Cách giúp trẻ làm việc nhà |
Jennifer Breheny Wallace
Có vẻ như ngày nay những đòi hỏi về thành công “có thể đo đạc được” nơi trẻ - từ những kỹ năng cơ bản cho đến việc thi vào các trường Đại Học – đang khiến cho những “công việc nhà” gần như biến mất khỏi danh sách hoạt động của các em. Trong một khảo sát trên 1001 người trưởng thành tại Hoa Kỳ của Braun Research, 82% cho biết họ lớn lên với công việc nhà, nhưng chỉ 28% trong số họ yêu cầu chính con mình làm điều tương tự. Học sinh chịu không ít áp lực từ việc học thêm, tham gia các câu lạc bộ hay việc phải có được tấm vé vào đại học, những hoạt động “làm đẹp CV” có vẻ như đang giết chết công việc nhà – mặc dù chẳng rõ những hoạt động ấy liệu có giúp các bạn sử dụng thời gian của mình tốt hơn hay không.
“Cha mẹ ngày nay muốn con mình giành thời gian cho những thứ giúp mang lại thành công cho các em, nhưng trớ trêu thay, chúng ta lại ngưng làm một việc đã được minh chứng là chỉ báo của thành công – đó chính là làm việc nhà” Richard Rende, nhà tâm lý học phát triển thuộc Paradise Valley, Arizona, cho biết. Thật vậy, những nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua cho thấy công việc nhà đem lại rất nhiều lợi ích khác nhau – từ học thuật, cảm xúc cho tới cả ngành nghề tương lai.
Theo một nghiên cứu của Marty Rossmann, giáo sư danh dự tại ĐH Minnesota, cho trẻ làm việc nhà ngay từ khi các em còn bé giúp đem lại cho các em cảm giác có trách nhiệm, quyền hành và tự lực lâu dài. TS Rossmann đã phân tích dữ liệu từ một nghiên cứu chiều dài theo sát 84 trẻ xuyên suốt 4 giai đoạn cuộc sống của các bạn –từ mẫu giáo, đến lúc tuôi 10 và 15, và cuối cùng vào giữa những năm tuổi 20. Bà nhận thấy khi so sánh với những bạn không làm việc nhà hay chỉ bắt đầu làm khi vào tuổi “teen”, những bạn bắt đầu làm việc nhà từ lúc 3,4 tuổi khi lớn lên thường có mối quan hệ tốt với bạn bè và gia đình, đạt được thành công trong học tập và nghề nghiệp, đồng thời các bạn cũng độc lập hơn.
Tâm lý gia Richard Weissbourd thuộc Cao học Giáo dục Harvard còn ghi nhận, công việc nhà cũng dạy cho các bạn cách thấu hiểu và đáp trả những nhu cầu của người khác. Trong một nghiên cứu vào năm vừa qua, ông cùng nhóm nghiên cứu đã khảo sát 10000 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, trong đó, yêu cầu các bạn xếp hạng những điều các bạn trân trọng: thành công, hạnh phúc hay việc quan tâm đến người khác.
Gần 80% lựa chọn thành công và hạnh phúc thay vì quan tâm đến người xung quanh. Tuy nhiên, Weissbourd cũng chỉ ra rằng nghiên cứu cho thấy hạnh phúc cá nhân tùy thuộc nhiều nhất vào mức độ mối quan hệ chứ không phải vào thành công cao hay thấp. Ông nói “Chúng ta đang bị mất cân bằng”. Ông cho rằng một trong những cách tích cực để điều chỉnh những ưu tiên trên là học cách trở nên tử tế và hữu ích ngay từ gia đình.
Theo tâm lý gia Madeline Levine, nếu lần tới mà con bạn muốn bỏ việc nhà để làm bài tập, hãy cưỡng lại mong muốn “giải thoát” chúng. Việc bỏ qua việc nhà vì chú tâm tranh đua học tập sẽ đưa đến cho trẻ một thông điệp rằng điểm số và thành công thì quan trọng hơn yêu thương và quan tâm người khác. Bà nói “Những điều có vẻ nhỏ nhoi trong giây lát lại có thể tích góp lại thành lớn lao về sau này.”
Dưới đây là một trong những cách tốt nhất để khuyến khích trẻ làm việc nhà
Cẩn thận với lời nói của bạn. Trong một nghiên cứu với 149 trẻ từ 3 đến 6 tuổi, các nhà nghiên cứu phát hiện việc cảm ơn trẻ vì đã là “người giúp đỡ”, thay vì chỉ đã “giúp đỡ”, sẽ làm tăng mong muốn chung tay giúp sức của trẻ. Các em được thúc đẩy bởi ý tưởng xây dựng cho mình một nhân dạng tích cực-được biết đến như một người thích giúp đỡ.
Lên lịch làm việc nhà. Hãy viết công việc nhà lên lịch, kế bên giờ học thêm hay giờ chơi thể thao, và hãy duy trì chúng cách đều đặn.
Biến việc nhà thành trò chơi. Giống chơi điện tử, hãy bắt đầu bằng những level thấp và cho trẻ đạt được những cấp độ trách nhiệm cao hơn, bắt đầu từ sắp xếp quần áo và “lên cấp” trở thành người điều chỉnh máy giặt.
Tách biệt tiền tiêu vặt và công việc nhà. Nghiên cứu cho thấy những phần thưởng bên ngoài có thể làm giảm hiệu quả công việc và động lực bên trong. Với công việc nhà, các nhà tâm lý cho rằng tiền bạc có thể làm giảm động lực giúp đỡ của trẻ, biến một hành động vị tha thành một giao dịch đổi chác.
Kiểu nhiệm vụ cũng quan trọng. Để tạo dựng những hành vi tích cực như thấu hiểu, việc nhà cần phải thành thói quen và tập trung vào việc quan tâm đến gia đình (như quét phòng khách hay giặt đồ của mọi người), chứ không chỉ quan tâm đến bản thân (tự dọn phòng hay tự giặt đồ). Các nhà tâm lý còn nói thêm rằng để trẻ lựa chọn nhiệm vụ cũng khiến các em tham gia nhiều hơn.
Nói về việc nhà theo một cách khác.Để hợp tác tốt hơn, thay vì nói “Lam việc nhà di!”, TS. Rende sẽ nói “Hãy cùng làm việc nhà của chúng ta”. Điều này cho thấy việc nhà không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là một cách quan tâm đến người khác.
PR cho việc nhà. Đừng gắn việc nhà với hình phạt. Luôn nói về việc nhà, kể cả của bạn, theo một cách tích cực, hay ít nhất là không tiêu cực. Nếu bạn mà còn than phiền về việc dọn chén bát thì con bạn cũng sẽ làm y như thế.
http://www.wsj.com/articles/why-children-need-chores-1426262655?KEYWORDS=why+children+need+chore
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét