chiêu thức bán hàng hiện đại

chiêu thức bán hàng

chia sẻ

NGHIÊN CỨU CHO THẤY NHÂN VIÊN DỄ CÁU GIẬN KHI NHẬN EMAIL SAU GIỜ LÀM VIỆC

Làm việc sau giờ làm
Nghiên cứu của trường ĐH Texas Arlington chỉ ra rằng những nhân viên nhận thư điện tử từ công ty sau giờ làm việc thường dễ tức giận hơn và điều đó có thể ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của họ. 
Marcus Butts, Phó Giáo sư ĐH Texas Arlington, thuộc Khoa Quản lý của trường CĐ Kinh doanh, là tác giả chính của nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Academy of Management. William Becker , trợ lý giáo sư  Khoa Quản lý tại TCU, và Wendy Boswell, giáo sư môn Quản lý trường Đại học Texas A&M, đã phối hợp cùng Butts trong nghiên cứu này.

Các nhà nghiên cứu khảo sát 341 người trưởng thành trong vòng bảy ngày nhằm theo dõi cảm xúc của họ mỗi khi mở một email ngoài giờ làm việc. Ba tác giả đã sử dụng danh sách liên lạc trên Facebook, Linked In và Twitter để xây dựng mẫu nghiên cứu.
“Những người tham gia nghiên cứu cho biết họ trở nên tức giận khi nhân email hoặc tin nhắn liên quan đến công việc khi đã về nhà, đặc biệt khi thông điệp mang tính chất tiêu cực hoặc đòi hỏi quá nhiều thời gian cá nhân,” Butts nói. “Tương tự, những người có xu hướng cố gắng tách biệt công việc với đời sống cá nhân thường sẽ trải nghiệm tình trạng mâu thuẫn công việc – cuộc sống này nhiều hơn. Email sau giờ làm thực sự ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của họ.”
Nhìn chung, Butts cho rằng có 2 loại nhân viên chính: phân tách (segmentors) và tích hợp (integrators).
Ông cho rằng người phân tách muốn phân biệt rạch ròi giữa công việc và cuộc sống riêng tư. Không có gì đáng ngạc nhiên là kiểu người này dễ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất khi phải đối mặt với những cuộc trao đổi về công việc sau giờ làm.
Butts mô tả kiểu người tích hợp là những người luôn muốn biết tình trạng công việc của mình khi họ nhận được email hay tin nhắn. Họ cũng cảm thấy bực tức khi phải nhận các thông tin ngoài giờ này tuy nhiên chúng không ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của họ
Rachel Croson, Hiệu trưởng trường CĐ Kinh doanh, cho rằng nghiên cứu của Butts rất quan trọng bởi truyền thông điện tử đã trở thành một phần tạo nên cuộc sống của mỗi người.
“Điện thoại thông minh cùng văn hóa “luôn trực tuyến” đi kèm khiến cho việc trao đổi những vấn đề công việc sau giờ làm trở nên phổ biến,” Croson chia sẻ. “Thế nhưng, giống như những yếu tố khác trong kinh doanh, nó có thể được thực thi một cách tiêu cực hay tích cực, đồng thời cách thức thực hiện đóng vai trò rất quan trong cho sự thành công. Nghiên cứu này không chỉ giúp các nhà lãnh đạo biết có nên hay không, hay vào khi nào sẽ liên lạc, mà còn chỉ cho họ biết cách thức giao tiếp hiệu quả với nhân viên của mình.”
Một vài đề nghị trong nghiên cứu bao gồm tập huấn về những điều nên và không nên đề cập trong email, tin nhắn, thiết lập giới hạn về thời gian gửi thư điện tử, hướng dẫn cách giao tiếp phù hợp và gợi ý những chủ đề nào nên nói trực tiếp thay vì thông qua các phương tiện điện tử.
“Đây là một khía cạnh mới trong giao tiếp công việc, những đề nghị này có thể áp dụng trong một bộ phận của công ty nhưng chưa chắc phù hợp với các phòng ban khác trong doanh nghiệp,” Butt nói. “Chìa khóa của vấn đề là cần phát triển nhịp độ truyền thông thích hợp trong bộ phận mình”  
Butt đề cập đến một trong những khám phá thú vị nhất của nghiên cứu: Những nhân viên nhận được các thông điệp mang nội dung tích cực sau giờ làm việc thường sẽ cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, những “cảm xúc tích cực” này cũng không kéo dài lâu.
Butt chia sẻ chính vợ ông, Erin, đã khơi dậy mối quan tâm của ông về chủ đề giao tiếp truyền thông điện tử sau giờ làm. Bà đang làm việc tại công ty đôi khi gửi email và tin nhắn công việc sau giờ làm.

Butt cho biết, “Tôi thường quan sát cách giao tiếp sau giờ làm việc của bà ấy ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của chúng tôi theo cách tích cực hay tiêu cực hơn, và tôi nghĩ rằng những người khác cũng sẽ có những trải nghiệm tương tự.” 

Nghiên cứu khác về việc xem email trên HLTL:
BỚT XEM EMAIL - BỚT CĂNG THẲNG:
http://hanhlangtamly.blogspot.com/2014/12/bot-xem-email-bot-cang-thang.html
Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psy Post (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psy Post http://www.psypost.org/2015/02/study-shows-employees-become-angry-when-receiving-after-hours-email-texts-32093 và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/09/kho-chiu-nhan-email-sau-go-lam.html. .Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psy Post và thông báo cho người dịch.
Người dịch: H.Y

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ DẪN ĐẾN VẤN ĐỀ TÂM LÝ Ở NAM GIỚI CÓ UNG THƯ

Ung thư và hỗ trợ xã hội
Hannah Dale cùng các cộng sự tại ĐH St. Andrews đã phát hiện ra những chỉ báo quan trọng dự đoán nguy cơ gặp phải các vấn đề tâm lý ở các bệnh nhân nam bị ung thư.
Nghiên cứu thực hiện trên nhóm 127 nghiệm thể nam giới từ 18 tuổi trở lên có chẩn đoán ung thư được lựa chọn từ Dịch vụ Sức khỏe Quốc và các tổ chức từ thiện từ tháng 4/2009 đến tháng 4/2011.
Những người tham gia được lượng giá về các yếu tố nhân khẩu, khả năng nhận hỗ trợ từ xã hội, mức độ lo âu, trầm cảm và khổ đau (sử dụng Distress Thermometer). Dữ liệu về các bệnh nhân ung thư từ Nghiên cứu Chiều dài Scottish được kiểm chứng nhằm đảm bảo mẫu nghiên cứu phù hợp làm đại diện cho nhóm bệnh nhân nam bị ung thư.
Kết quả cho thấy những người ly thân hay ly dị thường ít được nhận những hỗ trợ về mặt xã hội và có mức trầm cảm cao hơn. Các bệnh nhân với độ tuổi càng trẻ thì càng dễ lo âu và đau khổ hơn. Khu vực sống thiếu thốn cũng có liên hệ với mức độ trầm cảm và lo âu cao. Mức độ hỗ trợ xã hội cũng là chỉ báo quan trọng cho sức khỏe tâm lý.
Những kết quả này rất quan trọng trong việc xác định những bệnh nhân với chẩn đoán ung thư có nguy cơ cao trong việc gặp những vấn đề về tâm lý.
Hannah Dale cho biết:
“Nam giới thường có mạng lưới nhỏ hơn so với phụ nữ. Họ thường chỉ tìm sự hỗ trợ từ vợ của mình. Một vài nam giới ly thân hay ly dị sẽ thiếu đi nguồn hỗ trợ đó, điều này khiến họ dễ gặp trầm cảm hơn.
Các kết quả khác cho thấy tuổi tác và môi trường sống nghèo đói cũng liên hệ tới việc suy giảm sức khỏe về tâm lý ở nam giới bị ung thư. Cần thêm các nghiên cứu khác để xác nhận những phát hiện trên. Tuy nhiên, nghiên cứu này đã cho thấy một khía cạnh thường bị bỏ quên trong khoa văn thế giới.”

 Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psy Post (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psy Post http://www.psypost.org/2014/12/psychological-problems-men-experiencing-cancer-29988 và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/09/van-de-tam-ly-benh-nhan-ung-thu.html .Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psy Post và thông báo cho người dịch.

11 “MẸO” KHOA HỌC ĐỂ THUYẾT PHỤC NGƯỜI KHÁC

Khoa học và nghệ thuật thuyết phục

Các nghiên cứu tâm lý tiết lộ nhiều cách khác nhau để chúng ta có thể “tranh thủ” sự giúp đỡ từ những người xung quanh – mà họ thậm chí còn không biết điều đó.
Chúng tôi tổng hợp 11 chiến lược khác nhau đã được khoa học chứng minh là có thể tạo điều kiện để người khác yêu mến, hỗ trợ hay tặng bạn những điều bạn mong muốn.
1. Sử dụng phương án “mồi nhử” để người tiêu dùng mua sản phẩm của bạn
Trong bài thuyết trình TED Talk của mình, nhà kinh tế học hành vi Dan Ariely giải thích thuật ngữ “hiệu ứng mồi nhử” thông qua một hình thức quảng cáo đã có từ lâu.
Chiến dịch quảng cáo sẽ đưa ra 3 cấp độ để người tiêu dùng lựa chọn: 59$ cho một cuốn sách online, 159$ cho bản in giấy và cũng 159$ cho cả bản giấy và online. Ariely cho biết lựa chọn $159 cho bản giấy chỉ tồn tại để khiến lựa chọn $159 cho cả hai phiên bản trở nên “hấp dẫn” hơn so với lựa chọn $59 còn lại.
Nói cách khác, nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc bán những món hàng đắt giá hơn, hãy cân nhắc thêm vào lựa chọn thứ ba với mục tiêu khiến sản phẩm cao giá trở nên thu hút hơn.
2. Điều chỉnh môi trường để người khác ứng xử vị tha hơn
“Kích hoạt” (Priming) là hiện tượng tâm lý khi một kích thích sẽ đưa tới một phản ứng cụ thể cho một kích thích khác, thông thường là một cách vô thức.
Một nghiên cứu được trích dẫn trong cuốn “You Are Not So Smart” đã phát hiện ra rằng các nghiệm thể tham gia trò chơi tối hậu thư, khi được đặt ngồi trong một căn phòng có va-li, bìa da và bút mực, thường có xu hướng giữ lại tiền cho bản thân nhiều hơn khi được đặt trong căn phòng có những đồ vật “trung tính. Mặc dù các nghiệm thể không nhận thức được điều gì đang diễn ra, có vẻ như các đồ vật liên hệ đến kinh doanh đã tạo ra những kích thích cạnh tranh bên trên.
Chiêu thức này có thể hữu hiệu khi bạn áp dụng trong các cuộc thương thảo – thay vì gặp nhau trong các phòng hội nghị, hãy nghĩ đến những quán cà phê, nơi các đối tác có khả năng trở nên ít “hung hăng” hơn.
3. Nhận lại sự trợ giúp sau khi giúp đỡ người khác đạt được mục tiêu
Tâm lý gia Robert Cialdini cho rằng một cách để gây ảnh hưởng lên người khác là tạo ra quy luật hai chiều nơi họ. Cụ thể hơn, giúp đỡ người khác những điều họ cần sẽ khiến họ cảm thấy cần phải “trả ơn”.
Bên cạnh đó, sau khi được người khác cảm ơn, Cialdini khuyên rằng nên nói “Tất nhiên, đây là điều bạn bè/ đối tác làm cho nhau mà” thay vì “không vấn đề gì”. Như vậy, họ sẽ có cảm giác cần phải làm điều tương tự với bạn.
4. Bắt chước ngôn ngữ cơ thể của người khác
Lần tiếp theo nếu bạn có thử gây ấn tượng với nhà tuyển dụng hay một người bạn thích, hãy thử bắt chước một cách tinh tế cách người kia ngồi hay nói chuyện – nó có thể giúp bạn được người kia quý mến hơn.
Các nhà khoa học gọi đây là “hiệu ứng tắc kè bông”: Chúng ta thường thích nói chuyện với những người có cùng tư thế, phong thái, hay biểu lộ khuôn mặt của chúng ta.
Điều kì lạ nhất của hiện tượng này là nó thường diễn ra một cách vô thức – những nghiệm thể trong nghiên cứu thậm chí không nhận ra họ đang bị “sao chép”.
5. Nâng tốc độ nói để người kia dễ dàng đồng ý với bạn
Cách bạn truyền tải ý tưởng cũng quan trọng không kém nội dung lập luận của bạn. Nghiên cứu cho thấy khi có người bất đồng với bạn, nói nhanh sẽ khiến cho người kia có ít thời gian suy nghĩ điều bạn nói hơn.
Ngược lại, khi bạn đang đề cập đến một lập luận khiến người nghe đồng tình, nói chậm đi sẽ có lợi vì người nghe có thêm thời gian để đánh giá thông điệp của bạn.
6. Khiến người khác rối trí sẽ giúp họ làm theo yêu cầu của bạn
Một nghiên cứu vừa cho thấy khi những người tham gia đi từng nhà để bán thiệp từ thiện, chiến thuật “làm rối trí” giúp họ có doanh số tăng gấp đôi so với việc chỉ đơn thuần nói ra mức giá 8 bức thiệp $3. Trong kỹ thuật “làm rối trí”, các nghiệm thể nói với người mua rằng 8 bức thiệp có giá 300 xu (cũng bằng $3), và đó là “một khoảng hời” cho người mua.
Các nhà nghiên cứu cho rằng kỹ thuật trên mang lại hiệu quả do nó làm gián đoạn tiến trình suy nghĩ thông thường của người nghe. Người nghe sẽ bị phân tâm trong lúc cố gắng hình dung xem 300 xu là bao nhiêu đô-la, chính nhờ vậy mà họ chấp nhận rằng ý tưởng này đem lại lợi ích cho họ.
7. Đề nghị giúp đỡ khi người khác mệt sẽ dễ đạt hiệu quả hơn
Đầu óc đủ tỉnh táo, cảnh giác sẽ dễ nghi ngờ những lời đề nghị hơn. Tuy nhiên, khi một người cảm thấy mệt mỏi hay bị xao nhãng, họ sẽ ít suy nghĩ và vì thế thường chấp nhận những điều bạn nói là đúng.
Vậy nếu bạn có ý định nhờ vả đồng nghiệp hỗ trợ mình trong một công việc mất khoảng độ một tiếng, tốt nhất là nên nhờ họ vào cuối ngày. Lúc đó, họ đã gần hết năng lượng sau một ngày làm việc và không đủ “tỉnh táo” nhận ra rằng việc bạn nhờ có thể làm họ tiêu tốn thêm nhiều thời gian.
8. Hình ảnh đôi mắt giúp mọi người hành xử “đạo đức” hơn
Trong một nghiên cứu, các nghiệm thể thường dọn dẹp bàn ăn sạch sẽ hơn khi họ thấy hình ảnh đôi mắt thay vì hình ảnh hoa cỏ. Các tác giả nghiên cứu cho rằng đôi mắt là biểu hiện tượng trưng cho hành động giám sát xã hội.
Vậy nên mỗi khi bạn muốn mọi người ngưng xả rác hay trả sách lại cho thư viện đúng hẹn, hãy khiến họ có cảm giác mình đang bị quan sát!
9. Sử dụng danh từ thay vì động từ giúp người khác thay đổi hành vi
Trong một nghiên cứu, người tham gia được hỏi hai phiên bản của cùng một câu hỏi: “Đi bầuvào ngày mai quan trọng như thế nào với bạn?” và “Việc trở thành người đi bầu vào ngày may quan trọng như thế nào với bạn?” Kết quả cho thấy những người được hỏi câu hỏi sau thường đi bầu nhiều hơn vào ngày tiếp theo.
Có thể chúng ta bị thúc đẩy bởi nhu cầu thuộc về nên việc sử dụng danh từ giúp củng cố căn tính của chúng như một thành viên thuộc một nhóm cụ thể.
10. Làm người khác sợ dễ khiến họ giúp đỡ chúng ta hơn
Nghiên cứu cho thấy những người vừa trải qua lo âu rồi sau đó được thư giãn sẽ dễ đồng ý với các yêu cầu được đưa ra sau đó nhiều hơn. Ví dụ, những người nghe tiếng còi cảnh sát (không có thật) thường dễ đồng ý thực hiện khảo sát hơn những người không nghe.
Có lẽ việc chúng ta dồn nguồn lực nhận thức để suy nghĩ về những tình huống nguy hiểm tiềm tàng có thể gặp phải sẽ làm giảm khả năng tư duy về những yêu cầu được đưa ra sau đó.
11. Tập trung vào lợi ích của người đối diện sẽ khiến họ dễ dàng đồng ý với bạn hơn
Trong khi đàm phán, nghiên cứucho thấy bạn nên nhấn mạnh với đối tác những điều họ sẽ có được thay vì những gì họ sẽ mất. Ví dụ, nếu bạn đang muốn bán một chiếc xe hơi, bạn nên nói, “tôi sẽ trao cho bạn chiếc xe hơi với $1000” thay vì nói “tôi muốn $1000 cho chiếc xe hơi này.”

Theo cách này, bạn sẽ có thể thuyết phục đối tác nhìn mọi việc theo một chiều hướng khác, và họ có khả năng sẽ dễ dàng đồng ý hơn.

Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Business Insider (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Business Insider http://www.businessinsider.com/psychological-tricks-to-influence-people-2015-8 và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/09/lam-cach-nao-thuyet-phuc-nguoi-khac.html .Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Business Insider và thông báo cho người dịch.

THỰC NGHIỆM KẸO DẺO VÀ NHỮNG KẾT QUẢ THÚ VỊ SAU 40 NĂM

Thực nghiệm kẹo dẻo - Marshmallow test

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao ý chí lại “rời xa” bạn trong những giây phút bạn cần đến nó nhất? Manh mối của câu trả lời cho câu hỏi này nằm ở kết quả một nghiên cứu chiều dài được bắt đầu từ cách đây 40 năm, mà nay nổi tiếng với tên gọi thực nghiệm kẹo dẻo trên trẻ mẫu giáo.
Vào những năm cuối thập kỷ 60, các nhà nghiên cứu cho hàng trăm trẻ 4 tuổi thực hiện một trắc nghiệm nhỏ vô cùng tinh tế về sức mạnh ý chí: trẻ được cho ngồi trong một căn phòng nhỏ với một viên kẹo dẻo hay một món ăn hấp dẫn khác, các nhà nghiên cứu sẽ bảo với trẻ rằng chúng có quyền ăn ngay hay phải chờ 15 phút cho đến lúc họ quay trở lại để được gấp đôi khẩu phần của mình.
Đa phần các trẻ nói rằng mình sẽ đợi. Tuy nhiêu, nhiều bạn thậm chí đã “sa trước cám dỗ” chỉ trong vòng một phút. Một số bạn khác sẽ vất vả “tranh đấu” một ít trước khi cuối cùng cũng thua cuộc. Đa phần các trẻ chờ đợi thành công là những trẻ nghĩ ra cách tự gây xao nhãng trước sức hút của món ăn – ví dụ bằng cách quay vòng vòng, che mắt hay đá bàn ghế - nhờ vậy mới trì hoãn được trong suốt 15 phút.
Những nghiên cứu theo dõi tiếp theo trên những trẻ mẫu giáo này cho thấy, vào độ tuổi trung học phổ thông, những bạn có khả năng đợi suốt 15 phút thường ít gặp phải những vấn đề về hành vi, nghiện thuốc hay béo phì hơn so với những trẻ chỉ “nhịn” được ít hơn một phút. Các bạn kiềm chế tốt trung bình cũng có điểm SAT cao hơn 210 điểm.
Các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu trên với một nhóm 60 nghiệm thể, nay đã hơn 40 tuổi, mà khả năng tự kiểm soát của họ vẫn ổn định ở mức thấp suốt từ thời thơ ấu cho đến tuổi trưởng thành (nghiên cứu không bao gồm những người thiếu kiềm chế khi nhỏ nhưng khi lớn học được cách kiểm soát tốt hơn.)
Các tác giả nghiên cứu, đứng đầu là B.J. Casey, giáo sự tạm lý sinh học phát triển tại ĐH Cornell, muốn tìm hiểu xem liệu những trẻ khi nhỏ thiếu kiềm chế có biểu hiện những dấu hiệu thiếu khả năng tự kiểm soát khi lớn hay không, hay liệu hiện tượng này chỉ diễn ra trong một số trường hợp cụ thể với sự có mặt của cảm xúc. Casey nói “Liệu đây là tình huống cá nhân gặp khó khăn trong việc kiểm soát xung năng hay nó là do tính nhạy cảm trước những lời mời gọi?”  
Các nhà nghiên cứu cũng muốn biết liệu có khác biệt gì về hoạt động não bộ giữa những người thiếu kiềm chế so với những người có khả năng kiểm soát bản thân tốt hơn hay không.
Các nghiệm thể được yêu cầu thực hiện hai nhiệm vụ khác nhau trên máy tính. Nhiệm vụ đầu tiên, trước một loạt hình ảnh các khuôn mặt trung tính về cảm xúc, người tham gia phải bấm nút khi nhận thấy một hình ảnh gương mặt đàn ông hoặc khi thấy khuôn mặt một phụ nữ tùy theo yêu cầu. Những nghiệm thể ban đầu được yêu cầu nhận diện gương mặt đàn ông trước sau đó mới chuyển sang nhận diện những gương mặt phụ nữ (và ngược lại), việc này khiến người tham gia phải kiềm chế xung năng trong việc đáp trả lại những câu trả lời mình đã thực hiện trước đó (với gương mặt đàn ông/ phụ nữ đã làm). Trắc nghiệm này đo đạt khả năng tự kiểm soát của con người trong hoàn cảnh thiếu vắng các tác nhân cảm xúc.
Trong phiên bản trắc nghiệm thứ hai với sự có mặt của cảm xúc, các nghiệm thể được yêu cầu bấm nút khi thấy một gương mặt vui vẻ hoặc khi thấy khuôn mặt sợ hãi tùy theo yêu cầu. Những nghiên cứu trước đây cho thấy chúng ta thường nhìn nhận những gương mặt hạnh phúc như là một phần thưởng – vì vậy các nhà nghiên cứu kì vọng rằng những người có khả năng kiềm chế thấp sẽ gặp rắc rối trong việc ngăn cản bản thân bấm nút khi thấy gương mặt mỉm cười xuất hiện trên màn hình.
Các nhà nghiên cứu cũng đồng thời chụp quét lớp não bộ của 26 nghiệm thể khi họ tham gia vào cả hai bài trắc nghiệm. Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng những người kiềm chế tốt thường có nhiều hoạt động trong vùng vỏ não trán trước hơn người khó kiềm chế, đặc biệt là trong phần trắc nghiệm có liên hệ đến cảm xúc. Vỏ não trán trước là phần não bộ chịu trách nhiệm cho việc kiểm soát hành vi và xung năng. Trong khi đó, những người ít kiềm chế thường có nhiều tín hiệu hoạt động trong vùng não nằm sâu hơn bên trong, liên hệ nhiều tới việc nghiện, thích thú và khao khát, đặc biệt là khi đáp ứng trước những gương mặt hạnh phúc.
Bạn có thể thấy rằng những người kiểm soát tốt sẽ có “phanh thắng” tinh thần tốt hơn, trong khi những người khó kiềm chế lại bị thúc đẩy bởi một động cơ mạnh mẽ hơn. “Những người khó kiềm chế thường không có vùng vỏ não trán trước hoạt động nhiều như những người biết kiểm soát. Những người có khả năng tự điều tiết thường điều hòa hành vi của mình một cách rất hiệu quả, đồng thời ít kích hoạt hệ thống sâu hơn bên trong,” Casey cho biết. “Những người kiềm chế tốt thường ít bị giằn xé, thúc đẩy hơn”
Tuy nhiên, khác biệt chỉ thể hiện rõ khi các nghiệm thể đối diện với những hình ảnh mang tính cảm xúc. Điều này cho thấy những người ít kiềm chế, một cách tổng thể, thường không phải là  không có khả năng kiểm soát xung năng, giống như những người có rối loạn tăng động kém chú ý (ADHD), nhưng mà là họ gặp khó khăn trong việc ngăn cản bản thân trong một số hoàn cảnh kích thích cụ thể.
“Điều mà các nhà nghiên cứu phát hiện là 11 nghiệm thể có khả năng tự kiểm soát kém trong suốt cuộc đời thường không có các vấn đề trong việc kiểm soát hoạt động não bộ trong các khung cảnh bình thường”, Terrie Moffitt, giáo sư tâm lý và khoa học thần kinh tại ĐH Duke, cho biết. “Thay vào đó, những hoạt động não đặc thù của họ chỉ bắt đầu xuất hiện khi họ nhìn thấy một điều gì đó hấp dẫn, cuốn hút”
Moffitt chia sẻ, nghiên cứu trên 1000 người được bà theo dõi từ 3 đến 38 tuổi cũng cho một kết quả tương tự.
Cả Casey và Moffitt đều nhấn mạnh rằng những người ít kiềm chế không hề thiếu trí tuệ tổng quát, đồng thời họ sở hữu những phẩm chất vô cùng quan trọng đối với xã hội. Trong một số thời điểm, kiềm chế chưa chắc là một lựa chọn chính xác, những người đi theo xung năng cảm xúc của mình có khả năng sẽ trở thành những nhà khám phá hay doanh nhân vĩ đại. (Steve Jobs là một minh chứng kinh điển).
Tuy nhiên, việc những người kiểm soát kém có thể vướng vào những rắc rối là hoàn toàn có thể hiểu được. Moffitt mô tả một nghiệm thể đã từng nói với bà, “Hãy tin tôi, tôi hiểu hết về tiết kiệm hưu trí, nhưng tôi không giữ được đồng nào. Mỗi lần tôi thấy một chiếc mô-tô ‘quá đỉnh’ là tôi phải mua ngay!”
Dù vậy, cũng chẳng có ai nói rằng những người ít kiểm soát hoàn toàn không thể thay đổi. Nghiên cứu của Moffitt cho thấy trong thực tế, khả năng tự kiểm soát của trẻ không liên hệ quá mạnh mẽ đến khả năng tự chủ lúc trưởng thành. Ví dụ, “tương quan giữa xếp hạng trắc nghiệm IQ của nghiệm thể lúc nhỏ và lớn là 0.70 trên thang -1 (thay đổi hoàn toàn) và +1 (hoàn toàn ổn định). Nó khá ổn định!” “Tuy vậy, tương quan tương tự về khả năng tự kiểm soát  lại chỉ là 0.30, nó cho thấy nhiều người sẽ thay đổi khi lớn lên và rất ít người sẽ ổn định mãi.”
Những công trình trước đây làm việc với trẻ mẫu giáo cùng thực nghiệm kẹo dẽo cho thấy những trẻ kiểm soát tốt thường thành công không chỉ nhờ khả năng tự đánh lạc hướng bản thân khỏi tình huống thu hút mà còn do khả năng “hạ nhiệt” cảm xúc của bản thân. Ví dụ, các bạn sẽ tưởng tượng rằng kẹo dẻo là một đám mây hay chỉ là một tấm hình thay vì đó chính là một món ăn thật sự.
Có lẽ kĩ thuật tương tự cũng có thể được sử dụng trong các tình huống khác. Casey cho biết, “Nghiên cứu này cho thấy chúng ta nên chỉ cho người khác cách thức ‘hạ nhiệt’ những tình huống ‘nóng’ khi phải đối diện với những cá nhân gặp khó khăn trong việc kiềm chế.”
Nghiên cứu được xuất bản trên Proceedings of the National Academy of Sciences.


Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Time (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Time http://healthland.time.com/2011/09/06/the-secrets-of-self-control-the-marshmallow-test-40-years-later/ và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/09/thuc-nghiem-keo-deo-marshmallow-test-kha-nang-tu-kiem-soat.html .Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Time và thông báo cho người dịch.

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google

Join us on Facebook

Please wait..5 SecondsCancel