Vai trò của văn hóa
Theo TS. Tom Pyszczynski, ĐH Colorado, nghịch lý nằm ở chỗ, chính nỗi sợ hãi cái chết trong vô thức có thể là nguồn gốc động cơ của chủ nghĩa khủng bố cũng như những phản ứng trước khủng bố. Cùng với đồng nghiệp là TS. Jeff Greenberg và TS. Sheldon Solomon, Pyszczynski đã phát triển “lý thuyết quản lý sự sợ hãi” trong đó cho rằng con người sử dụng văn hóa và tôn giáo để bảo vệ bản thân trước nỗi sợ cái chết nằm bên lề ý thức.
Xuyên suốt hàng chục nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu ý nghĩ về cái chết bằng cách cho các nghiệm thể tiếp xúc trong tiềm thức với những kích thích có liên hệ đến cái chết hoặc bằng cách, sau khi nhắc đến cái chết, đưa ra các bài tập trì hoãn – gây xao nhãng trước khi đánh giá tác động của gợi ý về cái chết trước đó đối với người tham gia. Nhóm nghiên cứu tìm ra rằng, kiểu kích thích tiềm thức này khiến nghiệm thể tự phòng vệ tâm lý trước cái chết theo những cách thức ít có liên hệ rõ ràng đến bản thân cái chết. Cách thức đó bao gồm cả việc con người thường bám lấy những căn tính văn hóa của mình, cố gắng sống theo những giá trị văn hóa đó và sẵn sàng đi rất xa để bảo vệ những giá trị trên. (Ngược lại, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc khiến con người suy nghĩ một cách có ý thức về sự hữu hạn của mình giúp làm tăng ý định thực hiện các hành vi bảo vệ cuộc sống, chẳng hạn như tập thể dục.)
Nhằm kiểm tra xem liệu lý thuyết này có áp dụng được vào xung đột giữa Trung Đông và Phương Tây hay không, nhóm của Pyszczynski đã thực hiện một loạt các nghiên cứu tại Mỹ, Iran và Israel. Trong cả ba quốc gia, những người tham gia được nhắc nhớ trong tiềm thức về sự hữu hạn – và do vậy, thường bấu víu rất chặt vào căn tính nhóm của mình – có khả năng ủng hộ sử dụng bạo lực chống lại các nhóm bên ngoài cao hơn. Người Iran ủng hộ đánh bom tự sát chống lại người Tây Phương nhiều hơn. Người Mỹ thì bảo vệ việc sử dụng quân đội chống lại các thành phần Hồi giáo cực đoan, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc sát hại hàng ngàn thường dân. Người Do Thái dễ tha thứ cho bạo lực chống lại người Palestine hơn. Những nghiên cứu này được tổng hợp trong bài báo đang trên tạp chí Behavioral Sciences of Terrorism & Political Aggression (Vol. 1, No. 1).
Những nghiên cứu sâu hơn được đồng giám đốc START (xem phần 1) Kruglanski thực hiện giúp chúng ta thấy tầm quan trọng của “tinh thần tập thể”trong chủ nghĩa khủng bố. Khảo sát thực hiện trên hàng ngàn người tại 15 quốc gia Ả rập và các nước khác của ông cho thấy những người Hồi giáo có tinh thần tập thể cao thường dễ ủng hộ các cuộc tấn công khủng bố chống lại người Mỹ hơn những người có xu hướng cá nhân. Nghiên cứu cũng phát hiện một người cho rằng bản thân có ít thành công trong cuộc sống bao nhiêu thì càng dễ có chiều hướng ủng hộ tư tưởng tập thể và tấn công chống Mỹ bấy nhiêu. Kruglanski kết luận, những kết quả này cho thấy việc tham gia vào các nhóm khủng bố có thể mang lại một cảm giác an toàn và ý nghĩa sống cho những người thiếu ý thức cá nhân.
“Trở thành một phần của lý tưởng tập thể là dấu hiệu một người sẵn sàng hy sinh bản thân”
Theo một nghĩa rộng hơn, theo nhà tâm lý và chuyên gia nghiên cứu khủng bố, TS. Fathali Moghaddam thuộc Bộ môn Tâm lý, ĐH Georgetown, nỗi sợ hãi tận diệt văn hóa có thể làm châm lửa tâm lý khủng bố. Trong nghiên cứu “How Globalization Spurs Terrorism: The Lopsided Benefits of One World and Why That Fuels Violence”(Praeger, 2008), Moghaddam cho rằng chính tốc độ toàn cầu hóa chóng mặt đã khiến các nền văn hóa va chạm với nhau và đe dọa đến sức ảnh hưởng hay làm tăng nguy cơ biến mất của một vài nhóm – đây chính là phiên bản văn hóa của câu “kẻ sống là kẻ mạnh”.
Moghaddam nói, “Bạn có thể diễn dịch chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo như một hình thức phản ứng trước việc nhận ra lối sống nền tảng của họ đang bị tấn công và sắp biến mất.”
Chính vì những niềm tin trên, các nhà tâm lý đang theo dõi thái độ của công chúng nhằm xác định phương thế thúc đẩy hòa bình cách tốt nhất. Ví dụ, Pyszczynki đã thực hiện một nghiên cứu cho thấy việc nhắc nhớ về vấn đề chung của nhân loại có thể giúp thay đổi thái độ của một người trước bạo lực với nhóm bên ngoài. Trong hai nghiên cứu mới nhất của nhóm, những người Mỹ đang phải làm quen với “cuộc chiến chống khủng bố” và người Palestine đang nằm dưới bom đạn của Israel được đề nghị suy nghĩ về thảm họa tại khu vực hay về vấn đề nóng lên toàn cầu. Một số còn được nhắc thêm về cái chết. Trong cả hai nghiên cứu, chỉ những người được yêu cầu suy nghĩ về cả cái chết và cả trái đất nóng lên tăng mức độ ủng hộ các hoạt động kiến tạo hòa bình.
Pyszczynki cho biết, “Ghi nhận đáng khích lệ là ngay cả khi đồng bào của họ đang ở trong tình trạng căng thẳng tăng cao, những người được nhắc về cái chết và những lý tưởng chung vẫn giảm mức độ ủng hộ chiến tranh và gia tăng tinh thần ủng hộ hòa bình.”
Nghiên cứu về chống-cực đoan
Trong thực tế, các nhà tâm lý đang tìm hiểu tính hiệu quả của các chương trình tìm cách “làm nguội” suy nghĩ và nhiệt huyết của những nghi can khủng bố tại Ai Cập, Iraq, Saudi Arabia, Singapore và Vương quốc Anh. Trong nghiên cứu sơ khởi, Kruglanski và cộng sự ghi nhận những chương trình này có các đặc điểm chung:
· Nhân tố tri thức, các giáo sĩ Hồi giáo thường sẽ nói chuyện với những phạm nhân về lời dạy thật sự của kinh Qu'ran về bạo lực và thánh chiến.
· Nhân tố cảm xúc giúp giải tỏa cơn giận và sự thất vọng của các phạm nhân bằng cách bày tỏ sự quan tâm chân thành đến gia đình, thông qua việc chu cấp giáo dục cho con cái hay đề nghị dạy nghề cho vợ của họ. Khía cạnh này đồng thời đề cập tới sự thật rằng các phạm nhân cũng đã chán ngán với lối sống và cảnh tù đày.
· Nhân tố xã hội nhắm đến thực tế là các phạm nhân thường sẽ lại trở về những xã hội tái nuôi dưỡng các niềm tin cực đoan. Ví dụ, một chương trình ở Indonesia sử dụng các cựu chiến binh nay trở thành công dân ủng hộ luật pháp nhằm thuyết phục các cựu thành viên khủng bố rằng sử dụng bạo lực với thường dân sẽ đe dọa hình ảnh của Hồi giáo.
· Theo Kruglanski, một số nỗ lực cho thấy nhiều hứa hẹn. Ví dụ, nhóm Hồi giáo cực đoan lớn nhất Ai Cập, Al-Gama'a al-Islamiyya, đã ngưng đổ máu từ năm 2003, đây là kết quả của một cam kết giữa nhóm và chính phủ Ai Cập do một luật sư Hồi giáo điều đình và thông qua một chương trình nơi các học giả Hồi giáo tranh luận với các lãnh đạo của nhóm bị cầm tù về ý nghĩa thật sự của Hồi giáo. Sau đó, các lãnh đạo của nhóm đã viết 25 tập tài liệu bảo vệ đường hướng phi bạo lực, và nhóm đã ngưng các hoạt động khủng bố kể từ thời điểm đó, Kruglanski cho biết. Nhóm cực đoan lớn thứ hai Ai Cập, Al Jihad, cũng đã từ bỏ bạo lực vào năm 2007 dựa trên một chương trình tương tự.
Năm hoạt động khác như trên ở Bắc Ai-len, Yemen, Saudi Arabia, Indonesia và Colombia hiện đang được nghiên cứu bởi TS. Horgan. Nghiên cứu của ông đề xuất một khung làm việc mà các nhà chính sách có thể sử dụng để đánh giá các chương trình trên, bao gồm tìm hiểu cách thức từng nỗ lực được xây dựng và đo đạc kết quả, đồng thời lượng giá thực tế và ý nghĩa thiết thực của những thành công được ghi nhận.
Với kinh nghiệm của bản thân trong việc nói chuyện với các cựu khủng bố, Horgan rất thận trọng với kỳ vọng dành cho những chương trình này. Trong nghiên cứu mới nhất của mình, ông nhận thấy một vài nỗ lực không chỉ thiếu các tiêu chí rõ ràng trong việc xác định điều gì là “thành công” mà yếu tố chống – cực đoan đôi khi còn vẫn chưa được đề cập trong các chương trình đó – những thành viên cựu khủng bố vẫn có thể tái nhập với xã hội và không tiếp tục tham gia các hành động khủng bố, tuy nhiên họ vẫn giữ những niềm tin cực đoan của mình.
“Không có bằng chứng cho thấy ngưng tham gia khủng bố là kết quả cần thiết của việc chống cực đoan”, ông chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu của Kruglanski cam kết sẽ nghiên cứu thêm về vấn đề này thông qua các công cụ đánh giá mà họ đang phát triển nhằm đo đạc sự thay đổi trong thái độ của những người đã trải qua các chương trình trên, kể cả đo đạc những thay đổi ngầm trong thái độ, giúp nhận biết cảm xúc của họ một cách chính xác hơn thay vì chỉ đơn giản dựa trên lời nói.
Do sự đa dạng trong các kiểu chương trình cùng điều kiện văn hóa và xã hội nơi thực hiện, chắc chắn rằng những nỗ lực muốn thành công thì cần phải thiết kế chương trình dựa trên nền tảng từng trường hợp, TS. Max Taylor, nhà nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố thuộc ĐH St. Andrews, đồng tác giả với Horgan trong cuốn The Future of Terrorism" (Routledge, 2000), thêm vào.
Taylor cho biết, “Một vấn đề nghiêm trọng với chính sách chống khủng bố là chúng ta thường diễn dịch mọi việc theo quan điểm của mình, dựa trên những điều có ý nghĩa với mình,” “Đó không phải là vấn đề cần quan tâm: Vấn đề nằm ở việc điều gì mới là có ý nghĩa với những người tại chính nơi đó.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét