Thực nghiệm kẹo dẻo - Marshmallow test |
Maia Szalavitz6/9/2011
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao ý chí lại “rời xa” bạn trong những giây phút bạn cần đến nó nhất? Manh mối của câu trả lời cho câu hỏi này nằm ở kết quả một nghiên cứu chiều dài được bắt đầu từ cách đây 40 năm, mà nay nổi tiếng với tên gọi thực nghiệm kẹo dẻo trên trẻ mẫu giáo.
Vào những năm cuối thập kỷ 60, các nhà nghiên cứu cho hàng trăm trẻ 4 tuổi thực hiện một trắc nghiệm nhỏ vô cùng tinh tế về sức mạnh ý chí: trẻ được cho ngồi trong một căn phòng nhỏ với một viên kẹo dẻo hay một món ăn hấp dẫn khác, các nhà nghiên cứu sẽ bảo với trẻ rằng chúng có quyền ăn ngay hay phải chờ 15 phút cho đến lúc họ quay trở lại để được gấp đôi khẩu phần của mình.
Đa phần các trẻ nói rằng mình sẽ đợi. Tuy nhiêu, nhiều bạn thậm chí đã “sa trước cám dỗ” chỉ trong vòng một phút. Một số bạn khác sẽ vất vả “tranh đấu” một ít trước khi cuối cùng cũng thua cuộc. Đa phần các trẻ chờ đợi thành công là những trẻ nghĩ ra cách tự gây xao nhãng trước sức hút của món ăn – ví dụ bằng cách quay vòng vòng, che mắt hay đá bàn ghế - nhờ vậy mới trì hoãn được trong suốt 15 phút.
Những nghiên cứu theo dõi tiếp theo trên những trẻ mẫu giáo này cho thấy, vào độ tuổi trung học phổ thông, những bạn có khả năng đợi suốt 15 phút thường ít gặp phải những vấn đề về hành vi, nghiện thuốc hay béo phì hơn so với những trẻ chỉ “nhịn” được ít hơn một phút. Các bạn kiềm chế tốt trung bình cũng có điểm SAT cao hơn 210 điểm.
Các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu trên với một nhóm 60 nghiệm thể, nay đã hơn 40 tuổi, mà khả năng tự kiểm soát của họ vẫn ổn định ở mức thấp suốt từ thời thơ ấu cho đến tuổi trưởng thành (nghiên cứu không bao gồm những người thiếu kiềm chế khi nhỏ nhưng khi lớn học được cách kiểm soát tốt hơn.)
Các tác giả nghiên cứu, đứng đầu là B.J. Casey, giáo sự tạm lý sinh học phát triển tại ĐH Cornell, muốn tìm hiểu xem liệu những trẻ khi nhỏ thiếu kiềm chế có biểu hiện những dấu hiệu thiếu khả năng tự kiểm soát khi lớn hay không, hay liệu hiện tượng này chỉ diễn ra trong một số trường hợp cụ thể với sự có mặt của cảm xúc. Casey nói “Liệu đây là tình huống cá nhân gặp khó khăn trong việc kiểm soát xung năng hay nó là do tính nhạy cảm trước những lời mời gọi?”
Các nhà nghiên cứu cũng muốn biết liệu có khác biệt gì về hoạt động não bộ giữa những người thiếu kiềm chế so với những người có khả năng kiểm soát bản thân tốt hơn hay không.
Các nghiệm thể được yêu cầu thực hiện hai nhiệm vụ khác nhau trên máy tính. Nhiệm vụ đầu tiên, trước một loạt hình ảnh các khuôn mặt trung tính về cảm xúc, người tham gia phải bấm nút khi nhận thấy một hình ảnh gương mặt đàn ông hoặc khi thấy khuôn mặt một phụ nữ tùy theo yêu cầu. Những nghiệm thể ban đầu được yêu cầu nhận diện gương mặt đàn ông trước sau đó mới chuyển sang nhận diện những gương mặt phụ nữ (và ngược lại), việc này khiến người tham gia phải kiềm chế xung năng trong việc đáp trả lại những câu trả lời mình đã thực hiện trước đó (với gương mặt đàn ông/ phụ nữ đã làm). Trắc nghiệm này đo đạt khả năng tự kiểm soát của con người trong hoàn cảnh thiếu vắng các tác nhân cảm xúc.
Trong phiên bản trắc nghiệm thứ hai với sự có mặt của cảm xúc, các nghiệm thể được yêu cầu bấm nút khi thấy một gương mặt vui vẻ hoặc khi thấy khuôn mặt sợ hãi tùy theo yêu cầu. Những nghiên cứu trước đây cho thấy chúng ta thường nhìn nhận những gương mặt hạnh phúc như là một phần thưởng – vì vậy các nhà nghiên cứu kì vọng rằng những người có khả năng kiềm chế thấp sẽ gặp rắc rối trong việc ngăn cản bản thân bấm nút khi thấy gương mặt mỉm cười xuất hiện trên màn hình.
Các nhà nghiên cứu cũng đồng thời chụp quét lớp não bộ của 26 nghiệm thể khi họ tham gia vào cả hai bài trắc nghiệm. Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng những người kiềm chế tốt thường có nhiều hoạt động trong vùng vỏ não trán trước hơn người khó kiềm chế, đặc biệt là trong phần trắc nghiệm có liên hệ đến cảm xúc. Vỏ não trán trước là phần não bộ chịu trách nhiệm cho việc kiểm soát hành vi và xung năng. Trong khi đó, những người ít kiềm chế thường có nhiều tín hiệu hoạt động trong vùng não nằm sâu hơn bên trong, liên hệ nhiều tới việc nghiện, thích thú và khao khát, đặc biệt là khi đáp ứng trước những gương mặt hạnh phúc.
Bạn có thể thấy rằng những người kiểm soát tốt sẽ có “phanh thắng” tinh thần tốt hơn, trong khi những người khó kiềm chế lại bị thúc đẩy bởi một động cơ mạnh mẽ hơn. “Những người khó kiềm chế thường không có vùng vỏ não trán trước hoạt động nhiều như những người biết kiểm soát. Những người có khả năng tự điều tiết thường điều hòa hành vi của mình một cách rất hiệu quả, đồng thời ít kích hoạt hệ thống sâu hơn bên trong,” Casey cho biết. “Những người kiềm chế tốt thường ít bị giằn xé, thúc đẩy hơn”
Tuy nhiên, khác biệt chỉ thể hiện rõ khi các nghiệm thể đối diện với những hình ảnh mang tính cảm xúc. Điều này cho thấy những người ít kiềm chế, một cách tổng thể, thường không phải là không có khả năng kiểm soát xung năng, giống như những người có rối loạn tăng động kém chú ý (ADHD), nhưng mà là họ gặp khó khăn trong việc ngăn cản bản thân trong một số hoàn cảnh kích thích cụ thể.
“Điều mà các nhà nghiên cứu phát hiện là 11 nghiệm thể có khả năng tự kiểm soát kém trong suốt cuộc đời thường không có các vấn đề trong việc kiểm soát hoạt động não bộ trong các khung cảnh bình thường”, Terrie Moffitt, giáo sư tâm lý và khoa học thần kinh tại ĐH Duke, cho biết. “Thay vào đó, những hoạt động não đặc thù của họ chỉ bắt đầu xuất hiện khi họ nhìn thấy một điều gì đó hấp dẫn, cuốn hút”
Moffitt chia sẻ, nghiên cứu trên 1000 người được bà theo dõi từ 3 đến 38 tuổi cũng cho một kết quả tương tự.
Cả Casey và Moffitt đều nhấn mạnh rằng những người ít kiềm chế không hề thiếu trí tuệ tổng quát, đồng thời họ sở hữu những phẩm chất vô cùng quan trọng đối với xã hội. Trong một số thời điểm, kiềm chế chưa chắc là một lựa chọn chính xác, những người đi theo xung năng cảm xúc của mình có khả năng sẽ trở thành những nhà khám phá hay doanh nhân vĩ đại. (Steve Jobs là một minh chứng kinh điển).
Tuy nhiên, việc những người kiểm soát kém có thể vướng vào những rắc rối là hoàn toàn có thể hiểu được. Moffitt mô tả một nghiệm thể đã từng nói với bà, “Hãy tin tôi, tôi hiểu hết về tiết kiệm hưu trí, nhưng tôi không giữ được đồng nào. Mỗi lần tôi thấy một chiếc mô-tô ‘quá đỉnh’ là tôi phải mua ngay!”
Dù vậy, cũng chẳng có ai nói rằng những người ít kiểm soát hoàn toàn không thể thay đổi. Nghiên cứu của Moffitt cho thấy trong thực tế, khả năng tự kiểm soát của trẻ không liên hệ quá mạnh mẽ đến khả năng tự chủ lúc trưởng thành. Ví dụ, “tương quan giữa xếp hạng trắc nghiệm IQ của nghiệm thể lúc nhỏ và lớn là 0.70 trên thang -1 (thay đổi hoàn toàn) và +1 (hoàn toàn ổn định). Nó khá ổn định!” “Tuy vậy, tương quan tương tự về khả năng tự kiểm soát lại chỉ là 0.30, nó cho thấy nhiều người sẽ thay đổi khi lớn lên và rất ít người sẽ ổn định mãi.”
Những công trình trước đây làm việc với trẻ mẫu giáo cùng thực nghiệm kẹo dẽo cho thấy những trẻ kiểm soát tốt thường thành công không chỉ nhờ khả năng tự đánh lạc hướng bản thân khỏi tình huống thu hút mà còn do khả năng “hạ nhiệt” cảm xúc của bản thân. Ví dụ, các bạn sẽ tưởng tượng rằng kẹo dẻo là một đám mây hay chỉ là một tấm hình thay vì đó chính là một món ăn thật sự.
Có lẽ kĩ thuật tương tự cũng có thể được sử dụng trong các tình huống khác. Casey cho biết, “Nghiên cứu này cho thấy chúng ta nên chỉ cho người khác cách thức ‘hạ nhiệt’ những tình huống ‘nóng’ khi phải đối diện với những cá nhân gặp khó khăn trong việc kiềm chế.”
Nghiên cứu được xuất bản trên Proceedings of the National Academy of Sciences.
Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Time (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Time http://healthland.time.com/2011/09/06/the-secrets-of-self-control-the-marshmallow-test-40-years-later/ và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/09/thuc-nghiem-keo-deo-marshmallow-test-kha-nang-tu-kiem-soat.html .Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Time và thông báo cho người dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét