chiêu thức bán hàng hiện đại

chiêu thức bán hàng

chia sẻ

HAI MẶT CỦA SỰ THA THỨ

Tha thứ và hòa giải
Tha thứ vẫn thường được xem như là một cách phản ứng phù hợp về đạo đức và khỏe mạnh về tâm lý khi ta phải đối mắt với những ngược đãi, đau khổ. Nghiên cứu cho thấy những người hay tha thứ thường hạnh phúckhỏe mạnh hơn những người mang thù hận. Ngoài ra, những can thiệp giúp đem lại sự tha thứ cũng cho thấy làm giảm các phản ứng stress, gia tăng sự lạc quan tạo điều kiện cho việc hòa giải.
Định nghĩa của sự tha thứ khá đa dạng nhưng đa phần đều nói đến hai yếu tố then chốt: 1) chủ ý để những cảm xúc tiêu cực như giận dữ và thù hận đối với người khác qua đi, và 2) chủ ý xây dựng những cảm xúc tích cực như lòng nhân ái và từ tâm đối với những người gây ra tội lỗi. Một số định nghĩa khác còn bao gồm việc tìm cách tiếp xúc thay vì né tránh người gây ra đau khổ cho bạn.
Những người ủng hộ xu hứng tha thứ thường nhấn mạnh rằng tha thứ không phải là bào chữa hay dung túng cho một lỗi lầm, nó cũng không phải là đẩy bản thân vào thế nguy hiểm một lần nữa. Ủng hộ quan điểm này, một số nghiên cứu cho thấy tha thứ có thể ngăn cản người phạm tội tái phạm. Trong một chuỗi các nghiên cứu,những người tham gia cho biết họ thường ít khi lặp lại cùng một lỗi lầm đối với một người lạ nếu họ được tha thứ, trái ngược hoàn toàn với khi người lạ đó không tha thứ cho họ. Trong một chuỗi các nghiên cứu kháckết quả tương tự cũng được đúc kết từ những cặp đôi đã kết hôn.
Theo một nghiên cứu trên Psychological Science, tha thứ và ký ức có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi nạn nhân tha thứ cho người làm lỗi, họ thường dễ kiềm nén trí nhớ hơn. Nhưng nếu không thể tha thứ, họ thường gặp khó khăn hơn trong việc đè nén những ký ức không mong muốn. Hơn thế, khả năng lãng quên những ký ức khó chịu có liên hệ đến hành vi tha thứ thật sự chứ không chỉ là xu hướng tử tế nhã nhặn mà thôi.
Một số người còn cho rằng tha thứ giúp ngăn ngừa sự tái phạm vì luật nhân quả, một hành động tốt (như việc tha thứ) sẽ sinh ra một hành động tích cực (như việc tránh tái phạm). Tuy nhiên, một số khác lại phản bác rằng hành động tốt do tha thứ có thể sẽ tạo ra một hành vi tích cực khác nhưng không liên quan trực tiếp đến lỗi lầm đó
Thực tế, một nghiên cứu cho thấy sự tha thứ trong vài trường hợp có thể làm tăng khả năng tái phạm. Một nghiên cứu chiều dọc trên các cặp mới kết hôn cho thấy, trong 4 năm, những người vợ/ chồng nào sẵn sàng thể hiện sự tha thứ nhiều hơn thường cảm nhận nhiều sự hung hăng cả về thể chất lẫn tinh thần từ người còn lại. Trong khi đó, những người ít tha thứ hơn cho biết họ quan sát thấy mức độ hung hăng có xu hướng giảm thiểu. Những nghiên cứu liên quan còn cho thấy những người hay tha thứ thường dễ cảm thấy mức độ hài lòng với mối quan hệ có chiều hướng đi xuống  nếu người còn lại thường xuyên thực hiện các hành vi tiêu cực, đồng thời sự tha thứ cũng có thể bào mòn lòng tự trọng của người tha thứ nếu người còn lại không cải thiện đúng mức. Hơn nữa, trong một nghiên cứu ghi chép thường nhật, sau khi vừa mới tha thứ, vào những ngày sau đó, vợ/ chồng thường hay cho mình là nạn nhân của một tội lỗi nhiều hơn khi so sánh với những ngày khác.
Tại sao tha thứ có thể không làm giảm các hành vi tiêu cực?
Theo lý thuyết về học tập tạo tác, con người thường hiếm khi thực hiện những hành vi tiêu cực nếu những hành vi đó đem lại những hậu quả xấu. Bằng cách làm nhẹ bớt những hệ quả xấu như chỉ trích hay cách ly, hành động tha thứ có thể làm mất đi một động cơ quan trọng khiến người phạm tội phải thay đổi. Ủng hộ quan điểm này, một nghiên cứu cho thấy việc thể hiện sự giận dữ và chỉ trích có liên hệ với việc một người sẵn sàng thực hiện những thay đổi tích cực.
Một ít giận dữ có thể mang lại lợi ích cho người bị hại khi chúng giúp họ tránh xa những người mang nguy cơ “tiềm tàng”. Điều này đặc biệt quan trọng trong trường hợp bạo hành trong gia đình, khi việc cho người chồng/ vợ bạo hành một cơ hội thứ hai đồng nghĩa với việc người bị hại mạo hiểm với sức khỏe và tính mạng của mình. Mặc dù tha thứ không nhất thiết đi kèm với hòa giải, nghiên cứu cho thấy những người sẵn sàng tha thứ cho vợ/ chồng mình thường dễ dàng tiếp tục mối quan hệ hơn.
Tha thứ cũng có thể có những mặt trái của nó khi động chạm đến những vấn đề bất công xã hội. Một số nghiên cứu cho thấy việc khuyến khích các thành viên của một nhóm “bất lợi” tha thứ cho một nhóm “kì thị” hay làm hại họ có thể làm giảm động lực việc đề cập đến những bất công đó. Trong một nghiên cứu, những người thổ dân Úc Châu được khuyến khích nghĩ về những bất công họ phải chịu theo hướng cổ vũ sự tha thứ thường cho thấy ít có mong muốn tham gia vào những hoạt động tập thể đại diện cho nhóm thiểu số của mình – hoạt động này bao gồm cả việc sẵn sàng tham gia vào những buổi tuần hành ôn hòa với mục đích nâng cao vị thế của họ và giành thời gian trợ giúp người dân trong cộng đồng thiểu số đó.
Tha thứ có thể giúp chế ngự những mong muốn trả thù hay phục hận, nhưng nó cũng làm giảm cảm giác giận dữ và thất vọng, những điều có thể đưa đến việc thay đổi xã hội mang tính xây dựng. Những nỗ lực thúc đẩy sự tha thứ đối với bất công trong quá khứ và hiện tại chỉ có thể đạt được hiệu quả cao nhất khi kết hợp với những cố gắng mạnh mẽ tương đương nhằm đạt đến công lý.
Khả năng tha thứ giúp nâng cao hay ngăn cản thay đổi tích cực, dù là trong mối quan hệ gia đình hay trên một phạm vi lớn hơn, đều tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm mức độ nghiêm trọng của sai phạm, số lần tái phạm, cùng những cố gắng sữa chữa từ phía gây ra hậu quả. Nếu lỗi lầm là quá lớn, xảy ra nhiều lần hay kéo dài, đồng thời người phạm tội không chịu nhận trách nhiệm hay ra sức thay đổi hành vi, sự tha thứ khó có khả năng tạo ra những thay đổi tích cực và đôi khi có thể đẩy nạn nhân vào thế nguy hiểm một lần nữa.
Đối với nhiều người, tha thứ có thể mang lại an bình và thư thái, nhưng với nhiều người khác, chưa chắc đó là giải pháp tối ưu. Những cách khác giúp đối đầu với việc bản thân bị hại mà không cần phải tha thứ bao gồm luyện tập khả năng tử tế với chính mình (nhận ra bất công mình phải chịu và đối xử tử tế với bản thân), mindfulness (cho phép bản thân được tổn thương và giận dữ), và nối kết với những nạn nhân khác. Đôi khi cho phép bản thân không tha thứ—nếu bạn không thấy mình làm trái lương tâm—cũng giúp giải phóng bạn như chính việc thứ tha.

https://www.psychologytoday.com/blog/in-love-and-war/201407/does-forgiveness-have-dark-side
http://www.psychologicalscience.org/index.php/news/were-only-human/the-psychology-of-forgiving-and-forgetting.html

KHOA HỌC LÝ GIẢI LIÊN HỆ TÌNH CẢM GIỮA NGƯỜI VÀ CHÓ

Tình cảm chó và người

16/04/2015
GEOFF BRUMFIEL
Đây là câu hỏi khiến nhiều người nuôi chó băn khoăn: “Em nó nhìn mình vì nó yêu mình hay vì nó muốn có cục xương khác để gặm?”
Một nghiên cứu xuất bản trong tạp chí Science vừa cho biết, sau ánh mắt ấy rất có thể là tình yêu (hay điều gì đó gần giống vậy). Nghiên cứu trên chứng minh khi chó và chủ nhìn vào mắt nhau, cả hai đều tăng mức độ hoạt động của oxytocin – hormone được cho rằng đóng vai trò quan trọng trong sự tin tưởng và liên hệ cảm xúc.
Kết quả trên cho thấy cả chó và chủ đều có cùng cảm nhận này, điều mà một số người nuôi chó vẫn còn nghi ngờ.
"Việc có một số bằng chứng khoa học ủng hộ giả định này thật sự rất thú vị,” Evan MacLean, nhà nhân chủng học tiến hóa và là đồng giám đôc Trung tâm Nhận thức Khuyến học, ĐH Duke, cho biết.
Hàng nghìn năm nay, con người đã nhân giống chó để chúng biết nghe lời, và điều này dần cũng đã thay đổi não bộ của loài này. MacLean cho biết, ví dụ, chó rất giỏi trong việc hiểu những cử chỉ như chỉ tay. Chúng cũng rất giỏi trong nhận diện ngôn ngữ.
Thế nhưng liệu con người có nhân giống chó để phục vụ nhu cầu tình cảm không?
"Điều này khó chứng minh hơn, một phần vì cảm xúc là những điều rất chủ quan,” MacLean chia sẻ. Ví dụ, nhiều người nuôi chó cho rằng chúng có cảm giác tội lỗi khi hành xử sai, nhưng điều đó không đúng.
"Có nhiều nghiên cứu cho thấy, thật ra, những gì xảy ra trong tình huống đó chỉ là những chú chó đang phản ứng lại với con người”. Nói cách khác, chúng ra vẻ có lỗi vì bạn trông rất giận dữ với chúng.
Một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Takefumi Kikusui, thuộc trường Thú y ĐH Azabu, Nhật Bản, đã tìm ra cách đo lường định lượng về cảm xúc tốt hơn. Các nhà khoa học để chó và chủ cùng tương tác. Thay vì chỉ quan sát các cặp chủ - chó, nhóm còn lấy mẫu nước tiểu của cả hai.
MacLean, tuy không thuộc nhóm nghiên cứu trên, cho biết, “Họ đo lượng oxytocin, hormone gắn với sự tin tưởng và liên kết xã hội”.
Oxytocin cũng là hormone được cho rằng khiến cha mẹ “say sưa” khi ngắm con mình.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy khi chó nhìn vào mắt chủ, lượng oxytocin tăng lên ở cả hai bên. Tuy nhiên điều tương tự lại không xảy ra với chó sói khi chúng được quan sát với những người nuôi chúng. Nhóm cũng phát hiện khi chó được chích oxytocin, chúng sẽ nhìn vào mắt chủ lâu hơn, và ánh mắt ấy, ngược lại, cũng khiến người chủ tiết ra lượng hormone tin tưởng trên nhiều hơn. Hiện tượng này đưa đến một vòng phản hồi về hormone giữa chó và người.
Tựu trung lại, MacLean cho biết, kết quả cho thấy một liên kết đặc biệt giữa chó và người – một liên hệ được tiến hóa trong quá trình con người nhân giống chó. “Tôi vô cùng hạnh phúc khi nói rằng chúng ta có thể yêu mến chó và chúng cũng yêu mến chúng ta ngược lại”, MacLean cho biết, “oxytocin có thể là mảnh ghép để mối liên hệ này diễn ra.”
Tuy nhiên không phải ai cũng tin vào liên kết hormone này.
“Hiện đang có một trào lưu trong khoa học là cần phải nhận diện những thay đổi trong lượng hormone đi kèm với những thay đổi trong trạng thái cảm giác và cảm xúc,” Clive Wynne, tâm lý gia tại ĐH Bang Arizona, người nghiên cứu về cách con người và chó tương tác, nhận định.
Thật ra, oxytocin không phải lúc nào cũng gắn với tình yêu, ông cho biết. Hormone trên còn có thể liên hệ đến cảm giác bị cô lập về cảm xúc – thậm chí cả sự hung hăng trong một số loài động vật. Những chú chó sói được sử dụng trong nghiên cứu trên không giao tiếp mắt nhiều, Wynne cho biết. Nếu có, chắc hẳn lượng oxytocin của chúng cũng đã tăng cao.
Tuy nhiên, Wynne thêm vào, dù có oxytocin hay không, ông tin rằng mối liên hệ giữa chó và người có tồn tại.
“Tôi nghĩ bằng chứng rõ ràng nhất về việc chúng yêu mến chúng ta mà bất kỳ người nuôi chó nào có được là những gì các chú chó làm khi chúng ở bên chúng ta,” Wynne chia sẻ “Chúng ta được tạo nên để tin tưởng vào bằng chứng từ những giác quan ta mang lại.”


KHÔNG HẲN LÀ TRẦM CẢM

Mất nối kết với thực tại
photo by Ajgiel
Tại sao một người trông có vẻ đang trầm cảm, mang trên mình những triệu chứng lâm sàng, lại không hề đáp ứng với các thuốc chống trầm cảm hay trị liệu tâm lý? Có lẽ nguồn gốc khổ đâu của người đó bắt nguồn từ một nơi khác.
Nhiều năm trước, một thân chủ tên Brian được chuyển đến cho tôi. Anh mang chứng trầm cảm “bất trị”, thứ đã khiến anh phải vào bệnh viện. Anh đã trải qua trị liệu nhận thức hành vi, trị liệu phân tâm, trị liệu hỗ trợ và cả trị liệu hành vi biện chứng. Anh đã thử nhiều “hỗn hợp” thuốc men khác nhau, mỗi nhóm kéo theo những tác dụng phụ khiến anh dường như không thể nào chịu đựng nổi. Dù sao thì chúng cũng chẳng có hiệu quả gì. Bước tiếp theo là trị liệu sốc điện, điều mà anh chẳng hề mong muốn.
Lần đầu đến gặp tôi, Brian gần như ở trong trạng thái hôn mê. Anh xem ra chẳng đủ sức mở miệng, và khi tôi cố gắng làm anh lên tiếng, anh cất giọng thều thào. Cơ thể anh cứng đờ, gương mặt lạnh băng. Anh không thể nhìn vào mắt tôi. Thật vậy, biểu hiện của anh xem ra vô cùng trầm cảm. Dẫu thế, vì biết rằng anh đã được điều trị trầm cảm hàng năm trời mà chẳng có kết quả gì, tôi bắt đầu nghi ngờ chẩn đoán.
Ngay cả khi chúng tôi cùng ngồi trong văn phòng, tôi vẫn có cảm giác rõ ràng rằng Brian đang thả mình về một nơi khác. Tôi hỏi bao nhiêu phần trăm của anh hiện diện với tôi tại phòng trị liệu.
“Có thể là 25%,” anh đáp.
“Phần còn lại của anh ở đâu?”, tôi hỏi.
“Tôi không biết”, anh trả lời, “ở một nơi tối tăm và đơn độc.”
“Anh có muốn tôi giúp anh cảm thấy thư giãn một ít không?” tôi hỏi.
Trong anh có vẻ khá bất ngờ nhưng vẫn đồng ý, tôi túm lấy cái gối nhỏ trên ghế bành và ném qua cho anh. Anh chụp lấy và mỉm cười.
“Ném nó lại đây,” tôi ra hiệu một cách vui vẻ. Và anh ném lại. Người anh nhẹ hẳn có thể trông thấy và chúng tôi trò chuyện thêm một chút. Sau vài phút tung hứng với chiếc gối, khi tôi hỏi bao nhiêu phần của anh ngồi trước mặt tôi, anh trả lời với một nụ cười khác. Anh nói, “Tôi hoàn toàn có mặt tại đây.”
Đó là cách mọi việc diễn ra trong vài tháng: Chúng tôi chơi ném bắt với chiếc gối trong khi nói chuyện. Trò chơi này giúp anh chuyển động, thư giãn, nó thiết lập một mối dây liên hệ giữa cả hai – và nó cũng khá thú vị.
Trong những buổi làm việc ban đầu, tôi dựng nên hình dung về việc lớn lên trong gia đình cũng Brian sẽ ra sao. Dựa trên những gì anh kể lại, tôi quyết định làm việc với anh như một người đã sống sót khỏi một tuổi thơ bị từ chối – một dạng sang chấn. Ngay cả khi cha mẹ anh cùng sống chung một mái nhà và họ chu cấp những gì căn bản nhất mà họ có như thức ăn, nhà cửa và sự an toàn thể lý, đứa trẻ vẫn có thể bị bỏ mặc nếu cha mẹ không gắn với nó về mặt cảm xúc.
Đó là điều tôi nghi ngại về trường hợp của Brian. Anh nói với tôi rằng cha mẹ anh đều “bận bịu” với những gánh nặng của một gia đình “vừa đủ sống qua ngày.” Dù mẹ anh chẳng bao giờ nhận mình là con sâu rươu, bà vẫn thường uống rất nhiều, và cha anh thì thường xuyên thiếu vắng cảm xúc. Brian có rất ít ký ức về việc mình được vỗ về, an ủi, chơi đùa hay quan tâm.
Một phản ứng bẩm sinh của trẻ trước dạng môi trường này là phát triển một nỗi mặc cảm mãn tính. Anh diễn dịch sự căng thẳng do cô độc cảm xúc nơi bản thân là một lầm lỗi cá nhân. Brian quở trách chính mình vì những gì anh cảm nhận và kết luận rằng anh đã làm sai điều gì đó. Tất cả đều diễn ra trong vô thức. Với đứa trẻ, chỉ trích bản thân xem ra ít đáng sợ hơn việc chấp nhận rằng người chăm sóc mình không đủ khả năng an ủi hay liên kết với nó.
Để hiểu được kiểu mặc cảm của Brian, chúng ta cần biết về hai loại cảm xúc cơ bản: Cảm xúc trọng tâm, như giận dữ, vui mừng và buồn bã, những thứ khi được ta cảm nhận bên trong sẽ dẫn đến sự nhẹ nhõm và tỏ tường (ngay cả khi ban đầu chúng làm ta khó chịu); Cảm xúc ức chế, như xấu hổ, tội lỗi và lo âu, những thứ ngăn cản ta cảm nhận cảm xúc trọng tâm.
Tất nhiên, không phải cảm xúc ức chế nào cũng tồi tệ. Nhưng trong trường hợp mặc cảm mãn tính như Brian, những biểu lộ xúc cảm nơi trẻ sẽ trở nên bị khiếm khuyết. Trẻ mang bên mình quá nhiều mặc cảm sẽ lớn lên thành những người không còn có thể cảm nhận những trải nghiệm nội tâm. Chúng học cách không cảm nhận, và mất dần khả năng sử dụng cảm xúc như kim chỉ nam cho cuộc sống. Một cách nào đó, chúng cần phải tự mình phục hồi bản thân.
Tôi có chuyên môn trong một lĩnh vực được gọi là trị liệu thực nghiệm tăng tốc tâm động. Sauk hi được đào tạo thành một nhà phân tâm, tôi chuyển qua tiếp cận này vì nó xem ra giúp chữa lành những thân chủ không thể được hóa giải sau nhiều năm trị liệu trò chuyện truyền thống.
Nhiều nhà tâm lý trị liệu tập trung vào nội dung câu chuyện mà thân chủ nói về bản thân, tìm kiếm những nội thị có thể được sử dụng để điều chỉnh những rối loạn. Ngược lại, trị liệu thực nghiệm tăng tốc tâm động tập trung vào việc đẩy mạnh nhận thức về cuộc sống cảm xúc của thân chủ khi chúng được gợi mở ngay trong hiện tại trước mặt nhà trị liệu. Nhà trị liệu chứng thực một cách chủ động, tham gia và hỗ trợ về mặt cảm xúc. Tâm lý gia sẽ động viên thân chủ không chỉ chú ý tới suy nghĩ và cảm xúc mà còn để ý tới những trải nghiệm cơ thể trước những suy nghĩ và cảm xúc đó.
Trong năm đầu tiên làm việc với nhau, gần như trong mỗi buổi, Brian đều đám mình vào trạng thái mà tôi mô tả là chịu đựng câm lặng. Trong những khoản trắng đó, tôi cố gắng đưa anh về với thời điểm hiện tại bằng những yêu cầu rõ ràng. “Đặt hai chân của anh xuống sàn.” “Ấn chân anh xuống đất và cảm nhận nền đất dưới chân mình.” Đôi khi tôi yêu cầu anh liệt kê ba màu sắc có trong phòng hay ba âm thanh anh nghe thấy được. Đôi khi anh quá xúc đông đến độ không thể làm theo. Trong những trường hợp như vậy, tôi chỉ ngồi đó với Brain, giữa sự căng thẳng của anh, và cho anh biết tôi có mặt ở đó vì anh và sẽ chẳng đi đâu cả.
Trong năm thứ hai trị liệu, Brian trở nên ổn định hơn. Điều này cho phép chúng tôi làm việc nhiều hơn với cảm xúc của anh. Ví dụ, khi tôi nhận ra mắt anh rướm lệ, tôi sẽ khuyến khích anh tìm hiểu và cởi mở với tất cả những điều anh cảm nhận. Đó là cách một cá nhân có thể kết nối lại với chính xúc cảm của mình: gọi tên chúng; học cách cảm nhận chúng trong cơ thể mình; nhận ra chúng khơi dậy những phản ứng nào; và trong hoàn cảnh với khổ đau như Brian, học cách để bản thân rơi lệ cho đến khi dừng khóc một cách tự nhiên (nó sẽ kết thúc, trái với niềm tin thường thấy ở những người có sang chấn) và lúc đó, cảm nhận cảm giác nhẹ nhõm bên trong mình.
Brian và tôi làm việc hai lần mỗi tuần trong bốn năm. Qua từng buổi, anh học cách gọi tên những cảm xúc và lắng nghe chúng với sự quan tâm và lòng tắc ẩn. Khi anh cảm nhận một thôi thúc “đè nát” mình, anh biết đều gì đang xảy ra và làm cách nào quản lý trải nghiệm đó. Anh học cách bày tỏ cảm xúc và kiên định với những nhu cầu và mong muốn của bản thân. Anh dám mạo hiểm, kết bạn nhiều hơn và tham gia những công việc ý nghĩa. Không còn phải nhập viện. Mặc cảm tan biến. Quan trọng hơn cả, anh cảm thấy một lần nữa bản thân mình đang tồn tại.
Hilary Jacobs Hendel là nhà tâm lý trị liệu tại New York và là giám sát lâm sàng tại AEDP Institute.


THIẾU NIÊN TIN TƯỞNG BẠN BÈ NHIỀU HƠN NGƯỜI LỚN TRONG VIỆC ĐÁNH GIÁ NGUY CƠ

Niềm tin của trẻ và hành vi nguy cơ

31/03/2015 NANCY SHUTE

Nếu bạn là cha mẹ của một trẻ thiếu niên, chắc hẳn bạn đều biết giai đoạn bỗng nhiên một ngày, con bạn dường như xem trọng ý kiến của bạn bè chúng hơn so với chính bạn.
Tin vui (nếu có) là không phải một mình bạn cảm thấy như thế. Một nghiên cứu mới chứng minh ý kiến của bạn bè đồng trang lứa thường có ảnh hưởng lên trẻ vị thành niên từ 12 đến 14 tuổi nhiều hơn so với ý kiến người trưởng thành. Hiện tượng này không xuất hiện ở các lứa tuổi khác như tuổi sau vị thành niên, trẻ em hay người trưởng thành, mà chỉ đúng cho nhóm tuổi này mà thôi.
Các nhà nghiên cứu yêu cầu 563 khách tham quan Bảo tàng Khoa học London đánh giá mức độ nguy hiểm của các hành vi như chạy vượt đèn đỏ, lái xe máy không đội mũ bảo hiểm, hay nhảy bungee. Nghiên cứu được xuất bản trong tạp chí Psychological Science.
Sau đó, người tham gia được cho xem những nhóm tuổi khác đánh giá các nguy cơ trên như thế nào và họ được yêu cầu đánh giá lại danh sách một lần nữa. Các nhận định của nghiệm thể thay đổi dựa trên những gì họ được cho biết. Điều này không có gì là bất ngờ vì nghiên cứu trong nhiều thập kỷ đã chứng minh chúng ta ai cũng có khả năng chịu ảnh hưởng bởi những tác động xã hội.
Nhưng điều thú vị ở đây là chỉ có một nhóm tuổi giành nhiều sự chú ý đến suy nghĩ của người cùng trang lứa hơn đến ý kiến của người trưởng thành – nhóm tuổi đầu vị thành niên.

Lisa Knoll, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về khoa học thần kinh nhận thức tại ĐH College London và là tác giả nghiên cứu cho biết, "Tuổi đầu dậy thì luôn tìm kiếm nguy cơ nhiều hơn các nhóm tuổi khác.” Các bạn có xu hướng “xoáy sâu” hơn vào nguy hiểm khi đi chung với các bạn tuổi “teen” của mình.
Theo Knoll, chưa rõ lý do vì sao các bạn đầu tuổi dậy thì bỗng nhiên chú ý nhiều hơn đến bạn bè đồng trang lứa. Bà hiện đang làm những thực nghiệm xa hơn với chụp hình não để xem xem liệu hiện tượng trên có liên hệ gì đến phát triển não tuổi vị thành niên hay không.
Tuy nhiên với những kết quả hiện tại, bà có thể kết luận rằng có một sự khác biệt rõ ràng trong nhận thức của nhóm tuổi đó. Và các bạn thiếu niên cũng biết điều đó.
Bà thường gọi cho những người tham gia nghiên cứu sau khi có kết quả và giải thích những điều bà đã phát hiện.
"Tôi hỏi người tham gia [các bạn đầu tuổi vị thành niên] liệu các em nghĩ gì về kết quả và nó có khiến các em ngạc nhiên không. Thông thường các bạn không hề ngạc nhiên. Các em đều biết rằng người trưởng thành thường có nhiều kinh nghiệm hơn trong những tình huống kiểu này, tuy nhiên các bạn nói thêm, ‘Có điều em là trẻ thiếu niên.’ Ngay cả trẻ vị thành niên cũng có ý tưởng stereotype về cách làm thế nào để là một trẻ vị thành niên. Đó có thể là lý do vì sao các bạn thường có những hành vi làm theo nhóm tuổi của mình.”
OK, trẻ đầu tuổi vị thành niên không nghe lời người lớn mỗi khi các em đánh giá các nguy cơ. Vậy liệu cha mẹ khi nghe những điều này có nên lo lắng hơn trước hay không?
Knoll cho biết, “Nếu tôi là bạn, tôi sẽ không lo lắng về việc mình mất kiểm soát con mình theo cách nào đó. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ vị thành niên vẫn tin tưởng vào sự đánh giá của cha mẹ mình, các em vẫn hỏi ý kiến của phụ huynh khi đưa ra những quyết định quan trọng.”



LÀM CÁCH NÀO ĐỂ QUẢN LÝ TRUYỀN THÔNG TRONG GIA ĐÌNH?

Quản lý điện thoại trong gia đình
Nguồn tranh: Mary Ann Smith

20/03/2015 BRUCE FEILER
Các bậc cha mẹ thường có thói quen ghi nhớ những “lần đầu tiên” của con mình. Một số thứ mang đến niềm vui: nụ cười đầu tiên, bước chân đầu tiên, lần xa nhà đầu tiên. Một số thứ mang đến lo lắng: lần sốt đầu tiên, cơn giận đầu tiên, tai nạn đầu tiên. Khi con cái lớn lên, những lần đầu tiên của chúng lại có thêm những sắc thái mới, đem lại niềm vui độc lập cho trẻ và nỗi sợ xa cách nơi cha mẹ: mùa hè vắng con đầu tiên, buổi hẹn hò đầu tiên, lần lái xe đầu tiên.
Nhưng chắc chẳng có “lần đầu tiên” nào lại mang đến nhiều mâu thuẫn như chiếc điện thoại di động đầu tiên.
Một mặt, nhiều cha mẹ rất hoan nghênh cột mốc này. Bây giờ họ có thể liên lạc với con khi chúng đi chơi và nhắc nhở khi các em về trễ. Đồng thời, cha mẹ cũng có một phương tiện quyền lực mới. Một bà mẹ nói với tôi rằng, “Tôi nhận thấy điện thoại di động đã cho tôi một quyền lực mới trong vai trò cha mẹ, vì bây giờ tôi có thể tịch thu chúng!”
Mặt khác, con cái lại bắt đầu có xu hướng “biến mất” đằng sau màn hinh di động khi chúng có chiếc điện thoại đầu tiên.
Các em có thể trở nên dễ bị ảnh hưởng hơn bởi những mặt tối của Internet, và những thói quen tưởng chừng dễ chịu nay hóa ra lại phản tác dụng. “Chúng tôi từng là một gia đình trước khi chúng có điện thoại,” một người cha lên tiếng phàn nàn. “Bây giờ chúng tôi chẳng bao giờ gắn kết như trước được nữa.”  
Vậy cha mẹ nên xử lý hiện tượng này như thế nào? Một số sẽ bàn đến khái niệm tự do và trách nhiệm, vẫn cho con dùng điện thoại và sẽ phản ứng tùy trường hợp xảy ra. Tuy nhiên, một số lại thử làm một việc khó khăn hơn, thiết lập một loạt các nguyên tắc luật lệ.
Lấy gia đình Tổng thống Obama làm ví dụ, ông tuyên bố rằng sẽ không cho hai cô con gái xài điện thoại di động cho đến khi 12 tuổi, cả hai sẽ không được dùng điện thoại vào cuối tuần, không được có Facebook đến khi 17 và phải tham dự các buổi mà đệ nhất phu nhân gọi là “thuyết giảng” về mối nguy hiểm của việc nói chuyện với người lạ. Janell Burley Hofmann, một bà mẹ tại Massachusetts, viết một lá thư gửi đứa con 13 tuổi của mình khi em lần đầu sở hữu điện thoại di động, trong đó liệt kê 18 điều khoản bao gồm: “Nếu điện thoại kêu, hãy nhấc máy. Nó là một chiếc điện thoại! Hãy chào hỏi, dùng đúng phép lịch sự. Đừng bao giờ không nhấc máy vì màn hình xuất hiện tên “Ba” hay “Mẹ”. Đừng bao giờ!”
Internet hiện tại có hàng chục loại “hợp đồng” được soạn thảo giành cho cha mẹ và con cái. Với vị trí (của tác giả) là người cha của hai đứa con tuổi đôi mươi, tôi rất thích ý tưởng này, tuy nhiên tôi cũng đủ thực tế để hiểu rằng vài ba trang hợp đồng sẽ nhanh chóng bị lãng quên và chừng đó là chưa đủ để “chống chọi” trước những ứng dụng “đối phó” với phụ huynh. Điều tôi mong muốn là một số các luật lệ bao quát giúp định hướng cho tương tác giữa hai bên.
Cha mẹ vẫn là cha mẹ của con
Yalda Uhls, tâm lý gia thuộc Common Sense Media và tác giả của cuốn sách “Mẹ Truyền thông và Cha Kỹ thuật số”, chia sẻ rằng phụ huynh nên đặt ra các hướng dẫn ngay từ ban đầu: “Tôi tin rằng khi lần đầu bạn đưa cho con mình một thiết bị có thể truy cập không giới hạn đến Internet và bạn bè, việc bạn nói rõ là cha mẹ sở hữu, chi trả cho chiếc điện thoại là rất quan trọng, và nếu có bất kỳ hành vi nào mà bạn cảm thấy không phù hợp với giá trị của gia đình, bạn có thể tịch thu điện thoại.”
Một phần trong thỏa thuận này là việc bạn cũng phải tôn trọng những giới hạn, Yalda cho biết, nhưng bạn cũng có quyền tham gia bất kỳ mạng xã hội nào trẻ tham gia, biết mật mã và được kiểm tra tin nhắn của các em. Điều này có thể tạo ra những tình huống khó xử, tâm lý gia chia sẻ, như một lần con gái của tôi có bình luận trên trang Instagram của một người bạn, trên đó anh ta cho biết việc trộm vặt thú vị như thế nào. “Tôi cảm thấy rùng mình, tuy nhiên tôi chọn cách tập trung vào những tác động trên anh ta. Tôi nói với con, ‘Đây là một diễn đàn mở. Cha mẹ anh ta sẽ thấy những điều này.’ “ Sau đó con tôi gỡ bỏ lời bình luận trên.
Dù xem ra có vẻ trẻ em biết hết mọi thứ về mạng xã hội, thật ra các em vẫn đang học cách sử dụng mà thôi. “Các em quá tập trung vào bản thân hay bạn bè,” cô cho biết, “các em không hiểu rằng người khác đang quan sát mình.”
Tránh xa khỏi điện thoại
Trên 10 hợp đồng tôi tìm hiểu, có một mục xuất hiện thường xuyên nhất: “Phải tắt điện thoại và để ra xa trong một khoảng thời gian nhất định vào ban đêm.” Nghiên cứu ủng hộ điều này. Nghiên cứu của ĐH Basel phát hiện rằng những bạn thiếu niên giữ smartphone  về đêm thường dễ xem phim, nhắn tin, có thói quen ngủ kém và mức độ trầm cảm cao hơn. Lynn Schofield Clark, giáo sư tại ĐH Denver và là tác giả sách “The Parent App”, cho rằng thiết lập những giới hạn thể lý có thể sẽ dễ dàng hơn việc thi hành các quy định hạn chế về thời gian.  
Bà cho biết, “Khi phụ huynh nói, ‘Con chỉ có thể sử dụng điện thoại từ giờ này đến giờ này,’ điều này rất khó kiểm soát.” Giáo sư Lynn khuyến nghị tất cả điện thoại di động nên để vào một chiếc hộp để ngay cửa mỗi khi trẻ bước vào nhà, hoặc tất cả các thiết bị phải để ngay giữa bàn trong bữa ăn, kể cả ăn trong nhà hàng.
“Bất kể bạn áp dụng luật nào, hãy đảm bảo đồ sạc điện để ở những phòng sinh hoạt chung, như vậy trẻ sẽ không giữ điện thoại vào ban đêm.”
Đọc mội tin nhắn hai lần
Một trong những vai trò của cha mẹ là giải thích cho con cái rằng giao tiếp kỹ thuật số thường dễ bị hiểu sai. Ken Denmead, tác giả của nhiều đầu sách, cho biết ông thường nói với con trai đang tuổi vị thành niên của mình rằng những cuộc trò chuyện bằng tin nhắn thường không thể hiện được sắc thái cảm xúc trừ khi có những bước can thiệp thêm vào. “Bạn có thể sử dụng biểu tượng mặt cười hay các biểu tượng cảm xúc khác  để gửi kèm xúc cảm cho những gì bạn đang nói” “nó cũng tùy thuộc vào các lựa chọn từ ngữ hay thêm vào các ghi chú. Kết luận: Trước khi bạn gửi đi một tin nhắn, hãy lùi lại một bước, đọc lại nội dung đặt bên ngoài ngữ cảnh. Cân nhắc xem liệu một dấu chấm than có bị hiểu nhầm thành một lời nói hung hăng hay không.”
Quy tắc Bà ngoại
Mọi người đều đồng ý về việc cần giúp trẻ tránh các tin nhắn tình dục, việc bị bắt nạt hay đăng tải các nội dung không phù hợp. Nhưng làm cách nào để ta thực hiện những điều trên? Một phụ huynh từng nói với tôi rằng bà yêu cầu con mình dán những nội dung chúng định post lên cửa tủ lạnh và để cả nhà bỏ phiếu xem có nên đăng tải những điều đó hay không. Denmead thì nói với các con ông như sau, “Hãy luôn giả vờ như các con đang nói chuyện trước đám đông.”
GS. Uhls thì cho con mình tưởng tượng. Bà nói, “Hãy nghĩ về bà nội của con. Nghĩ về thầy Hiệu trưởng. Nghĩ về người lớn nào khiến con lúng túng nhất. Trước khi bấm gửi tin nhắn, hãy nghĩ về cách người đó phản ứng trước tin nhắn của con.” Các con gái của tôi (tác giả) cũng tự mình đề nghị một quy tắc tương tự, và khi tôi hỏi đâu là hệ quả nếu vi phạm quy định trên, các bé trả lời, “Đưa cho Bà ngoại xem những bài đăng đó!”
Không dùng điện thoại trong thời gian giành cho gia đình
Tất cả những người tôi từng nói chuyện đều có một số quy tắc nhất định về thời gian giành cho gia đình. Bà Uhls cho biết: “Khi tôi còn trẻ và tham gia các lớp học làm cha mẹ, ai cũng nói rằng ‘[Thời gian giành cho gia đình là] 10 phút chơi với con trên sàn nhà.’ Bây giờ tôi cũng nói điều tương tự. ‘Chỉ 10 phút. Không có bất kỳ thiết bị nào. Đó là thời gian giành cho nhau.’ “
Trong gia đình của Denmead, 20 phút đầu tiên mỗi lần lên xe đều được giành để trò chuyện. Sau đó, mọi người mới được phép sử dụng các thiết bị.
Schofield Clark còn đi xa hơn khi đưa thời gian giành cho gia đình vào hợp đồng bà ký với con mình. Mục đó ghi là: “Chúng ta sẽ có những hoạt động phi-công nghệ hành tuần, như đi bộ, đạp xe, dắt chó đi dạo. Thỉnh thoảng, chúng ta sẽ có những buổi nghỉ dưỡng phi-công nghệ, như đi câu cá hay cắm trại.” Hợp đồng còn có thêm những buổi xem phim hàng tuần, với điều khoản, “Khi mẹ xem phim kinh dị hay huyễn tưởng, con không được phép nói ‘Eo ôi’, ‘Ôi không!’ hay ‘Hả!’ “
Bạn cũng hãy làm như vậy
Một điều bất ngờ tôi nghe được về những thỏa thuận này: Cần có những quy định giành cho cha mẹ, những người đặc biệt lạm dụng công nghệ. Con gái của Schofield Clark nhấn mạnh vế sau, “Khi con có điều cần trao đổi, mẹ phải đóng laptop và lắng nghe.”
Con trai của bà thêm vào quy tắc sau. Từ khi các con còn nhỏ, bà Schofield thường chụp hình con mình với ông già Noel mỗi kì Giáng Sinh. Đến khi các em dậy thì, bà vẫn ép chúng chụp hình và đăng lên Facebook. Chỉ vài giây sau, con trai 14 tuổi của bà chạy thẳng vào phòng. Bây giờ thỏa thuận của họ thêm vào một điều khoản “mẹ phải hỏi nếu muốn đăng hình có con trong đó.”
Câu chuyện này có lẽ đem đến bài học cuối cùng về quản lý truyền thông trong gia đình: Không có thỏa thuận về công nghệ nào tồn tại vĩnh viễn. Chúng cần được xem xét lại khi mỗi đứa con ra đời, khi mỗi giai đoạn diễn ra, khi mỗi một thiết bị hay ứng dụng mới xuất hiện.


TẠI SAO SUPER MARIO LẠI CHẠY TỪ TRÁI SANG PHẢI?

Quy ước chuyển động thị giác




Theo một số nghiên cứu, có thể tồn tại một khuynh hướng căn bản về cách chúng ta hay nhìn các vật thể đang chuyển động được khắc họa trong hình ảnh.
Một phân tích dựa trên hình ảnh con người và đồ vật khi chuyển động cho thấy có một xu hướng chung về chiều quan sát trái-sang-phải.
Chúng ta vẫn thấy quy ước trái-sang-phải trong game hiện nay
Tâm lý gia, TS, Peter Walker thuộc ĐH Lancaster cho biết, các bằng chứng rộng rãi về khuynh hướng trái-sang-phải trên có thể biểu thị một khuynh hướng căn bản về thị giác chuyển động, đồng thời nó có thể giải thích lý do vì sao các nhân vật chính trong một số các trò chơi điện tử nổi tiếng vào thập nhiên 80 và 90 thường di chuyển từ trái sang phải (vd: Super Mario).
Peter Walker đã phân tích hàng ngàn tấm ảnh trên Google trong nghiên cứu vừa được xuất bản của mình trong tạp chí Perception.
Ông cho biết: “Những quy ước nghệ thuật nào đã được sử dụng để chuyển tải sự chuyển động của các vật hữu tri và vô tri trong các bức hình tĩnh, như trong tranh vẽ hay nhiếp ảnh? Một quy ước hình ảnh hay được thể hiện là việc khắc họa các đồ vật đang nghiêng về phía trước, hướng theo sự chuyển động của mình, trong đó độ nghiêng càng cao thể hiện tốc độ càng lớn. Một quy ước khác được mô tả trong nghiên cứu này là việc các đồ vật thường được minh họa chuyển động từ trái sang phải.”
Tuy nhiên, khuynh hướng này không áp dụng được đối với người hay vật đang đứng yên.
“Bên cạnh việc khuynh hướng hướng về bên phải đã được tìm thấy trong hình ảnh vật thể đang chuyển động (hướng càng nhiều thì chuyển động được thể hiện càng nhanh),  khi chính những độ vật đó đang ở tư thế tĩnh, chỉ có khuynh hướng sang trái hay không có khuynh hướng là được ghi nhận. Nó cho thấy khuynh hướng căn bản trái-sang-phải xuất hiện trong thị giác chuyển động.”
Khuynh hướng trên cũng được nhận thấy khi các nhà thiết kế hay nghiêng chữ qua phải để thể hiện tốc độ và chuyển động. 

Nhận xét này được đúc kết từ ba nguồn: việc sử dụng chữ in nghiêng trên bìa sách; đánh giá về hàm ý kiểu chữ; và các đo lường hiệu quả hoạt động trong lúc thực hiện phân loại ngữ nghĩa các từ có phông in nghiêng và không in nghiêng.



BA YẾU TỐ NGUY CƠ ĐI ĐÔI VỚI VIỆC GẶP ÁC MỘNG

Yếu tố có thể gây ra ác mông
Một nghiên cứu mới cho thấy, thái độ tiêu cực với bản thân, kiệt sức và mất ngủ là ba yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến việc thường xuyên gặp phải ác mộng.
Nghiên cứu này cũng phát hiện 3,9% dân số thường có triệu chứng này.
TS Nils Sandman thuộc Trung tâm Khoa học Thần kinh Nhận thức, ĐH Turku - Phần Lan, người đứng đầu nghiên cứu cho biết:
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa ác mộng và mức độ khỏe mạnh thể lý – tinh thần.
Nó xuất hiện rõ nhất trong tương quan giữa ác mộng và trầm cảm, đồng thời có mặt trong nhiều phân tích khác có liên quan đến ác mộng cùng những câu hỏi về việc đo lường sức khỏe và mức độ hài lòng cuộc sống.”
Kết luận trên được đúc kết từ khảo sát bao gồm 13922 người trưởng thành ở Phần Lan từ năm 2007 đến năm 2012 (Sandman et al., 2015).

Những người tham gia hoàn thành một bảng hỏi về sức khỏe và được hỏi về bất kỳ ác mộng nào họ đã gặp trong vòng 30 ngày trở lại.

Có 45% người tham gia cho biết thỉnh thoảng gặp ác mộng trong khi hơn một nửa lại trả lời không hề có ác mộng trong vòng 30 ngày gần nhất.

So với đàn ông (2,9%), ác mộng xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ (4,8%).

Trong số những người có triệu chứng trầm cảm nặng, 28,4% thường xuyên gặp ác mộng.

Triệu chứng trầm cảm thường đi đôi với tần suất ác mộng nhiều nhất là “thái độ tiêu cực đối với bản thân”>

Đối với những người mất ngủ, khoảng 17,1% cho biết gặp ác mộng thường xuyên.

Những khảo sát dạng này không cho chúng ta biết được liệu trầm cảm có gây ra ác mộng hay không, tuy nhiên, các kết quả vẫn rất đáng quan tâm.

TS Sandman chia sẻ:
“Có thể ác mộng hoạt động như một chỉ báo khởi phát trầm cảm và nó có khả năng mang giá trị chẩn đoán mà trước đây ta chưa lưu ý.
Bên cạnh đó, do ác mộng, mất ngủ và trầm cảm hay đi chung với nhau, vậy liệu ta có thể điều trị cả 3 vấn đề trên chỉ với một can thiệp trực tiếp với ác mộng được hay không?”


 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google

Join us on Facebook

Please wait..5 SecondsCancel