Phụ nữ được đánh giá là những nhà lãnh đạo hiệu quả với tỷ lệ ngang bằng với đàn ông, và đôi khi còn cao hơn - một kết quả nói lên sự thay đổi của xã hội về vai trò giới và nhu cầu về một phong cách lãnh đạo khác trong môi trường làm việc toàn cầu hóa, theo phân tích đa chiều xuất bản bởi APA.
"Khi xem xét toàn bộ các bối cảnh, nam và nữ được nhìn nhận như nhau về hiệu quả lãnh đạo." Chủ nhiệm nghiên cứu Samatha C. Paustian-Underdahl, TS., ĐH Quốc tế Florida cho biết. "Khi ngày càng có nhiều phụ nữ thành công ở vị trí lãnh đạo, dường như những hiểu lầm về mối tương quan giữa quyền lãnh đạo và sự nam tính đã dần được loại bỏ".
Trong khi nam giới có khuynh hướng tự đánh giá bản thân là làm việc hiệu quả nhiều hơn so với nữ giới tự đánh giá, thì những nhận định khách quan lại cho thấy, hóa ra nữ giới mới được nhìn nhận là hiệu quả hơn.
Paustian-Underdahl và cộng sự đã mở rộng "Học thuyết vai trò tương thích” (“role congruity theory”), học thuyết về định kiến đối với phụ nữ làm lãnh đạo, cho rằng "phụ nữ điển hình" không được nhìn nhận là có khả năng lãnh đạo. Các tác giả viết: “Phụ nữ thường được mô tả và mong đợi là có tính cộng đồng, hướng đến các mối quan hệ và mang tính hỗ trợ nhiều hơn là đàn ông, trong khi đó, đàn ông được tin và kì vọng là mang tính cá nhân, cạnh tranh và độc lập hơn phụ nữ.” Các nhà nghiên cứu mở rộng học thuyết bằng cách áp dụng cả hai nội dung lên hai giới, “Bởi lẽ các tổ chức đã trở thành những môi trường có nhịp độ nhanh, toàn cầu hóa, một số nhà nghiên cứu tổ chức đã đề xuất cần có một phong cách lãnh đạo nữ tính hơn nhằm nhấn mạnh nhu cầu tham gia và mở rộng giao tiếp nhằm đạt được thành công.”
Các nhà nghiên cứu đã phân tích 99 nhóm dữ liệu từ 58 bài báo được xuất bản, 30 bài tham luận và luận án, 5 cuốn sách và 6 nguồn khác (như các bài giới thiệu, dữ liệu chưa được xuất bản). Cỡ mẫu trong phạm vi từ 10 đến 60470 nhà lãnh đạo. Cỡ mẫu trung bình là 1,011 và tuổi trung bình của các nhà lãnh đạo (trên 40 mẫu có báo cáo tuổi) là 39. Các nghiên cứu được xuất bản từ 1962 – 2011. 86% mẫu có dữ liệu đến từ những nghiên cứu thực hiện tại Mỹ hoặc Canada.
Khi chỉ xét đến đánh giá bởi người khác (không phải là tự đánh giá), phụ nữ được nhìn nhận là những nhà lãnh đạo hiệu quả hơn nam giới ở vị trí quản trị cấp trung, trong các tổ chức kinh doanh và giáo dục. Hơn nữa, những phụ nữ nắm giữ các vị trí quản trị cao cấp cũng được đánh giá là hiệu quả hơn. Những nhà nghiên cứu giả định rằng hiệu ứng này xảy ra vì “tiêu chuẩn nhân đôi năng lực”, ám chỉ rằng các nữ lãnh đạo phải có khả năng vượt trội mới vươn lên được vị trí cấp cao như thế.
Paustian-Underdahl nói “Kết quả này cho thấy điều đáng ngạc nhiên rằng đàn ông nói chung vẫn tiếp tục được trả nhiều hơn và thăng tiến lên vị trí quản trị cấp cao hơn phụ nữ”. “Nghiên cứu trong tương lai cần kiểm tra lý do vì sao phụ nữ được nhìn nhận là những nhà lãnh đạo hiệu quả bằng (hoặc hơn) đàn ông song họ lại không được tưởng thưởng tương xứng như vậy.”
Nguồn:
“Gender and Perceptions of Leadership Effectiveness: A Meta-Analysis of Contextual Moderators,” Samantha C. Paustian-Underdahl, PhD, Florida International University; Lisa Slattery Walker, PhD, and David J. Woehr, PhD, University of North Carolina at Charlotte, Journal of Applied Psychology, online April 28, 2014.
http://www.apa.org/news/press/releases/2014/04/women-leaders.aspx
Dịch: Ngọc Anh.
Link bài dịch:
http://iopsyhr.blogspot.com/2014/02/su-gan-bo-voi-to-chuc-ket-qua-cua-muc-o.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét