chia sẻ

LÀM CÁCH NÀO ĐỂ QUẢN LÝ TRUYỀN THÔNG TRONG GIA ĐÌNH?

Quản lý điện thoại trong gia đình
Nguồn tranh: Mary Ann Smith

20/03/2015 BRUCE FEILER
Các bậc cha mẹ thường có thói quen ghi nhớ những “lần đầu tiên” của con mình. Một số thứ mang đến niềm vui: nụ cười đầu tiên, bước chân đầu tiên, lần xa nhà đầu tiên. Một số thứ mang đến lo lắng: lần sốt đầu tiên, cơn giận đầu tiên, tai nạn đầu tiên. Khi con cái lớn lên, những lần đầu tiên của chúng lại có thêm những sắc thái mới, đem lại niềm vui độc lập cho trẻ và nỗi sợ xa cách nơi cha mẹ: mùa hè vắng con đầu tiên, buổi hẹn hò đầu tiên, lần lái xe đầu tiên.
Nhưng chắc chẳng có “lần đầu tiên” nào lại mang đến nhiều mâu thuẫn như chiếc điện thoại di động đầu tiên.
Một mặt, nhiều cha mẹ rất hoan nghênh cột mốc này. Bây giờ họ có thể liên lạc với con khi chúng đi chơi và nhắc nhở khi các em về trễ. Đồng thời, cha mẹ cũng có một phương tiện quyền lực mới. Một bà mẹ nói với tôi rằng, “Tôi nhận thấy điện thoại di động đã cho tôi một quyền lực mới trong vai trò cha mẹ, vì bây giờ tôi có thể tịch thu chúng!”
Mặt khác, con cái lại bắt đầu có xu hướng “biến mất” đằng sau màn hinh di động khi chúng có chiếc điện thoại đầu tiên.
Các em có thể trở nên dễ bị ảnh hưởng hơn bởi những mặt tối của Internet, và những thói quen tưởng chừng dễ chịu nay hóa ra lại phản tác dụng. “Chúng tôi từng là một gia đình trước khi chúng có điện thoại,” một người cha lên tiếng phàn nàn. “Bây giờ chúng tôi chẳng bao giờ gắn kết như trước được nữa.”  
Vậy cha mẹ nên xử lý hiện tượng này như thế nào? Một số sẽ bàn đến khái niệm tự do và trách nhiệm, vẫn cho con dùng điện thoại và sẽ phản ứng tùy trường hợp xảy ra. Tuy nhiên, một số lại thử làm một việc khó khăn hơn, thiết lập một loạt các nguyên tắc luật lệ.
Lấy gia đình Tổng thống Obama làm ví dụ, ông tuyên bố rằng sẽ không cho hai cô con gái xài điện thoại di động cho đến khi 12 tuổi, cả hai sẽ không được dùng điện thoại vào cuối tuần, không được có Facebook đến khi 17 và phải tham dự các buổi mà đệ nhất phu nhân gọi là “thuyết giảng” về mối nguy hiểm của việc nói chuyện với người lạ. Janell Burley Hofmann, một bà mẹ tại Massachusetts, viết một lá thư gửi đứa con 13 tuổi của mình khi em lần đầu sở hữu điện thoại di động, trong đó liệt kê 18 điều khoản bao gồm: “Nếu điện thoại kêu, hãy nhấc máy. Nó là một chiếc điện thoại! Hãy chào hỏi, dùng đúng phép lịch sự. Đừng bao giờ không nhấc máy vì màn hình xuất hiện tên “Ba” hay “Mẹ”. Đừng bao giờ!”
Internet hiện tại có hàng chục loại “hợp đồng” được soạn thảo giành cho cha mẹ và con cái. Với vị trí (của tác giả) là người cha của hai đứa con tuổi đôi mươi, tôi rất thích ý tưởng này, tuy nhiên tôi cũng đủ thực tế để hiểu rằng vài ba trang hợp đồng sẽ nhanh chóng bị lãng quên và chừng đó là chưa đủ để “chống chọi” trước những ứng dụng “đối phó” với phụ huynh. Điều tôi mong muốn là một số các luật lệ bao quát giúp định hướng cho tương tác giữa hai bên.
Cha mẹ vẫn là cha mẹ của con
Yalda Uhls, tâm lý gia thuộc Common Sense Media và tác giả của cuốn sách “Mẹ Truyền thông và Cha Kỹ thuật số”, chia sẻ rằng phụ huynh nên đặt ra các hướng dẫn ngay từ ban đầu: “Tôi tin rằng khi lần đầu bạn đưa cho con mình một thiết bị có thể truy cập không giới hạn đến Internet và bạn bè, việc bạn nói rõ là cha mẹ sở hữu, chi trả cho chiếc điện thoại là rất quan trọng, và nếu có bất kỳ hành vi nào mà bạn cảm thấy không phù hợp với giá trị của gia đình, bạn có thể tịch thu điện thoại.”
Một phần trong thỏa thuận này là việc bạn cũng phải tôn trọng những giới hạn, Yalda cho biết, nhưng bạn cũng có quyền tham gia bất kỳ mạng xã hội nào trẻ tham gia, biết mật mã và được kiểm tra tin nhắn của các em. Điều này có thể tạo ra những tình huống khó xử, tâm lý gia chia sẻ, như một lần con gái của tôi có bình luận trên trang Instagram của một người bạn, trên đó anh ta cho biết việc trộm vặt thú vị như thế nào. “Tôi cảm thấy rùng mình, tuy nhiên tôi chọn cách tập trung vào những tác động trên anh ta. Tôi nói với con, ‘Đây là một diễn đàn mở. Cha mẹ anh ta sẽ thấy những điều này.’ “ Sau đó con tôi gỡ bỏ lời bình luận trên.
Dù xem ra có vẻ trẻ em biết hết mọi thứ về mạng xã hội, thật ra các em vẫn đang học cách sử dụng mà thôi. “Các em quá tập trung vào bản thân hay bạn bè,” cô cho biết, “các em không hiểu rằng người khác đang quan sát mình.”
Tránh xa khỏi điện thoại
Trên 10 hợp đồng tôi tìm hiểu, có một mục xuất hiện thường xuyên nhất: “Phải tắt điện thoại và để ra xa trong một khoảng thời gian nhất định vào ban đêm.” Nghiên cứu ủng hộ điều này. Nghiên cứu của ĐH Basel phát hiện rằng những bạn thiếu niên giữ smartphone  về đêm thường dễ xem phim, nhắn tin, có thói quen ngủ kém và mức độ trầm cảm cao hơn. Lynn Schofield Clark, giáo sư tại ĐH Denver và là tác giả sách “The Parent App”, cho rằng thiết lập những giới hạn thể lý có thể sẽ dễ dàng hơn việc thi hành các quy định hạn chế về thời gian.  
Bà cho biết, “Khi phụ huynh nói, ‘Con chỉ có thể sử dụng điện thoại từ giờ này đến giờ này,’ điều này rất khó kiểm soát.” Giáo sư Lynn khuyến nghị tất cả điện thoại di động nên để vào một chiếc hộp để ngay cửa mỗi khi trẻ bước vào nhà, hoặc tất cả các thiết bị phải để ngay giữa bàn trong bữa ăn, kể cả ăn trong nhà hàng.
“Bất kể bạn áp dụng luật nào, hãy đảm bảo đồ sạc điện để ở những phòng sinh hoạt chung, như vậy trẻ sẽ không giữ điện thoại vào ban đêm.”
Đọc mội tin nhắn hai lần
Một trong những vai trò của cha mẹ là giải thích cho con cái rằng giao tiếp kỹ thuật số thường dễ bị hiểu sai. Ken Denmead, tác giả của nhiều đầu sách, cho biết ông thường nói với con trai đang tuổi vị thành niên của mình rằng những cuộc trò chuyện bằng tin nhắn thường không thể hiện được sắc thái cảm xúc trừ khi có những bước can thiệp thêm vào. “Bạn có thể sử dụng biểu tượng mặt cười hay các biểu tượng cảm xúc khác  để gửi kèm xúc cảm cho những gì bạn đang nói” “nó cũng tùy thuộc vào các lựa chọn từ ngữ hay thêm vào các ghi chú. Kết luận: Trước khi bạn gửi đi một tin nhắn, hãy lùi lại một bước, đọc lại nội dung đặt bên ngoài ngữ cảnh. Cân nhắc xem liệu một dấu chấm than có bị hiểu nhầm thành một lời nói hung hăng hay không.”
Quy tắc Bà ngoại
Mọi người đều đồng ý về việc cần giúp trẻ tránh các tin nhắn tình dục, việc bị bắt nạt hay đăng tải các nội dung không phù hợp. Nhưng làm cách nào để ta thực hiện những điều trên? Một phụ huynh từng nói với tôi rằng bà yêu cầu con mình dán những nội dung chúng định post lên cửa tủ lạnh và để cả nhà bỏ phiếu xem có nên đăng tải những điều đó hay không. Denmead thì nói với các con ông như sau, “Hãy luôn giả vờ như các con đang nói chuyện trước đám đông.”
GS. Uhls thì cho con mình tưởng tượng. Bà nói, “Hãy nghĩ về bà nội của con. Nghĩ về thầy Hiệu trưởng. Nghĩ về người lớn nào khiến con lúng túng nhất. Trước khi bấm gửi tin nhắn, hãy nghĩ về cách người đó phản ứng trước tin nhắn của con.” Các con gái của tôi (tác giả) cũng tự mình đề nghị một quy tắc tương tự, và khi tôi hỏi đâu là hệ quả nếu vi phạm quy định trên, các bé trả lời, “Đưa cho Bà ngoại xem những bài đăng đó!”
Không dùng điện thoại trong thời gian giành cho gia đình
Tất cả những người tôi từng nói chuyện đều có một số quy tắc nhất định về thời gian giành cho gia đình. Bà Uhls cho biết: “Khi tôi còn trẻ và tham gia các lớp học làm cha mẹ, ai cũng nói rằng ‘[Thời gian giành cho gia đình là] 10 phút chơi với con trên sàn nhà.’ Bây giờ tôi cũng nói điều tương tự. ‘Chỉ 10 phút. Không có bất kỳ thiết bị nào. Đó là thời gian giành cho nhau.’ “
Trong gia đình của Denmead, 20 phút đầu tiên mỗi lần lên xe đều được giành để trò chuyện. Sau đó, mọi người mới được phép sử dụng các thiết bị.
Schofield Clark còn đi xa hơn khi đưa thời gian giành cho gia đình vào hợp đồng bà ký với con mình. Mục đó ghi là: “Chúng ta sẽ có những hoạt động phi-công nghệ hành tuần, như đi bộ, đạp xe, dắt chó đi dạo. Thỉnh thoảng, chúng ta sẽ có những buổi nghỉ dưỡng phi-công nghệ, như đi câu cá hay cắm trại.” Hợp đồng còn có thêm những buổi xem phim hàng tuần, với điều khoản, “Khi mẹ xem phim kinh dị hay huyễn tưởng, con không được phép nói ‘Eo ôi’, ‘Ôi không!’ hay ‘Hả!’ “
Bạn cũng hãy làm như vậy
Một điều bất ngờ tôi nghe được về những thỏa thuận này: Cần có những quy định giành cho cha mẹ, những người đặc biệt lạm dụng công nghệ. Con gái của Schofield Clark nhấn mạnh vế sau, “Khi con có điều cần trao đổi, mẹ phải đóng laptop và lắng nghe.”
Con trai của bà thêm vào quy tắc sau. Từ khi các con còn nhỏ, bà Schofield thường chụp hình con mình với ông già Noel mỗi kì Giáng Sinh. Đến khi các em dậy thì, bà vẫn ép chúng chụp hình và đăng lên Facebook. Chỉ vài giây sau, con trai 14 tuổi của bà chạy thẳng vào phòng. Bây giờ thỏa thuận của họ thêm vào một điều khoản “mẹ phải hỏi nếu muốn đăng hình có con trong đó.”
Câu chuyện này có lẽ đem đến bài học cuối cùng về quản lý truyền thông trong gia đình: Không có thỏa thuận về công nghệ nào tồn tại vĩnh viễn. Chúng cần được xem xét lại khi mỗi đứa con ra đời, khi mỗi giai đoạn diễn ra, khi mỗi một thiết bị hay ứng dụng mới xuất hiện.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google

Join us on Facebook

Please wait..5 SecondsCancel