Tầm quan trọng của thiên nhiên trong công việc |
Mô hình “mái nhà xanh” – việc phủ xanh nóc nhà bằng cỏ, cây và các mảng xanh khác- đang trở nên ngày càng phổ biến khắp thế giới. Theo một đạo luật mới ở Pháp, những tòa nhà thương mại mới được xây dựng phải có mảng xanh hay pin năng lượng mặt trời trên nóc nhà. Trong khi đó, Facebook cũng vừa phủ xanh 3,6 héc-ta nóc nhà trụ sở của mình tại Menlo Park, California.
Lý do khá rõ ràng: Trồng cây trên nóc nhà có thể giúp hạn chế việc giữ nhiệt trong các khu vực thành thị, góp phần làm “nguội” tòa nhà và giúp tiết kiệm năng lượng. Thậm chí nó còn thu một lượng các-bon đi-ô-xít nhất định trong không khí để cây xanh tăng trưởng. Ngoài ra, trông chúng còn rất thú vị!
Không những thế, theo một nghiên cứu mới, “mái nhà xanh” còn đem lại nhiều lợi ích về tâm lý cho người lao động. Trong một bài báo trên Environmental Psychology, Kate Lee và cộng sự đến từ ĐH Melbourne chứng minh rằng, bằng cách chèn vào giữa những công việc buồn chán và đòi hỏi sự chú ý 40 giây “nghỉ ngơi”, chỉ đơn giản bằng việc nhìn vào một bức hình “mái nhà xanh” trên máy tính, khả năng tập trung chú ý và hiệu suất thực hiện nhiệm vụ có thể được cải thiện đáng kể.
Nghiên cứu trên góp phần vào một cơ số các dữ liệu về những lợi ích về sức khỏe, kể cả tâm lý, mà khung cảnh thiên nhiên nơi thành thị, ví dụ như công viên hay cây xanh, có thể mang lại cho chúng ta. Thật ra, nghiên cứu về phương diện này còn tiến xa đến độ các nhà khoa học đang cân nhắc xem liệu có thể xác định một “liều lượng” thiên nhiên phù hợp mà con người cần có giúp mang lại những lợi ích về sức khỏe.
Những lợi ích khác về tâm lý mà khung cảnh thiên nhiên mang lại còn được ghi nhận trong những nghiên cứu mới đây. Trong một nghiên cứu, các nghiệm thể được xem một bộ phim tài liệu về thiên nhiên trong 12 phút trước khi chơi một trò chơi về quản lý đánh bắt cá thường sẽ có nhiều hành vi bảo vệ môi trường hơn.
Một nghiên cứu khác còn gây chú ý hơn khi cho thấy tác động – và lợi ích- mà việc “sống” trong thiên nhiên, với quy mô và thời gian nhỏ hơn, có thể mang lại.
150 sinh viên tham gia vào nghiên cứu được yêu cầu thực hiện một bài tập nhận thức rất khó mang tên Sustained Attention to Response Task (SART). Trong bài tập này, các nghiệm thể được cho quan sát một loạt các con số đơn lẻ từ 1 đến 9 trên máy tính. Mỗi số xuất hiện rất nhanh, dưới 1 giây đồng hồ, và các nghiệm thể phải bấm một phím trên bàn phím càng nhanh càng tốt khi thấy số đó – ngoại trừ số 3.
Khi số 3 hiện ra, người tham gia phải dừng lại và không trả lời – điều này rất khó thực hiện khi các bạn đã có thói quen bấm phím nhanh và liên tục.
Mỗi bài tập sẽ bao gồm 225 lần thực hiện, mất khoảng 5 phút để hoàn thành. Điều này khiến bài tập trên vừa khó vừa đòi hỏi cả thể chất lẫn tinh thần. Không ngạc nhiên khi nó được xem như là một trắc nghiệm kiểm tra khả năng tập trung và chú ý trong một khoảng thời gian nhất định.
Trong nghiên cứu, sinh viên phải hoàn thành bài tập SART trên không phải chỉ một mà tới hai lần. Tuy vậy, các bạn được nghỉ 40 giây giữa hai lần. Trong thời gian đó, màn hình máy tính sẽ hiện lên hình nóc nhà bê-tông hoặc hình mái nhà với “hoa cỏ”. Sau đó, các bạn sẽ tiếp tục thực hiện bài tập SART còn lại.
Hình mái nhà "hoa cỏ" sử dụng trong nghiên cứu |
Nhóm nghiệm thể được xem cảnh nóc nhà phủ xanh không chỉ cảm thấy được “hồi sức” nhiều hơn mà còn thực hiện bài tập tốt hơn nhóm xem hình nóc nhà bê-tông. Cụ thể, các bạn cho thấy thời gian phản ứng ổn định hơn và ít mắc “lỗi” hơn khi số 3 xuất hiện.
Các tác giả kết luận, “Thiên nhiên giúp đem lại những lợi ích nhận thức trong thời gian ngắn hơn, và chỉ bằng một quy mô [cây xanh] nhỏ hơn các nghiên cứu trước đây đã chứng minh.”
Nhận xét sau đây có lẽ khá phù hợp với những người giành cả ngày miệt mài làm việc trong các văn phòng. “Những công việc hiện đại yêu cầu bạn phải tập trung suốt cả ngày, việc cung cấp những ‘thời gian nghỉ xanh’ có thể giúp ‘nạp’ lại tinh thần để bù đắp cho việc khả năng chú ý bị giảm sút,“ Kate Lee, chủ nhiệm nghiên cứu, cho biết.
Tuy nhiên, việc phủ xanh mái nhà không phải là lựa chọn duy nhất – Lee cho rằng kết quả nghiên cứu có thể được khái quát rộng hơn. “Nhiều nghiên cứu cho thấy việc nhìn ngắm các khung cảnh thiên nhiên khác (công viên hay rừng cây) cũng giúp làm tăng khả năng chú ý,” “Vì vậy, chúng tôi đặt giả thuyết rằng những mảng xanh đô thị khác có cùng các đặc điểm thực vật với nghiên cứu cũng có thể gia tăng khả năng chú ý.”
Vậy nếu bạn không làm việc gần nơi có mảng xanh, bạn vẫn luôn có thể ra ngoài đi bộ một ít, nếu không tới công viên thì cũng có thể tới một nơi có cây xanh rợp bóng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét