tiêu nhiều tiền hơn để mua sắm. Nghiên cứu cho rằng, ý chí thấp sẽ làm sụt giảm khả năng kiểm soát chi tiêu.
Những người thường xuyên phải đối mặt với các quyết định khó khăn về tài chính, ví dụ như những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thường hay sử dụng hết ý chí của mình. Một nghiên cứu chứng minh rằng những người “ít tiền” khi đi mua sắm thường phải sử dụng ý chí nhiều hơn những người “nhiều tiền” vì họ phải ra những quyết định chi tiêu thường xuyên và khó khăn hơn. Đồng thời, họ cũng là những người ăn và uống nhiều hơn trong lúc mua sắm. Vì vậy, xem ra việc tập trung ý chí vào quyết định chi tiêu có thể “rút” cạn ý chí từ những khu vực khác.

Nghiên cứu cho thấy một số chiến lược sau đây có thể giúp xây dựng khả năng tự kiểm soát khi chi tiêu và tiết kiệm:
·         Mỗi lần chỉ đưa ra một quyết định. Nghiên cứu cho thấy ý chí rất mau cạn kiệt nếu chúng ta phải đối mặt với nhiều quyết định liên tiếp đòi hỏi sự có mặt của sức mạnh tinh thần. Hãy kéo giãn thời gian quyết định những vấn đề về tiền bạc thay vì đưa ra quá nhiều lựa chọn cùng lúc làm bạn “quá tải.”
·         Theo dõi chi tiêu của bạn. Nghiên cứu cho thấy theo dõi chi tiêu có thể là một công cụ rất hữu ích. Mỗi ngày hãy ghi lại những khoản tiền bạn đã sử dụng.
·         Tiết kiệm tự động. Hãy lập những tài khoản ngân hàng hay đầu tư lấy tiền tự động từ thu nhập hàng tháng của bạn. Điều này sẽ giúp bạn “tiết kiệm” lượng ý chí sử dụng để quyết định xem hàng tháng nên tiết kiệm hay tiêu xài. Hãy sử dụng những tài khoản yêu cầu bạn phải đợi một khoản thời gian hay đạt được một mục tiêu nào đó mới được rút tiền, nghiên cứu cho thấy cách này rất “hiệu nghiệm” trong việc giúp bạn có được một khoản tiết kiệm kha khá.
·         Né tránh cám dỗ. Tránh xa các cửa hàng hay khu mua sắm có thể giúp bạn quản lý chi tiêu dễ dàng hơn. Hãy lựa chọn một hoạt động khác thay thế việc mua sắm. Tránh những cơ hội tạo điều kiện cho việc mua sắm “bất chợt” bằng cách để thẻ tín dụng ở nhà và chỉ mang một lượng tiền giới hạn vừa đủ để chi tiêu trong mức cho phép.
·         Nhờ sự hỗ trợ. Nghiên cứu cho thấy một hệ thống hỗ trợ có thể giúp bạn đạt được những mục tiêu của mình. Hãy tìm những người bạn tin tưởng rằng họ sẽ ủng hộ các mục tiêu tài chính của bạn và sẵn sàng giúp bạn thành công.

Tâm lý gia có thể giúp gì cho bạn

Nếu bạn cần trợ giúp để xây dựng ý chí, hãy đến tham vấn với các nhà tâm lý hay những nhà chuyên môn về sức khỏe tâm thần khác. Họ có thể giúp bạn xác định khu vực vấn đề và phát triển kế hoạch hành động để thay đổi.


Tài liệu tham khảo

Ashraf, N., Karlan, D., & Yin, W. Tying Odysseys to the Mast: Evidence from a Commitment Savings Product in the Philippines. (2006). The Quarterly Journal of Economics, 121(2), 635-672. doi: 10.1162/qjec.2006.121.2.635.
Spears, D. (2011). Economic Decision-Making in Poverty Depletes Behavioral Control. The B.E. Journal of Economic Analysis & Policy, 11(1).
Vohs, K.D., & Faber, R. (2007). Spent Resources: SelfRegulatory Resource Availability Affects Impulse Buying. Journal of Consumer Research, 33(4), 537-547. doi: 10.1086/510228.

http://www.apa.org/helpcenter/willpower-finances.aspx

Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ American Psychological Association (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc s dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của APA http://www.apa.org/helpcenter/willpower-finances.aspxvà đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/06/y-chi-va-cach-thuc-quan-ly-chi-tieu--tien-bac-hieu-qua.html. Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của APAvà thông báo cho người dịch.


TẠI SAO TA CÓ CẢM GIÁC THỜI GIAN ĐI VỀ LUÔN TRÔI QUA NHANH HƠN THỜI GIAN LÚC ĐI?

Thời gian qua nhanh hơn trên quãng đường về
Ana Swanson 11/6/2015  

Chúng ta không giỏi nhận thức thời gian, đặc biệt là trong việc đo đạc thời gian ngắn hạn như theo giây, theo phút hay theo giờ. Cảm giác về thời gian trôi qua rất chủ quan, chủ yếu dựa vào những sự việc khác đang diễn ra xung quanh, vào trạng thái cảm xúc hay vào hoạt động ta đang thực hiện.

Điều này dẫn đến nhiều hiện tượng khá kì lạ, bao gồm “hiệu ứng đường về”. Có thể bạn đã từng trải qua cảm giác này: Khi bạn đi đến một địa điểm mới lạ và quay trở về, dù quãng đường là bằng nhau, dường như đoạn đường lúc về luôn “ngắn” hơn đoạn đường lúc đi.  
Một nghiên cứu mới trên PLOS ONE vừa cung câp thêm bằng chứng chứng minh rằng hiệu ứng trên thực sự có tồn tại.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học ở Nhật Bản đã cho các nghiệm thể ngồi trong một căn phòng với ánh sáng mờ để xem một đoạn phim khoảng 20 phút ghi lại cảnh tượng khi người quay phim đi quanh thành phố. Một số người tham gia còn được yêu cầu sẽ ra hiệu mỗi khi họ nghĩ thời gian vừa trôi qua 3 phút. Các nghiệm thể xem tất cả hai đoạn phim và được yêu cầu đánh giá xem đoạn phim nào dài hơn.
Một nhóm sẽ “đi” một chuyến hai chiều: từ điểm “S” đến điểm “E” như trong bức hình bên trái phía dưới và sau đó quay ngược lại điểm “S” theo đúng lộ trình. Nhóm thứ hai sẽ “đi” hai chuyến một chiều: từ “S” tới “E” theo hình bên trái, và cũng từ “S” tới “E” nhưng lần này theo đường đi bên phải.

Nghiên cứu được thiết kế để tìm hiểu cách chúng ta nhận thức thời gian theo hai chiều: chúng ta cảm nhận thời gian ra sao khi nó diễn ra và chúng ta nghĩ lại về thời gian như thế nào khi nó đã kết thúc. Kết quả cho thấy sự khác biệt giữa hai mô hình trên.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng trong lúc thực hiện thực nghiệm, cả hai nhóm dự đoán lượng thời gian đang trôi qua khá tương đồng. Tuy nhiên, sau đó, khi yêu cầu họ nhớ lại, nghiệm thể xem đoạn phim hai chiều thường nhớ chuyến đi về ngắn hơn, trong khi nhóm xem hai đoạn phim một chiều không có cùng trải nghiệm tương tự.
Theo Joseph Stromberg of Vox, nghiên cứu cho thấy “hiệu ứng đường về” có liên hệ với việc hồi tưởng quá khứ và khả năng tường thuật-cách con người sử dụng ngôn ngữ để ghi nhớ và nhìn lại trải nghiệm. Nhìn chung, để trải nghiệm “hiệu ứng đường về”, bạn cần phải biết mình đang trên đường “đi về”.
Tuy vẫn chưa rõ lý do vì sao hiện tượng này xảy ra nhưng các nhà tâm lý cũng đã đưa ra một vài lý thuyết.
Một cách giải thích là hiệu ứng này diễn ra khi bạn tập trung chú ý vào bản thân thời gian. Khi bạn tập trung hơn vào việc thời gian qua đi – ví dụ bạn đang bị muộn học và liên tục phải nhìn đồng hồ - thời gian có vẻ sẽ trôi rất chậm. Nhưng nếu bạn bị chia trí bởi những thứ khác, những thứ hấp dẫn hơn, thời gian sẽ trôi rất nhanh.
Ý tưởng này cũng giúp giải thích thêm về hiện tượng thời gian có vẻ như chậm lại khi mạng sống của bạn bị đe dọa. Nó cũng xảy ra với trí nhớ của chúng ta: Khi chúng ta chú ý nhiều vào một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, chúng ta thường nhớ rằng quãng thời gian đó kéo dài lâu hơn bình thường.
Tất cả những điều trên dẫn tới một suy nghĩ khá thú vị: Bằng cách “định tâm” (mindful), hay tập trung chú ý vào “ở đây – bây giờ” (hic et nunc/ here and now), chúng ta thật sự có thể làm chậm nhận thức về thời gian của não bộ và làm cuộc sống chúng ta có vẻ kéo dài hơn trước.
Một cách lý giải khác lại liên quan đến sự quen thuộc. Trên đường đi, bạn chẳng biết đường xá gì cả; trên đường về, bạn nhận ra các địa danh và những địa điểm quen thuộc khác, chúng sẽ khiến chuyến đi của bạn có vẻ như ngắn lại. Chúng ta sẽ không cảm nhận được hiệu ứng “đường về” trên những đoạn đường chúng ta thường xuyên đi lại, như quãng đường thường nhật bạn đi qua. Điều này củng cố thêm minh chứng về cách giải thích trên.
Còn có một số nghiên cứu khác cho thấy thời gian có vẻ trôi chậm lại khi chúng ta bắt gặp những thứ không quen thuộc và thời gian dường như “tăng tốc” khi chúng ta thực hiện theo thói quen. Đó là lý do ta có cảm giác thời gian qua nhanh khi chúng ta già đi, do chúng ta gặp ít trải nghiệm mới mẻ hơn. Cảm giác sinh nhật của bạn đến “mỗi năm mỗi sớm hơn bình thường được thể hiện rất tài tình qua video sau:The Dictionary of Obscure Sorrows

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là minh chứng cuối cùng cho “hiệu ứng đường về”. Một số nghiên cứu còn phát hiện rằng con người còn có thể cảm nhận hiệu ứng này khi họ đặt chân vào những miền đất lạ. Trong một nghiên cứu vào năm 2011, các nhà tâm lý yêu cầu một nhóm các cua-rơ xe đạp đạp xe đến một hội chợ. Sau đó, họ sẽ tách ra làm hai nhóm; một nhóm đạp xe về trê cùng một lộ trình, nhóm còn lại đạp xe theo một lộ trình khác có cùng khoảng cách. Cả hai nhóm đều trải qua “hiệu ứng đường về”.
Kết luận của nghiên cứu là chúng ta thường lạc quan thái quá về “lượt đi”, điều này khiến chuyến đi trông có vẻ lâu hơn. Khi đi về, nhóm nghiên cứu tìm hiểu kì vọng của các nghiệm thể về “lượt đi”. Người tham gia thường kì vọng chuyến đi sẽ ngắn hơn so với thực tế, vì vậy họ thấy đường đi có vẻ dài hơn. Theo tác giả nghiên cứu, đó là lý do tại sao chúng ta không trải nghiệm “hiệu ứng đường về” trên những quãng đường thường nhật: Chúng ta đi lại quen đến độ cảm nhận rõ chính xác thời gian cần đi.
Kết luận, “hiệu ứng đường về” có thể là sự kết hợp của cả ba ý tưởng trên, và có thể còn có những yếu tố mà các nhà tâm lý chưa tìm ra. Tuy nhiên, với nghiên cứu hiện tại, chúng ta thấy thời gian là một cảm nhận mang tính chủ quan, có thể co giãn khác hẳn những gì đồng hồ ghi nhận.

Xin vui lòng không sử dụng bài viết, bài dịch cho mục đích thương mại mà chưa liên hệ với tác giả bài viết gốc và dịch giả. Nếu các bạn có nhu cầu chia sẻ bài viết này với mục đích phi lợi nhuận, xin ghi rõ:
Nguồn bài viết gốc:
Nguồn dịch:
Hành lang Tâm lý (hanhlangtamly.blogspot.com/ www.facebook.com/hanhlangtamly)
http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/06/tai-sao-cam-giac-duong-ve-dai-hon.html




LỢI ÍCH MỚI CỦA CÂY XANH ĐỐI VỚI NÃO BỘ

Tầm quan trọng của thiên nhiên trong công việc
Chris Mooney 26/5/2015  
Mô hình “mái nhà xanh” – việc phủ xanh nóc nhà bằng cỏ, cây và các mảng xanh khác- đang trở nên ngày càng phổ biến khắp thế giới. Theo một đạo luật mới ở Pháp, những tòa nhà thương mại mới được xây dựng phải có mảng xanh hay pin năng lượng mặt trời trên nóc nhà. Trong khi đó, Facebook cũng vừa phủ xanh 3,6 héc-ta nóc nhà trụ sở của mình tại Menlo Park, California.
Lý do khá rõ ràng: Trồng cây trên nóc nhà có thể giúp hạn chế việc giữ nhiệt trong các khu vực thành thị, góp phần làm “nguội” tòa nhà và giúp tiết kiệm năng lượng. Thậm chí nó còn thu một lượng các-bon đi-ô-xít nhất định trong không khí để cây xanh tăng trưởng. Ngoài ra, trông chúng còn rất thú vị!
Không những thế, theo một nghiên cứu mới, “mái nhà xanh” còn đem lại nhiều lợi ích về tâm lý cho người lao động. Trong một bài báo trên Environmental Psychology, Kate Lee và cộng sự đến từ ĐH Melbourne chứng minh rằng, bằng cách chèn vào giữa những công việc buồn chán và đòi hỏi sự chú ý 40 giây “nghỉ ngơi”, chỉ đơn giản bằng việc nhìn vào một bức hình “mái nhà xanh” trên máy tính, khả năng tập trung chú ý và hiệu suất thực hiện nhiệm vụ có thể được cải thiện đáng kể.
Nghiên cứu trên góp phần vào một cơ số các dữ liệu về những lợi ích về sức khỏe, kể cả tâm lý, mà khung cảnh thiên nhiên nơi thành thị, ví dụ như công viên hay cây xanh, có thể mang lại cho chúng ta. Thật ra, nghiên cứu về phương diện này còn tiến xa đến độ các nhà khoa học đang cân nhắc xem liệu có thể xác định một “liều lượng” thiên nhiên phù hợp mà con người cần có giúp mang lại những lợi ích về sức khỏe.
Những lợi ích khác về tâm lý mà khung cảnh thiên nhiên mang lại còn được ghi nhận trong những nghiên cứu mới đây. Trong một nghiên cứu, các nghiệm thể được xem một bộ phim tài liệu về thiên nhiên trong 12 phút trước khi chơi một trò chơi về quản lý đánh bắt cá thường sẽ có nhiều hành vi bảo vệ môi trường hơn.
Một nghiên cứu khác còn gây chú ý hơn khi cho thấy tác động – và lợi ích- mà việc “sống” trong thiên nhiên, với quy mô và thời gian nhỏ hơn, có thể mang lại.
150 sinh viên tham gia vào nghiên cứu được yêu cầu thực hiện một bài tập nhận thức rất khó mang tên Sustained Attention to Response Task (SART). Trong bài tập này, các nghiệm thể được cho quan sát một loạt các con số đơn lẻ từ 1 đến 9 trên máy tính. Mỗi số xuất hiện rất nhanh, dưới 1 giây đồng hồ, và các nghiệm thể phải bấm một phím trên bàn phím càng nhanh càng tốt khi thấy số đó – ngoại trừ số 3.
Khi số 3 hiện ra, người tham gia phải dừng lại và không trả lời – điều này rất khó thực hiện khi các bạn đã có thói quen bấm phím nhanh và liên tục.
Mỗi bài tập sẽ bao gồm 225 lần thực hiện, mất khoảng 5 phút để hoàn thành. Điều này khiến bài tập trên vừa khó vừa đòi hỏi cả thể chất lẫn tinh thần. Không ngạc nhiên khi nó được xem như là một trắc nghiệm kiểm tra khả năng tập trung và chú ý trong một khoảng thời gian nhất định.
Trong nghiên cứu, sinh viên phải hoàn thành bài tập SART trên không phải chỉ một mà tới hai lần. Tuy vậy, các bạn được nghỉ 40 giây giữa hai lần. Trong thời gian đó, màn hình máy tính sẽ hiện lên hình nóc nhà bê-tông hoặc hình mái nhà với “hoa cỏ”. Sau đó, các bạn sẽ tiếp tục thực hiện bài tập SART còn lại.
Hình mái nhà "hoa cỏ" sử dụng trong nghiên cứu
Nhóm nghiệm thể được xem cảnh nóc nhà phủ xanh không chỉ cảm thấy được “hồi sức” nhiều hơn mà còn thực hiện bài tập tốt hơn nhóm xem hình nóc nhà bê-tông. Cụ thể, các bạn cho thấy thời gian phản ứng ổn định hơn và ít mắc “lỗi” hơn khi số 3 xuất hiện.
Các tác giả kết luận, “Thiên nhiên giúp đem lại những lợi ích nhận thức trong thời gian ngắn hơn, và chỉ bằng một quy mô [cây xanh] nhỏ hơn các nghiên cứu trước đây đã chứng minh.”
Nhận xét sau đây có lẽ khá phù hợp với những người giành cả ngày miệt mài làm việc trong các văn phòng. “Những công việc hiện đại yêu cầu bạn phải tập trung suốt cả ngày, việc cung cấp những ‘thời gian nghỉ xanh’ có thể giúp ‘nạp’ lại tinh thần để bù đắp cho việc khả năng chú ý bị giảm sút,“ Kate Lee, chủ nhiệm nghiên cứu, cho biết.
Tuy nhiên, việc phủ xanh mái nhà không phải là lựa chọn duy nhất – Lee cho rằng kết quả nghiên cứu có thể được khái quát rộng hơn. “Nhiều nghiên cứu cho thấy việc nhìn ngắm các khung cảnh thiên nhiên khác (công viên hay rừng cây) cũng giúp làm tăng khả năng chú ý,” “Vì vậy, chúng tôi đặt giả thuyết rằng những mảng xanh đô thị khác có cùng các đặc điểm thực vật với nghiên cứu cũng có thể gia tăng khả năng chú ý.”
Vậy nếu bạn không làm việc gần nơi có mảng xanh, bạn vẫn luôn có thể ra ngoài đi bộ một ít, nếu không tới công viên thì cũng có thể tới một nơi có cây xanh rợp bóng.


KHÁC BIỆT TRONG VIỆC TIẾP CẬN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI GIỮA NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH VÀ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN

Cách trẻ nhìn nhận Mạng xã hội

PENN STATE 17/3/2015
Trước việc một số cha mẹ đã và đang băn khoăn không biết con mình nghĩ gì khi chúng đưa những thông tin và hình ảnh cá nhân nguy hiểm lên các mạng xã hội, một nhóm các nhà nghiên cứu tại ĐH Penn State đã đưa ra câu trả lời: các bạn ấy không nghĩ gì cả, hay ít nhất là các bạn không suy nghĩ theo hướng mà đa phần người lớn sẽ suy nghĩ.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra rằng cách mà thanh thiếu niên xử lý những nguy cơ trực tuyến có liên quan đến thông tin cá nhân khác hẳn so với cách tiếp cận của người trưởng thành. Theo Haiyan Jia, học giả sau tiến sĩ về khoa học và công nghệ thông tin, trong khi đa số người trưởng thành sẽ suy nghĩ trước rồi mới đưa ra câu hỏi, các bạn trẻ thường có xu hướng “làm liều” trước rồi mới kiếm tìm sự trợ giúp.
“Người lớn thường cảm thấy hành động trên là rất nghịch lý và gây khó hiểu vì họ đã quá quen với việc cân nhắc trước tiên những nguy cơ có thể xảy ra khi tiết lộ thông tin qua mạng rồi sẽ thực hiện những bước đề phòng cần thiết tiếp theo dựa trên những quan ngại phía trước” Jia cho biết. “Mô hình nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trẻ vị thành niên không suy nghĩ giống vậy - các bạn sẽ chia sẻ thông tin rồi mới đánh giá các hệ quả. Đối với các bạn trẻ, tiến trình trên sẽ mang tính kinh nghiệm nhiều hơn.”
Theo Pamela Wisniewski, học giả sau tiến sĩ, người làm việc chung với Jia, mô hình “chia sẻ trước – sửa chửa sau” này có thể vay mượn cách nhìn mà các nhà nghiên cứu gọi là “nghịch lý riêng tư”.
Wisniewski chia sẻ, nghịch lý riêng tư cho rằng giữa những quan ngại về tính riêng tư của các bạn trẻ và những thông tin các bạn tiết lộ không có mối liên hệ với nhau.
Wisniewski cho biết, “Đối với người trưởng thành, nhiều yếu tố khác nhau sẽ góp phần vào quan ngại của cá nhân về thông tin riêng tư của họ. Đồng thời, dựa trên những quan ngại đó, cá nhân sẽ thực hiện những hành động cụ thể, chẳng hạn, chia sẻ ít thông tin hơn”, “Đây là một mô hình rất hợp lý và lấy người trưởng thành làm trọng tâm. Tuy nhiên, có vẻ nó lại không ứng dụng được vào trường hợp của các bạn thanh thiếu niên”.
Những hệ quả tiêu cực đến từ việc sử dụng mạng xã hội (SNS-Social Network Sites)
Theo các nhà nghiên cứu, khi trẻ bắt đầu gặp phải những vấn đề về sự riêng tư, các bạn thường sẽ cố gắng tìm những biện pháp bảo vệ khả thi để giảm thiểu những nguy cơ. Những biện pháp trên có thể bao gồm việc tìm kiếm lời khuyên từ người lớn, gỡ bỏ thông tin trực tuyến hay “offline” hoàn toàn.
Trẻ vị thành niên thường bị ảnh hưởng bởi các nguy cơ trực tuyến nhiều hơn vì các bạn sử dụng truyền thông xã hội như là nơi để thể hiện bản thân và giành lấy sự chấp nhận từ bè bạn. Khao khát thể hiện và được công nhận này có thể khiến các bạn tiết lộ quá nhiều thông tin. Ví dụ, các em có thể để lộ những thông tin liên lạc quan trọng, hay bắt đầu trao đổi hình ảnh nhạy cảm với người lạ.
Jia cho biết, “Người trưởng thành không hiểu được chuyện này quan trọng như thế nào đối với các bạn tuổi ‘teen’”. “Trước khi tôi bắt tay thực hiện nghiên cứu này, tôi đã nghe đến nhiều thảm kịch do các bạn trẻ đang tìm kiếm nhân dạng trực tuyến của mình, dẫn tới những tình huống rất nguy hiểm và thường kết thúc bằng những hệ quả rất khủng khiếp.”
Theo các nhà nghiên cứu, phản ứng đầu tiên của cha mẹ có thể sẽ là cấm trẻ lên Internet hay các mạng xã hội, tuy nhiên việc tránh né những nguy cơ lại mang tới các vấn đề khác.
Jia chia sẻ, “Đầu tiên, tôi không thể tưởng tượng được việc một bạn trẻ, vào lứa tuổi đó, mà phải lớn lên và tránh né Internet cùng giao tiếp trực tuyến.” “Nhưng cũng có nguy cơ rằng nếu không được phép đương đầu với những nguy cơ dù là nhỏ nhất, trẻ vị thành niên sẽ  không có cơ hội tiếp cận đến tất cả những lợi ích mà Internet mang lại, các bạn cũng sẽ không học được cách xủ lý các nguy cơ và cách di chuyển an toàn trong thế giới trực tuyến này.”
Jia nói thêm, việc học bơi có thể là mô hình tốt nhất dành cho những cha mẹ muốn động viên con mình sử dụng Internet và truyền thông xã hội an toàn.
“Nó khá giống với việc học bơi. Bạn cần để các em xuống nước từ từ và đảm bảo rằng các bạn cần biết cách bơi trước khi được phép bơi một mình và bơi vào những khu vực sâu hơn.”
Các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ Khảo sát Trẻ Vị thành niên và Quản lý Riêng tư năm 2012 của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Bản khảo sát thu thập thông tin về những hành vi truyền thông xã hội từ 588 bạn thanh thiếu niên tại Hoa Kỳ, đa số các bạn vẫn đang sử dụng các trang xã hội như Facebook.

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google

Join us on Facebook

Please wait..5 SecondsCancel