chiêu thức bán hàng hiện đại

chiêu thức bán hàng

chia sẻ

BÀI HỌC VỀ TRỊ LIỆU ĐẾN TỪ ĐÈN GIAO THÔNG

Lựa chọn quyết định

HANS R. AGRAWAL 14/03/2015
Jeremy sẽ tới trong vài phút nữa. Tôi quý anh ta và thật sự muốn trợ giúp cho anh. Nhưng tôi vẫn luôn biết kết quả. Anh sẽ mỉm cười và xin lỗi, sẽ nói về cảm giác yếu đuối, mất liên kết và thất bại của bản thân. Anh sẽ tức giận về người cha lãnh cảm và dốt nát. Còn tôi sẽ cố bàn luận những vấn đề cũ kỹ trên theo một cách mới. Chúng tôi sẽ tái lập một nhịp điệu cũ và rồi cả hai sẽ mệt mỏi. Còn ngay bây giờ, vài phút trước khi phiên trị liệu bắt đầu, tôi nhâm nhi ly cà phê và quan sát người đi đường từ khung cửa sổ.
Văn phòng của tôi nằm ở tầng 3 trong một tòa nhà tại Cambridge, Massachusetts, ngay tại ngã tư đường đông đúc ở Quảng trường Harvard. Có một khung cảnh đặc biệt mà tôi đã quan sát thấy mấy lần. Một người đi tới ngã tư, muốn sang phía bên kia. Dù tín hiệu đi bộ đèn xanh nhấp nháy gọi mời, người ấy lại có vẻ bị tê liệt vì những mâu thuẫn và lưỡng lự. Nhân vật đó bước xuống đường rồi lại rút chân lên. Tín hiệu bắt đầu nhấp nháy rồi chuyển sang bàn tay đỏ chói. Ngay thời điểm đó, khi cơ hội qua đường đóng lại, người ấy mới chạy nhanh sang phía bên kia, lúc xe cộ bắt đầu tăng tốc ngay sát cạnh bên.
Đó là một hiện tượng khá kỳ lạ, và tôi thắc mắc liệu có yếu tố tâm lý nào liên quan ở đây không? Tại sao người ấy không qua đường ngay khi có tín hiệu? Tại sao đèn đỏ lại bỗng nhiên giải phóng người đó khỏi sự tê liệt? Tại sao họ lại liều lĩnh sang đường dù có thể bị xe tông?
Dần dà tôi đã có được câu trả lời. Người qua đường nhìn đèn tín hiệu như một nguồn gây lưỡng lự, một nguy cơ. Người ấy không chắc liệu đèn sẽ ra sao khi họ bước xuống đường. Người ấy không chắc mình sẽ qua đường trong bao lâu. Người ấy không tin rằng hệ thống đèn đủ tinh tế để ngay cả khi thấy đèn đang xanh, họ sẽ có đủ thời gian để tới được lề bên kia.
Mặt khác, khi đèn đổi sang màu đỏ, người ấy lại biết chính xác mình đang ở đâu. Lúc này, họ chẳng còn phải lo lắng về thời gian vì thời gian thì đã hết, khi không còn sợ hãi, người ấy trở nên thoải mái mà băng qua đường. Đèn đỏ lúc này lại gắn với sự chắc chắn, và vì thế, đồng nghĩa với sự an toàn.
Theo một cách nào đó, đây chính là định nghĩa của nhiễu tâm. Việc trốn chạy nguy hiểm và kiếm tìm an toàn một cách khiên cưỡng đã đưa bước người đi đường đến với một tình huống còn nguy hiểm và liều lĩnh hơn. Họ cuối cùng đã chọn một mối nguy trước mắt thay vì một mối nguy còn chưa xuất hiện.
Trở lại với Jeremy.
Jeremy, tầm bốn mươi tuổi, đến trị liệu tâm lý vào thời điểm khó khăn nhất trong sự nghiệp của anh. Anh gầy dựng một công ty riêng nhưng lại thất bại. Sau cùng, anh chẳng biết mình sẽ phải làm gì. Anh đã giành phần lớn đời mình chuẩn bị làm một điều gì đó thật quan trọng, thu thập nhiều bằng cấp cao từ những trường đại học danh tiếng. Nhưng lúc này, khi bước vào tuổi trung niên, anh trở nên lạc lối, không có danh tiếng nghề nghiệp cũng chẳng có điều gì để thuật lại về đời mình. Anh cảm thấy văn bằng không đem lại cho anh những kỹ năng thực tế cần có để thành công. Trong suy nghĩ của mình, anh chỉ là một kẻ bịp bợm. Hơn nữa, anh còn nhìn bản thân như một người không thể kiểm soát và sử dụng những gì anh không biết.
Một trong những chiến lược đối phó với nỗi sợ thất bại của anh là quăng mình vào thật nhiều dự án cùng một lúc. “Cố quá thành quá cố”, anh hứa thật nhiều, cam kết thật nhiều để rồi cuối cùng lại làm những đồng nghiệp đặt niềm tin nơi anh phải thất vọng. Trớ trêu thay, để bảo vệ bản thân trước những nguy cơ thất bại, anh lại chọn cách lao mình thẳng vào những thất bại đó.
Huyễn tưởng về trị liệu của Jeremy là nó sẽ đem lại cho anh sự tự tin và can đảm cần để chinh phục thế giới. Hay ít nhất là để kiếm ra tiền. Chúng tôi đã giành phần lớn thời gian để tìm hiểu mối quan hệ của anh và người cha, một nhân vật thông minh, vĩ đại, người luôn bắt nạt và xem thường vợ con mình. Ông xem Jeremy như là đứa luôn lo lắng và sợ hãi như mẹ của anh, thay vì là người mạnh mẽ, gan dạ như chính ông.
Trong suốt năm đầu tiên trị liệu, Jeremy tự nguyện làm việc tại công ty kỹ thuật mà cha anh đã xây dựng. Jeremy đến trị liệu hết buổi này đến buổi khác, phiền trách cha mình đã phỉ báng và phớt lờ anh trong bất kỳ nhiệm vụ nào anh được giao: huy động vốn, nộp hồ sơ xin bản quyền, thuê mướn nhân viên. Jeremy biết trước những điều này sẽ xảy ra, vậy tại sao anh vẫn đâm đầu vào?
Chúng ta có thể hiểu được lựa chọn của Jeremy từ nhiều góc độ khác nhau. Trong đó, một cách nhìn là anh đang cố gắng sửa chữa mối quan hệ cha-con chưa bao giờ được gắn kết. Một quan điểm khác là dù nhận thức tất cả những nguy cơ, anh vẫn chọn việc ở lại trong gia đình thay vì phải đánh cược với một thế giới tràn ngập những khả năng anh còn chưa biết.
Vào chính ngày hôm ấy, Jeremy trông kích động hơn bình thường. “Từ lần gặp trước, có rất nhiều chuyện xảy ra với tôi,” anh nói, “Tôi bây giờ là một mớ hỗn độn.”
Trong đầu tôi xuất hiện hàng đống những giả thuyết. Anh ta bị đuổi việc? Anh ta gặp vấn đề về sức khỏe? Có ai qua đời chăng?
Hóa ra, công ty của anh và cha anh nhận được phản hồi rằng sản phẩm của họ hoạt động tốt hơn kì vọng. Đó là bước tiến quan trọng, đảm bảo cho việt họ sẽ nhận được thêm nhiều tài trợ cho dự án. Công ty nay đã hoạt động thực thụ và trở nên rất có giá trị. Rất có thể năm tới nó sẽ được mua lại với giá cao và lúc đó cha con họ sẽ có dịp chúc mừng nhau vì đã hợp tác thành công.
Tuy nhiên Jeremy lại rất hoang mang. “Chúng tôi đã đạt được những gì chúng tôi muốn, điều đó rất tuyệt, thật sự rất đáng kinh ngạc,” anh nói, “Nhưng tại sao tôi lại cảm thấy kinh khủng như thế này?”
Đây là một miền đất lạ với Jeremy và anh đang rất sợ hãi. Anh bị gắn chặt với cảm giác vô dụng và mắc kẹt với một mối quan hệ “tưởng chừng không bao giờ có” với cha mình. Nếu anh để bản thân nếm mùi chiến thằng và rồi tất cả lại đổ vỡ thì sao? Bây giờ anh lại có quá nhiều thứ để mất. Thậm chí mọi việc còn có thể tệ hại hơn, nếu anh có được mọi thứ anh muốn thì sao? Rồi anh sẽ là ai? Anh không biết phải dung nạp một nhân dạng thành công và một hình ảnh đứa con “đáng giá” mới này như thế nào. Tuy nhiên, anh vẫn mong muốn có được chúng dù việc này sẽ mang đến một cảm giác mất mát kì lạ: Đây không phải là “bản thân” mà anh vẫn biết.
Tín hiệu đèn xanh nay đang nhấp nháy gọi mời Jeremy bước qua đường. Nhưng anh lại trở nên tê liệt.
Bài hát “Me and Bobby McGee” diễn tả rất đúng trường hợp này: “Freedom’s just another word for nothing left to lose.” – “Tự do chỉ là một cách nói khác của việc không còn gì để mất.” Chúng ta ai cũng sợ hãi những gì mình có thể dễ dàng đánh mất, dù là địa vị nghề nghiệp hay ai đó để yêu thương. Chúng ta bị mắc kẹt trong một tình huống tiến thoái lưỡng nan. Theo đuổi những điều tốt đẹp có thể khiến ta sợ hãi nhưng từ chối chúng lại có thể trở nên vô cùng nguy hiểm.


TRANG PHỤC ẢNH HƯỞNG ĐẾN TƯ DUY CỦA BẠN RA SAO?

Trang phục phù hợp cho phỏng vấn

Hẳn chúng ta đã biết quần áo ảnh hưởng đến cách người khác nhìn nhận chúng ta ra sao; khi đi phỏng vấn, dù bạn có giỏi giang và tài năng như thế nào nhưng quần áo tuềnh toàng chắc hẳn sẽ khiến “sếp” tương lai đặt dấu chấm hỏi về tham vọng làm việc của bạn.

Tuy nhiên, quần áo không chỉ dừng lại ở việc định hình cách nhìn của mọi người đối với bạn. Một nghiên cứu mới của các nhà tâm lý tại ĐH Bang California và ĐH Columbia cho thấy quần áo còn có thể ảnh hưởng đến chính suy nghĩ của bạn.

Xuyên suốt 5 thực nghiệm, các tác giả Michael Slepian, Simon Ferber, Joshua Gold và Abraham Rutchick đã phát hiện rằng việc cố gắng gây ấn tượng bằng trang phục còn giúp nâng cao khả năng tư duy trừu tượng của cá nhân.

Các nhà nghiên cứu viết, “Trang phục nghiêm túc không chỉ ảnh hưởng đến cách người khác nhìn nhận cá nhân và cách cá nhân nhìn nhận bản thân mà còn tác động đến việc ra quyết định thông qua những ảnh hưởng lên cách thức xử lý.”

Slepian và đồng sự quan tâm nghiên cứu đến cách thức quần áo chỉnh tề, tương tự như ngôn ngữ, tạo ra khoảng cách về tâm lý và xã hội giữa con người như thế nào. Ví dụ, chúng ta thường nhắc đến một người không thân thiết bằng chức danh của họ, thay vì bằng tên, ngay cả khi ta và người đó có cùng địa vị xã hội.

Các nghiên cứu mới đây cho thấy khoảng cách xã hội thể hiện qua hành vi lịch sự có thể làm tăng khả năng tư duy trừu tượng; ví dụ, một nghiên cứu cho thấy khi yêu cầu người tham gia nhắc đến ai đó một cách lịch sự, họ thường sẽ sử dụng ngôn ngữ trừu tượng nhiều hơn. Về bản chất, những sự kiện mang “khoảng cách” về tâm lý thường được nhìn nhận theo hướng trừu tượng hơn, trong khi những sự kiện “gần gũi” thường được cân nhắc cụ thể hơn.

Trang phục nghiêm túc thường được sử dụng trong những bối cảnh không thân mật – điều này khiến cho chúng trở nên kiểu y phục mang “khoảng cách xã hội”.

“Cụ thể hơn, vì trang phục chỉnh tề gắn liền với việc gia tăng khoảng cách xã hội, chúng tôi cho rằng chúng cũng sẽ củng cố tiến trình nhận thức trừu tượng,” các nhà khoa học viết trên tạp chí Social Psychological and Personality Science.

Trong một chuỗi thực nghiệm, các sinh viên mang quần áo bình thường được yêu cầu đánh giá mức độ “nghiêm túc” của y phục họ đang mang so với bạn bè mình. Sau đó họ sẽ thực hiện một loạt các trắc nghiệm được chuẩn hóa nhằm đo đạc phong cách xử lý nhận thức của họ.

Nhóm nghiên cứu đưa cho sinh viên một danh sách các hành động và họ được yêu cầu chọn lựa giữa cách giải thích trừu tượng và cụ thể cho mỗi hành động. Ví dụ, “bỏ phiếu” có thể được mô tả theo nghĩa trừu tượng là “làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử” hay được diễn dịch theo nghĩa cụ thể hơn là “đánh dấu vào người mình chọn”.

Ngay cả sau khi kiểm soát các yếu tố về kinh tế xã hội, những sinh viên mang quần áo lịch sự hơn vẫn cho thấy khuynh hướng xử lý trừu tượng nhiều hơn.

Trong một thực nghiệm khác, 54 sinh viên đại học được yêu cầu mang đến phòng thực nghiệm hai bộ quần áo để phục vụ nghiên cứu “giả mạo” về việc cách con người hình thành ấn tượng dựa trên trang phục. Một bộ trang phục sẽ là trang phục chỉnh tề để đi phỏng vấn và bộ còn lại là bộ đồ bình thường các bạn mặc đi học. Những người tham gia sau đó sẽ được chỉ định ngẫu nhiên để mặc một trong hai bộ đồ trên.

Tiếp theo, các sinh viên sẽ hoàn thành một trắc nghiệm về xử lý nhận thức nhằm xác định xem liệu họ chú ý đến bức tranh tổng thể hay đến những chi tiết nhỏ nhặt. Sau khi xem qua một loạt các chữ cái lớn được hình thành từ nhiều chữ cái nhỏ (chữ L hay H lớn được hình thành từ 8 chữ L và H nhỏ hơn), nghiệm thể cần phải xác định xem mỗi hình trên là một chữ cái lớn hay là chuỗi các chữ nhỏ.

Đúng như dự đoán, những ngườit ham gia mặc quần áo nghiêm túc thường xử lý thông tin một cách toàn diện (nhìn ra chữ lớn) nhiều hơn xử lý cục bộ (nhiều chữ cái nhỏ) so với những sinh viên mang quần áo “bụi bặm”.

Cách thức xử lý có thể ảnh hưởng đến nhiều thành tố quan trọng tại nơi làm việc, từ cách con người ra quyết định cho tới cách tập trung vào công việc. Tuy nhiên, hãy khoan vứt bỏ những bộ quần áo bình thường, các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng cần có những nghiên cứu tiếp theo với lượng mẫu lớn hơn, đa dạng hơn để hiểu rõ mức độ y phục chỉn chu ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta.

Tài liệu tham khảo
Slepian, M. L., Ferber, S. N., Gold, J. M., & Rutchick, A. M. (2015). The Cognitive Consequences of Formal Clothing. Social Psychological and Personality Science. doi: 10.1177/1948550615579462




TẠI SAO TRẺ CẦN LÀM VIỆC NHÀ? LÀM SAO ĐỂ TRẺ LÀM VIỆC NHÀ?

Cách giúp trẻ làm việc nhà
Jennifer Breheny Wallace

Có vẻ như ngày nay những đòi hỏi về thành công “có thể đo đạc được” nơi trẻ - từ những kỹ năng cơ bản cho đến việc thi vào các trường Đại Học – đang khiến cho những “công việc nhà” gần như biến mất khỏi danh sách hoạt động của các em. Trong một khảo sát trên 1001 người trưởng thành tại Hoa Kỳ của Braun Research, 82% cho biết họ lớn lên với công việc nhà, nhưng chỉ 28% trong số họ yêu cầu chính con mình làm điều tương tự. Học sinh chịu không ít áp lực từ việc học thêm, tham gia các câu lạc bộ hay việc phải có được tấm vé vào đại học, những hoạt động “làm đẹp CV” có vẻ như đang giết chết công việc nhà – mặc dù chẳng rõ những hoạt động ấy liệu có giúp các bạn sử dụng thời gian của mình tốt hơn hay không.

“Cha mẹ ngày nay muốn con mình giành thời gian cho những thứ giúp mang lại thành công cho các em, nhưng trớ trêu thay, chúng ta lại ngưng làm một việc đã được minh chứng là chỉ báo của thành công – đó chính là làm việc nhà” Richard Rende, nhà tâm lý học phát triển thuộc Paradise Valley, Arizona, cho biết. Thật vậy, những nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua cho thấy công việc nhà đem lại rất nhiều lợi ích khác nhau – từ học thuật, cảm xúc cho tới cả ngành nghề tương lai.

Theo một nghiên cứu của Marty Rossmann, giáo sư danh dự tại ĐH Minnesota, cho trẻ làm việc nhà ngay từ khi các em còn bé giúp đem lại cho các em cảm giác có trách nhiệm, quyền hành và tự lực lâu dài. TS Rossmann đã phân tích dữ liệu từ một nghiên cứu chiều dài theo sát 84 trẻ xuyên suốt 4 giai đoạn cuộc sống của các bạn –từ mẫu giáo, đến lúc tuôi 10 và 15, và cuối cùng vào giữa những năm tuổi 20. Bà nhận thấy khi so sánh với những bạn không làm việc nhà hay chỉ bắt đầu làm khi vào tuổi “teen”, những bạn bắt đầu làm việc nhà từ lúc 3,4 tuổi khi lớn lên thường có mối quan hệ tốt với bạn bè và gia đình, đạt được thành công trong học tập và nghề nghiệp, đồng thời các bạn cũng độc lập hơn.

Tâm lý gia Richard Weissbourd thuộc Cao học Giáo dục Harvard còn ghi nhận, công việc nhà cũng dạy cho các bạn cách thấu hiểu và đáp trả những nhu cầu của người khác. Trong một nghiên cứu vào năm vừa qua, ông cùng nhóm nghiên cứu đã khảo sát 10000 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, trong đó, yêu cầu các bạn xếp hạng những điều các bạn trân trọng: thành công, hạnh phúc hay việc quan tâm đến người khác.

Gần 80% lựa chọn thành công và hạnh phúc thay vì quan tâm đến người xung quanh. Tuy nhiên, Weissbourd cũng chỉ ra rằng nghiên cứu cho thấy hạnh phúc cá nhân tùy thuộc nhiều nhất vào mức độ mối quan hệ chứ không phải vào thành công cao hay thấp. Ông nói “Chúng ta đang bị mất cân bằng”. Ông cho rằng một trong những cách tích cực để điều chỉnh những ưu tiên trên là học cách trở nên tử tế và hữu ích ngay từ gia đình.

Theo tâm lý gia Madeline Levine, nếu lần tới mà con bạn muốn bỏ việc nhà để làm bài tập, hãy cưỡng lại mong muốn “giải thoát” chúng. Việc bỏ qua việc nhà vì chú tâm tranh đua học tập sẽ đưa đến cho trẻ một thông điệp rằng điểm số và thành công thì quan trọng hơn yêu thương và quan tâm người khác. Bà nói “Những điều có vẻ nhỏ nhoi trong giây lát lại có thể tích góp lại thành lớn lao về sau này.”

Dưới đây  là một trong những cách tốt nhất để khuyến khích trẻ làm việc nhà
Cẩn thận với lời nói của bạn. Trong một nghiên cứu với 149 trẻ từ 3 đến 6 tuổi, các nhà nghiên cứu phát hiện việc cảm ơn trẻ vì đã là “người giúp đỡ”, thay vì chỉ đã “giúp đỡ”, sẽ làm tăng mong muốn chung tay giúp sức của trẻ. Các em được thúc đẩy bởi ý tưởng xây dựng cho mình một nhân dạng tích cực-được biết đến như một người thích giúp đỡ.

Lên lịch làm việc nhà. Hãy viết công việc nhà lên lịch, kế bên giờ học thêm hay giờ chơi thể thao, và hãy duy trì chúng cách đều đặn.

Biến việc nhà thành trò chơi. Giống chơi điện tử, hãy bắt đầu bằng những level thấp và cho trẻ đạt được những cấp độ trách nhiệm cao hơn, bắt đầu từ sắp xếp quần áo và “lên cấp” trở thành người điều chỉnh máy giặt.

Tách biệt tiền tiêu vặt và công việc nhà. Nghiên cứu cho thấy những phần thưởng bên ngoài có thể làm giảm hiệu quả công việc và động lực bên trong. Với công việc nhà, các nhà tâm lý cho rằng tiền bạc có thể làm giảm động lực giúp đỡ của trẻ, biến một hành động vị tha thành một giao dịch đổi chác.

Kiểu nhiệm vụ cũng quan trọng. Để tạo dựng những hành vi tích cực như thấu hiểu, việc nhà cần phải thành thói quen và tập trung vào việc quan tâm đến gia đình (như quét phòng khách hay giặt đồ của mọi người), chứ không chỉ quan tâm đến bản thân (tự dọn phòng hay tự giặt đồ). Các nhà tâm lý còn nói thêm rằng để trẻ lựa chọn nhiệm vụ cũng khiến các em tham gia nhiều hơn.

Nói về việc nhà theo một cách khác.Để hợp tác tốt hơn, thay vì nói “Lam việc nhà di!”, TS. Rende sẽ nói “Hãy cùng làm việc nhà của chúng ta”. Điều này cho thấy việc nhà không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là một cách quan tâm đến người khác.

PR cho việc nhà. Đừng gắn việc nhà với hình phạt. Luôn nói về việc nhà, kể cả của bạn, theo một cách tích cực, hay ít nhất là không tiêu cực. Nếu bạn mà còn than phiền về việc dọn chén bát thì con bạn cũng sẽ làm y như thế.

http://www.wsj.com/articles/why-children-need-chores-1426262655?KEYWORDS=why+children+need+chore

10 HÀNH ĐỘNG NHỎ CÓ KHẢ NĂNG CẢI THIỆN HIỆU QUẢ LÀM VIỆC CỦA BẠN

Phương pháp giúp bạn thành công, hạnh phúc

Các nghiên cứu tâm lý cho thấy những hành động đơn giản có thể đem lại sức mạnh, tăng sự thuyết phục, nâng cao thấu hiểu, thúc đẩy nhận thức và nhiều hơn thế
Chúng ta thường nghĩ ngôn ngữ cơ thể là cách chúng ta biểu hiện những trạng thái nội tâm ra thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, điều này vẫn đúng theo hướng ngược lại: tư thế của cơ thể cũng tác động đến tâm trí chúng ta.
Những nghiên cứu tâm lý dưới đây sẽ cho các bạn thấy cách chúng ta chuyển động cũng ảnh hưởng lên suy nghĩ và cảm xúc, đồng thời nó còn thúc đẩy hiệu suất hoạt động của con người.

1. Tư thế đem lại năng lượng
Nếu bạn muốn cảm thấy mình có nhiều năng lượng hơn, hãy làm theo tư thế sau đây. Carney và cộng sự (2010) phát hiện rằng khi chúng ta đứng hay ngồi trong một phút với tư thế dang rộng chân tay cùng những cử chỉ “mở rộng” hướng ra ngoài, chúng ta không chỉ cảm thấy có nhiều năng lượng hơn mà chính lượng testosterone trong cơ thể cũng tăng lên. Vì tư thế “năng lượng” yêu cầu nhiều khoảng không nên bạn hãy duỗi cả cơ thể và mở rộng chân tay. Khi bạn làm chủ không gian, tâm trí bạn sẽ nhận tín hiệu và làm phần còn lại.

2. Căng cơ bắp làm tăng ý chí
Gồng cứng các cơ bắp có thể giúp làm tăng ý chí. Trong một chuỗi 5 nghiên cứu, Hung và Labroo (2011) nhận thấy rằng việc căng cứng các cơ bắp giúp làm tăng khả năng chịu đau, “cự tuyệt” với sự mời gọi của thức ăn, chịu đựng “vị đắng” của thuốc men và làm tăng khả năng chú ý vào các thông tin gây khó chịu. Vì vậy, nếu bạn cần nâng cao ý chí của bản thân, hãy gồng cứng các cơ bắp của bạn.

3. Bắt chéo tay nâng cao kiên trì
Nếu bạn bị mắc kẹt trong một vấn đề đòi hỏi sự kiên trì, hãy thử khoanh hai tay lại. Friedman và Elliot (2008) đã cho những người tham gia vào nghiên cứu làm hành động tương tự và nhận thấy rằng nghiệm thể có thể làm việc lâu hơn trước những câu đố phức tạp. Thực tế là lâu hơn gấp đôi thời gian thông thường! Và tính kiên trì cũng dẫn tới nhiều phương án chính xác hơn!

4. Nằm xuống để suy ngẫm
Nếu khoanh tay vẫn còn chưa đủ, hãy thử nằm xuống. Khi Lipnicki và Byrne (2005) cho những người tham gia nằm xuống lúc giải đố, tốc độ hoàn thành của họ nhanh hơn hẳn. Vì giải đố thật ra là một kiểu vấn đề đòi hỏi sự tự suy ngẫm, hành động này có lẽ có thể giúp bạn đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo hơn.

5. Chợp mắt nhanh giúp hoạt động hiệu quả
Nếu bạn đã nằm xuống, sao không thử ngủ một giấc? Chợp mắt là cả một nghệ thuật. Chợp mắt quá lâu, bạn sẽ trở nên mệt mỏi, lừ đừ. Chợp mắt quá ít thì chẳng có gì thay đổi. Vậy đâu là điểm “chuẩn”?
Brooks và Lack (2005) so sánh 5, 10, 20 và 30 phút chợp mắt nhằm tìm ra xem chợp mắt bao lâu là tốt nhất. Kết quả cho thấy, để làm tăng hiệu suất nhận thức, sức khỏe và sự tỉnh táo, chợp mắt trong 10 phút là giải pháp tối ưu. Những lợi ích trên có thể được quan sát ngay sau khi chợp mắt trong 10 phút, nếu ngủ lâu hơn, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để thức giấc. Chợp mắt 5 phút cũng chỉ mang lại một nửa các ích lợi trên, nhưng thà có còn hơn không!

6. Cử chỉ giúp thuyết phục
Cách chúng ta “chém gió” – cử điệu của bàn tay khi đưa ngang khoàng không – không chỉ đơn thuần là sản phẩm “phụ” của quá trình giao tiếp. Maricchiolo và cộng sự (2008) chứng minh rằng cử điệu tay giúp làm tăng sức mạnh thuyết phục của thông điệp so với khi chúng ta không “chém gió”. Những cử chỉ mang nhiều tính thuyết phục nhất là các điệu bộ giúp làm rõ những gì bạn đang nói. Ví dụ, chỉ tay ra phía sau khi bạn nói về chuyện trong quá khứ.

7. Và điệu bộ giúp học tập
Cử chỉ không chỉ giúp chúng ta thuyết phục người khác, nó còn giúp chúng ta suy nghĩ. Trong một nghiên cứu trên trẻ em, Cook và đồng sự (2007) phát hiện ra rằng những trẻ được khuyến khích làm điệu bộ khi học sẽ nhớ những nội dung chúng được học nhiều hơn. Cử động tay có vẻ có thể giúp chúng ta học tốt hơn.

8. Mỉm cười để hạnh phúc
Chỉ riêng hành động mỉm cười thôi cũng có thể khiến bạn cảm thấy hạnh phúc. Strack và cộng sự (1988) đã cho các nghiệm thể ngậm bút sao cho các cơ phụ trách hành động “cười” phải hoạt động, hay ngược lại. Những người có các “cơ cười” được kích hoạt thường đánh giá các truyện hoạt họa là hài hước hơn so với những người mà “cơ cười” không hoạt động. Vậy, ép mình cười cũng có thể là một cách giúp chúng ta nhìn đời tươi sáng hơn.

9. Bắt chước mang lại thấu hiểu
Nếu bạn muốn bước vào thế giới tâm trí của ai, hãy thử sao chép hành vi của người đó. Những người thấu hiểu tốt thường thực hiện chiến lược này một cách tự động: bắt chước giọng nói, tư thế, cách thể hiện, v.vNếu bạn có thể bắt chước, bạn sẽ có thể tự mình cảm nhận và có “manh mối” về những gì người kia đang cảm nhận. Đây là điều mà các diễn viên đã biết từ lâu: bắt chước là cách mô phỏng tuyệt vời những trạng thái cảm xúc của người khác.

10. Bắt chước đem lại thông hiểu
Việc bắt chước người khác có thể giúp chúng ta hiểu được cả cảm xúc và suy nghĩ của người khác. Trong một thực nghiệm của Adank (2010), những người tham gia cảm thấy mình hiểu được giọng nói của một vùng miền khác dễ dàng hơn nếu họ thử bắt chước giọng nói đó. Một vài nhà tâm lý khác còn tiến xa hơn, Pickering & Garrod, (2007) thậm chí còn cho rằng việc bắt chước người khác có thể giúp chúng ta dự đoán những điều họ sắp làm.

Nhận thức cơ thể
Nhiều nghiên cứu trong danh sách trên ủng hộ lý thuyết “Nhận thức cơ thể” về con người. Lý thuyết này cho rằng chúng ta không chỉ suy nghĩ với tâm trí mà còn suy ngẫm bằng chính cơ thể của mình. Tâm trí chỉ là một bộ não đặt trong một chiếc lọ, nó được nối kết với một cơ thể chuyển động trong môi trường.
Với cuộc sống “ảo” ngày càng phát triển trên những màn hình điện tử đủ kích cỡ, chúng ta cần nhắc nhớ rằng cơ thể và tâm trí có một mối liên hệ hai chiều. Trí tuệ của con người vượt khỏi khả năng xử lý trừu tượng đơn thuần; nó còn là tương tác giữa tâm trí, cơ thể và thế giới xung quanh chúng ta.

BỊ BÓP NGHẸT DƯỚI ÁP LỰC VÀO THỜI ĐIỂM QUAN TRỌNG: MỘT GÓC NHÌN TÂM LÝ

Vượt qua áp lực trong thời điểm quan trọng

Cảm thấy ngột ngạt, gục ngã, thất bại khi gặp phải những tình huống căng thẳng là điều khá thường thấy. Tuy nhiên, những cơ chế tâm lý nằm bên dưới hiện tượng “quen thuộc” này lại vẫn còn rất “kì bí”. Vì vậy, các nhà khoa học tại ĐH Johns Hopkins và Viện Công nghệ California đã quyết định cùng nhau tìm hiểu điều gì diễn ra trong não bộ khi một người gặp phải hiện tượng này. 

26 người tham gia vào nghiên cứu được cho tập chơi một trò chơi đánh cược điện tử trong lúc được chụp hình não bằng máy quét cộng hưởng từ M.R.I. Các nhà nghiên cứu đưa cho mỗi nghiêm thể $100 tiền thật mà họ có thể kiếm thêm hay mất đi bớt trong lúc chơi; trước mỗi lần chơi, các nhà nghiên cứu sẽ nêu ra một con số từ $0 đến $100 làm mức “cược”. Tuy nhiên, để làm tăng nhiều nhất có thể mức áp lực trong lúc chơi, nhóm nghiên cứu thông báo cho các nghiệm thể là chỉ một lần chơi được lựa chọn ngẫu nhiên trong hàng trăm lượt chơi sẽ quyết định mức tiền họ thắng hay thua. M.R.I sẽ ghi nhận lại hoạt động não của người chơi, đặc biệt là tại vùng vân bụng (ventral striatum)-phần não có liên hệ đến hiệu năng thể lý của con người. Sau đó, để xác định mức độ “ghét thất bại” của người tham gia – mức độ họ phản ứng với viễn tưởng thắng hay thua của mình, nghiệm thể sẽ được cho tham gia đánh cược trong một trò chơi tung đồng xu giả lập.

Kết quả vô cùng bất ngờ. Khi đang có cơ hội thắng, những nghiệm thể có mức “ghét thất bại” cao cho thấy mức hoạt động tăng cao trong vùng vân bụng, và hiệu suất chơi của họ cho thấy nhiều cải thiện. Nhưng khi đối diện với cơ hội thắng $100, hiệu quả hoạt động của họ giảm đột ngột. Họ bị bóp nghẹt dưới áp lực. Trong khi nhóm còn lại, những người có mức “ghét thất bại” thấp – những người đáng lẽ không bị bối rối bởi viễn cảnh mất tiền – tuy luôn chơi tốt trong mọi lần chơi, lại gặp khó khăn khi bị đẩy vào tình thế có thể mất $100. Và kể từ đó, họ bắt đầu bị bóp nghẹt.

Những người được cho rằng rất ghét thất bại chỉ cảm thấy bị bóp nghẹt trước khó khăn khi có cơ hội thắng; còn những người đáng lẽ không lo thua lỗ, lại chỉ ngã gục khi đối mặt với thất bại.
Vikram S.Chib, phó giáo sư Kỹ sư Y sinh tạ ĐH John Hopkins, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết “Tôi biết rằng kết quả đi ngược lại những gì chúng ta suy nghĩ. Nhưng nó cho thấy cách thức mỗi người hình dung tình huống ‘gây áp lực’, và dù họ chú trọng đến thắng hay thua, điều này đều ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động”.
Có lẽ trong chúng ta có những người không thích thua lỗ nhưng cũng rất sợ việc thất bại khi cố “kiếm lời”, vì vậy chúng ta không xem cơ hội có được $100 như là vận may giúp kiếm thêm nhưng lại là một nguy cơ “mất tiền” khổng lồ. Ngược lại, những người không lo thất bại lại không sao chịu được việc mất đi những gì họ đã có. Tuy nhiên, TS Chib cho rằng những lý giải trên hiện vẫn còn mang tính phỏng đoán. Ông và cộng sự hi vọng những thực nghiệm đang được hiện sẽ đem lại nhiều lời giải thích chi tiết và rõ ràng hơn.
Hiện giờ, giải pháp thực tiễn nhất có lẽ là tìm ramức độ chịu đựng thất bại của bạn và xác định những tình huống gây sức ép tương ứng. Bạn có thể sẽ tránh được việc bị bóp nghẹt bởi áp lực dễ dàng hơn nếu biết được mối liên hệ phức tạp của bản thân với khả năng thành công.


THAY ĐỔI CÁCH NGHĨ VỀ THỜI GIAN GIÚP HẠN CHẾ SỰ TRÌ HOÃN

Quản lý thời gian - Tránh trì hoãn

OLGA KHAZAN MAY 12, 2015

Trì hoãn đang bòn rút rất nhiều từ bạn. Nhiều nhà tâm lý nghĩ rằng lý do khiến chúng ta khó tiếp cận với các mục tiêu là vì bản thân tin rằng trong chúng ta có hai con người: Tôi Hiện tại và Tôi Tương lai. Và với nhiều người, Tôi Tương lai thường kém quan trọng hơn Tôi Hiện tại rất nhiều. Tôi Hiện tại trông có vẻ như là Tổng Giám đốc của Công ty TNHH TÔI, trong khi Tôi Tương lai nhìn chỉ giống nhân viên quèn mà thôi.

“Không chỉ đơn giản là trì hoãn sự hài lòng, ‘con người’ thường cư xử thể như họ coi trọng những nhu cầu và ước muốn của bản thân trong hiện tại nhiều hơn những điều tương tự trong tương lai”, tâm lý gia Neil Lewis thuộc ĐH Michigan và Daphna Oyserman thuộc ĐH Nam California viết trong một nghiên cứu mới trên Psychological Science. Tại sao lại phải gửi tiền vào quỹ lương hưu trong khi bạn đang rất muốn mua đôi giày đó ngay bây giờ? Tại sao phải nhịn ăn hôm nay trong khi sáu tuần nữa bạn mới cần mặc áo dài?

Oyserman và Lewis tự đặt câu ra câu hỏi: Nếu con người có thể nhìn hình ảnh bản thân trong tương lai liên hệ đến bản thân trong hiện tai nhiều hơn thì sao? Nếu Tôi Hiện tại có khả năng hình dung chính xác cảm nhận của Tôi Tương lai vào thời gian trước khi hết hạn nộp bài làm, liệu Tôi Hiện tại có sẵn sàng bắt đầu làm việc không?

Qua một loạt các thực nghiệm, Oyserman và Lewis phát hiện ra rằng nếu chủ thể nghĩ về một sự kiện tương lai sẽ diễn ra theo thước đo ngày, thay vì tháng hay năm, họ sẽ cảm thấy sự kiện đó diễn ra sớm hơn rất nhiều. Ví dụ, các tác giả viết, đám cưới của một người bạn “có vẻ sẽ diễn ra sớm hơn 16,3 ngày nếu tính theo ngày thay vì theo tháng, và sớm hơn 11,4 tháng nếu tính theo tháng thay vì tính theo năm.”

Thời gian đợi trước khi bắt đầu để giành tiền (Psychological Science)

Trong một chuỗi các nghiên cứu theo sau, các nhà khoa học muốn xác định xem liệu nghiệm thể có quyết định hành động sớm hơn hay không nếu họ được cho biết sự kiện sẽ diễn ra trong X ngày thay vì (X/365) năm. Ví dụ, người tham gia được yêu cầu sẽ tưởng tượng rằng mình mới sinh con và con của họ sẽ bắt đầu học đại học trong vòng 18 năm hoặc 6570 ngày nữa. Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng những nghiệm thể bên nhóm “ngày” sẽ lên kế hoạch bắt đầu tiết kiệm sớm hơn nhóm “năm” gấp bốn lần, ngay cả sau khi đã kiểm soát thu nhập, tuổi tác và khả năng tự kiểm soát.

Hóa ra, nghĩ về những sự kiện xa xôi tính theo ngày có thể khiến chúng ta cảm nhận nhiều hơn cái Tôi trong tương lai – cái Tôi mà xét cho cùng cũng có cùng những ước muốn và nhu cầu trong hiện tại.





TÁO HAY KEM? LÝ GIẢI CƠ CHẾ CỦA VIỆC ĂN UỐNG KHỎE MẠNH.

Làm sao ăn kiêng hiệu quả?

Bạn đang cố giảm cân nhưng cơn thèm ăn vẫn tấn công bạn vào buổi tối. Hãy tưởng tượng, bạn vào bếp, mở tủ lạnh, thấy táo và lê. Có thể bạn sẽ suy nghĩ một tẹo xem nên ăn cái nào, nhưng cũng chẳng phải là quá đau đầu để lựa chọn vì cả hai đều khá ngon và tốt cho sức khỏe.
Nhưng sẽ ra sao nếu trước mặt bạn là một quả lê và một ly kem sô-cô-la? Bây giờ bạn mới thật sự phải đưa ra lựa chọn, vì không còn đơn giản chỉ là…táo với lê nữa. Không có nghi ngờ gì, lê thì chắc chắn là tốt hơn cho sức khỏe nhưng vị ngọt và béo của kem lại chẳng buông tha bạn tí nào. Bạn đưa ra hàng tỉ các tiêu chí để so sánh cả hai và cuối cùng không biết phải quyết định ra sao.
Rất rất nhiều người đang cố ăn kiêng sẽ ngã lòng trước tình huống này. Và đó là lý do của tình trạng béo phì ở một bộ phận dân số hiện nay. Nhưng tại sao? Vì sao ngay cả khi chúng ta biết được lợi và hại, biết được rằng mình nên ăn cái gì thì việc ăn kiêng vẫn khó khăn đến thế? Và tại sao một số người lại có khả năng tự kiểm soát tốt hơn những người khác?
Nếu đơn giản chỉ nói là do có người có nhiều quyết tâm hơn người khác thì chẳng nói làm gì. Vậy tại sao họ lại có khả năng đánh giá tốt hơn? Điều gì xảy ra trong cấp độ nhận thức nền tảng nhất giúp đưa đến những quyết định chế độ ăn tích cực và tiêu cực?
Một nhóm các nhà khoa học tâm lý tại Caltech (Trường ĐH Công nghệ California) -- Nicolette Sullivan, Cendri Hutcherson, Alison Harris và Antonio Rangel – đã thử tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên bằng cách nghiên cứu những cơ chế nhận thức nằm bên dưới sự lựa chọn. Họ cho rằng có lẽ đường dẫn thần kinh về việc ra quyết định xử lý riêng rẽ từng đặc tính khác nhau của thức ăn. Cụ thể hơn, nhóm dự đoán rằng các đặc tính như mùi vị có thể được xử lý nhanh hơn những đặc tính trừu tượng như những lợi ích cho sức khỏe. Liệu một thứ căn bản như tốc độ xử lý có giúp giải thích những khó khăn trong việc tự kiểm soát chế độ ăn – và lý giải sự khác biệt trong ý chí của từng cá nhân?
Các nhà khoa học quyết định kiểm nghiệm ý tưởng này trong phòng thí nghiệm, sử dụng một công nghệ khá lạ. Họ yêu cầu các nghiệm thể đưa ra một loạt các quyết định “khó khăn” trong việc lựa chọn thức ăn – trái cây hay đồ ngọt. Trong lúc đó, nhóm sử dụng máy tính để theo dõi đồ thị của từng lựa chọn. Điều này cho phép nhóm nghiên cứu chỉ ra chính xác thời điểm mà mùi vị và suy nghĩ về lợi ích cho sức khỏe tham gia vào tiến trình ra quyết định. Các nhà khoa học đo đạc, đến từng phần ngàn giây, bất kỳ khác biệt nào về thời gian trong việc nghiệm thể đưa ra những cân nhắc, để tìm hiểu xem liệu việc được xử lý trước có giúp giải thích cho lý do tại sao mùi vị thường “thắng thế” trước sức khỏe khi chúng ta đưa ra lựa chọn.
Và theo như những gì mà bài báo trong tạp chí Psychological Sciencemô tả, dự đoán trên hoàn toàn chính xác.

Các nhà khoa học tìm ra rằng, trung bình một lượt lựa chọn, những đặc tính căn bản như mùi vị được xử lý nhanh hơn đặc tính về sức khỏe  khoảng 195 phần ngàn giây. Nghe có vẻ như chẳng là bao nhưng thật ra đó lại là một khoảng rất lớn khi tính đến việc lựa chọn tức thời. Thật vậy, khoảng cách trên có thể mang ý nghĩa là một số lựa chọn được đưa ra thậm chí cả trước khi những quan ngại về sức khỏe “bước” vào cuộc. Các nhà khoa học cũng tìm ra rằng những khác biệt về sự tự kiểm soát của từng cá nhân có liên hệ đến tốc độ mà mùi vị và quan tâm về sức khỏe được xử lý. Những lo lắng về sức khỏe càng đến chậm bao nhiêu so với mùi vị trong biểu đồ lựa chọn thì mức độ tự kiểm soát của cá nhân đó càng thấp.

Nếu việc chế độ ăn thất bại có nguyên nhân đến từ những khác biệt chi li về thời gian trong dẫn truyền thần kinh căn bản khi ra quyết định, đâu là những điều mà chúng ta cần rút ra? Nhìn chung, việc làm chậm các quyết định về chế độ ăn – đồng thời giảm phần thời gian dành cho việc đánh giá một mình mùi vị -- có thể dẫn đến những quyết định tích cực hơn. Tự kiểm soát có thể được cải thiện với những can thiệp giúp đẩy nhanh tốc tộ xử lý các thông tin sức khỏe. Ví dụ, trình bày các thông tin sức khỏe một cách nổi bật – như lượng calorie – có thể giúp xử lý nhanh hơn những thông tin trừu tượng, nhợ vậy những cân nhắc về sức khỏe có thể “ganh đua” hiệu quả hơn so với sự “quyến rũ” mãnh liệt và nhanh chóng đến từ mùi vị.

Béo phì có thể biểu hiện rõ mồn một trên từng cm lưng quần, nhưng các giải pháp về chế độ ăn có lẽ chỉ phụ thuộc vào từng phần ngàn giây khi ra quyết định.


TẠI SAO MỘT SỐ NGƯỜI KHÔNG THÍCH ĐƯỢC ĐỘNG VIÊN?

Trợ giúp người đau buồn
Một nghiên cứu mới cho thấy, một số người khi cảm thấy buồn bã thường thích “tìm kiếm sự chấp nhận tiêu cực” (Negative validation)
“Tìm kiếm sự chấp nhận tiêu cực” là cho người khác biết rằng những cảm xúc mà chủ thể đang có là rất bình thường và hợp lý trong tình huống đó.
Những người có mức độ tự tín (self-esteem: tin tưởng vào khả năng hay giá trị của bản thân) thấp thường thích sử dụng cách an ủi này, trái ngược với việc người khác đang cố gắng làm họ vui lên.
Giáo sư Denise Marigold, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết:
“Những người có mức tự tín thấp thường muốn những người thân cận nhìn họ như chính cách họ nhìn nhận bản thân.
Vì thế, họ thường phản đối việc bạn bè nhìn nhận họ theo cách tích cực, từ chối cái mà chúng tôi gọi là “thay đổi cách biểu đạt theo hướng lạc quan tích cực” cùng những khuyến khích cải thiện tình huống họ gặp phải.”
Những cách động viên tích cực trên là một phản ứng tự nhiên của con người nhằm cố gắng giúp đỡ “thay đổi” cách nhìn tình huống của một người đang gặp chuyện không vui.
Chúng ta sẽ muốn nhắc nhớ người kia về những khía cạnh tích cực trong cuốc sống và tình huống của họ.
Tuy nhiên, Giáo sư Professor Denise Marigold nói thêm:
“Nếu những nỗ lực chỉ ra ánh sáng của bạn vấp phải sự im lặng đến từ đám mây đen đang bao phủ người kia, những gì tốt nhất bạn có thể làm có lẽ chỉ là nhìn nhận những khó khăn họ gặp phải và bày tỏ sự đồng cảm.”
Đây có lẽ là lý do tại sao một số người cảm thấy rất khó khăn khi trợ giúp những người đang trầm uất.
Họ cảm thấy những cách thế thông thường họ đối diện với nỗi buồn-cố gắng động viên ai đó vui vẻ-  không còn hiệu lực nữa.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã ứng dụng những kịch bản giả thuyết, tương tác trong phòng thí nghiệm cùng nhiều ví dụ thực tế đời sống về các cách hỗ trợ mà chúng ta có thể nhận được.
Nhóm tìm ra rằng một số người nhận thấy việc giúp đỡ những người có mức tự tín thấp là cực kỳ khó khăn.
Không những chiến lược “động viên” của họ thất bại mà chính họ còn cảm thấy bản thân và mối quan hệ trở nên tệ hơn trước.
Như vậy, nên sử dụng đúng kiểu trợ giúp tương ứng với kiểu người phù hợp.
Những người có mức tự tín cao không hề cảm thấy “phiền toái” khi được động viên, tuy nhiên kiểu người ngược lại thì thường thích cách tiếp cận mang tính thấu cảm nhiều hơn.
Nghiên cứu được xuất bản trên the Journal of Personality and Social Psychology (Marigold et al., 2014).



TRẺ VỊ THÀNH NIÊN VÀ CÂU HỎI VỀ 3 ĐIỀU ƯỚC

Ước muốn của các bạn tuổi dậy thì

Việc hiểu được suy nghĩ của trẻ vị thành niên không hề dễ dàng tí nào. Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy chỉ cần đơn giản hỏi các bạn tuổi dậy thì về ước mơ của các bạn thôi cũng đã đem lại một góc nhìn vô cùng mới mẻ.
Câu hỏi: “Nếu bạn có ba điều ước, bạn sẽ ước gì?” là một trong những câu hỏi nằm trong bản hỏi được thiết kế để đưa cho các bệnh nhân tuổi dậy thì trước khi các bạn đến bác sĩ khám bệnh. Là một phần trong chương trình Hướng dẫn Các Dịch vụ Phòng bệnh cho Trẻ Vị Thành niên, khảo sát trên còn bao gồm những câu hỏi về lịch sử y khoa, sức khỏe, trường lớp, tính an toàn và việc sử dụng chất.
Các tác giả đã phân tích chủ đề những câu trả lời của 110 bệnh nhân vị thành niên tuổi từ 11 đến 18 về 3 điều các bạn muốn ước. Nhóm nghiên cứu cũng tìm hiểu xem các chủ đề đó liên quan như thế nào tới độ tuổi, giới tính, thu nhập gia đình, hoàn cảnh chủng tộc/sắc tộc của các bạn.
Kết quả cho thấy 85% các bạn tuổi dậy thì ước những điều ước cho bản thân mình, 32% ước cho người khác và 10% ước cho cả bản thân và người khác. Các bạn nam thường ước những điều dành riêng cho bản thân nhiều hơn các bạn nữ (73% so với 46%), trong khi đó, các bạn nữ thường dành điều ước cho gia đình nhiều hơn các bạn nam (26% so với 9%).
“Dù chúng ta có thể đoán trước được đa số các điều ước, một số điều ước đau buồn như ‘Em ước mẹ em khỏe hơn’ giúp nhắc nhớ chúng ta về giá trị của việc đặt những câu hỏi như thế này,” Bác sĩ – Thạc sĩ Y tế Công cộng – Nghiên cứu sinh thuộc Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ Eliana M. Perrin, tác giả nghiên cứu, cho biết.
Những chủ đề thường thấy nhất là ước được giàu có (41%), sau đó là ước được một món đồ gì đó như trò chơi điện tử hay xe hơi (31%). 20% các bạn vị thành niên dành điều ước cho thế giới (như hòa bình thế giới), và 17% ước mong cho gia đình, trường học hay thành công về mặt thể thao (như trở thành cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp).
Các bạn nam thường ước mong thành công trong khi các bạn nữ lại mong ước hạnh phúc nhiều hơn.
“Khác với những gì chúng tôi nghĩ khi bắt đầu nghiên cứu, chỉ 8% trẻ dậy thì có những mong ước về bề ngoài của mình, trong đó chỉ 4% mong mình ốm hơn,” BS Perrin cho biết.
Không có khác biệt trong các điều ước giữa những độ tuổi hay chủng tộc khác nhau, tuy nhiên, trẻ thuộc diện bảo hiểm tư lạihay ước về hòa bình thế giới hơn trẻ thuộc diện bảo hiểm công.
BS. Perrin chia sẻ, “Chúng ta thường hiếm khi nào tìm hiểu kỹ những điều ước của trẻ vị thành niên, nghiên cứu cùng bản sàng lọc này nhìn chung đã đem đến cho các bạn một tiếng nói. Tìm hiểu xu hướng điều ước qua nhiều thời kỳ có thể giúp định hình chính sách và giáo dục cho các bạn tuổi vị thành niên.”
Chủ nhiệm nghiên cứu Josh P. Boyd cho biết, “Thông qua nghiên cứu này, tôi nhận thấy rằng việc cho trẻ vị thành niên cơ hội để mô tả bản thân cùng những mục tiêu tương lai mang những giá trị lâm sàng rất quan trọng, đặc biệt là với những vấn đề về sức khỏe mà các bạn đang phải đối mặt.”
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu, còn bao gồm TS.Asheley Skinner, BS. Michael Steiner và BS. Tamera Coyne-Beasley, cũng có dự định tiến hành một nghiên cứu bổ trợ nhằm xác định xem liệu có hay không mối dây liên hệ giữa những điều ước và các vấn đề về sức khỏe.


 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google

Join us on Facebook

Please wait..5 SecondsCancel