chiêu thức bán hàng hiện đại

chiêu thức bán hàng

chia sẻ

BẠN CÓ DỄ BỊ XAO LÃNG? NGHIÊN CỨU MỚI CHO THẤY NHỮNG ĐIỂM MẠNH BẤT NGỜ CỦA SỰ MẤT TẬP TRUNG

Sự sáng tạo và việc mất tập trung

Một nghiên cứu mới vừa cho thấy khả năng sáng tạo cao thường hay đi kèm với việc dễ bị mất tập trung (hay dễ bị xao lãng).

Nghiên cứu phát hiện những người “sáng tạo” thường khó lòng làm ngơ trước những tiếng động như còi xe, nước chảy nhỏ giọt hay tiếng nói ồn ào bên ngoài.

Bộ lọc cảm giác của họ bị “rò rỉ”, điều này cho phép họ tích hợp những ý tưởng mới bên ngoài những đối tượng mà họ phải tập trung chú ý.
Ví dụ, nhiều thiên tài sáng tạo như Marcel Proust và Anton Chekhov rất hay bị mất tập trung.

Điển hình như Proust phải phủ nút bần khắp phòng ngủ của mình, nơi ông viết tiểu thuyết và sử dụng bịt tai để giúp bản thân tập trung.

Dễ bị xao nhãng?

Nghiên cứu đo lường tính sáng tạo của 100 nghiệm thể theo hai cách khác nhau.

Trắc nghiệm đầu tiên yêu cầu người tham gia hoàn thành một câu chuyện theo cách sáng tạo nhất.
Những người được cho là sáng tạo hơn sẽ đưa ra câu chuyện với nhiều hồi kết và những hồi kết này cũng “khác thường”hơn.

Trắc nghiệm thứ hai khảo sát người tham gia về những thành tựu sáng tạo trong thực tế họ đã đạt được.

Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành đo đạc hoạt động điện não.

Các nhà khoa học tìm kiếm những phản ứng điện não có liên hệ với cổng cảm giác: khả năng tự động loại bỏ những thông tin không mong muốn của đối tượng.
Kết quả cho thấy tính sáng tạo trong thực tế có tương quan với việc thiếu khả năng loại bỏ những thông tin “thừa” nêu trên.
Nói cách khác: tính sáng tạo trong thực tế gắn với việc dễ mất tập trung.
Trong khi đó, tính sáng tạo trên các trắc nghiệm tâm lý lại vẫn hay được liên hệ với việc ít bị xao nhãng.

Phát hiện này có thể phản ánh thực tế rằng có nhiều loại sáng tạo khác nhau cùng tồn tại và mỗi loại sẽ hữu dụng trong các tình huống riêng biệt.
Tuy vậy, nghiên cứu vẫn cho rằng trong thực tế, việc mất tập trung vẫn có những điểm mạnh riêng của nó.

TS Darya Zabelina, chủ nhiệm nghiên cứu, cho biết:
Nếu được định hướng một cách đúng đắn, những sự nhạy cảm này có thể sẽ giúp cuộc sống trở nên phong phú và ý nghĩa hơn, khiến các trải nghiệm của chúng ta trở nên thú vị hơn”

Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Neuropsychogia (Zabelina et al., 2015).

Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psy Blog (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psy Blog http://www.spring.org.uk/2015/03/easily-distracted-study-finds-a-fabulous-real-world-advantage.php và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/07/xao-lang-mat-tap-trung-dac-diem-sang-tao.html Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psy Blog và thông báo cho người dịch.


ĐÀN ÔNG “SELFIE” NHIỀU THƯỜNG CÓ MỨC ÁI KỶ VÀ RỐI LOẠN TÂM THẦN CAO

Nguy cơ của selfie

ĐH BANG OHIO STATE UNIVERSITY 06/01/2015

Một nghiên cứu mới vừa cho thấy đàn ông hay đăng tải lên các mạng xã hội nhiều hình ảnh bản thân hơn hình ảnh những người khác thường có số điểm ái kỷ (yêu bản thân) và tâm bệnh khá cao.
Không những thế, số điểm ái kỷ và chăm chút bề ngoài cũng cao hơn đối với các đối tượng nam giới hay chỉnh sửa hình ảnh bản thân trước khi đăng tải.

“Có thể việc những người đàn ông đưa nhiều hình ‘tự sướng’ và giành nhiều thời gian chỉnh sửa hình ảnh bản thân thường có nét ái kỷ hoàn tòan không phải là bất ngờ, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một nghiên cứu xác nhận điều này,” Jesse Fox, chủ nhiệm nghiên cứu và là phó giáo sư Truyền thông tãi ĐH Bang Ohio cho biết.
“Thú vị hơn nữa, họ còn có mức điểm nhân cách chống đối xã hội, tâm bệnh và chú ý bề ngoài bản thân cao hơn.”
Fox thực hiện nghiên cứu này cùng với Margaret Rooney, nghiên cứu sinh tại ĐH Ohio. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Personality and Individual Differences.
Fox nhấn mạnh rằng kết quả không có nghĩa là những người hay đăng hình tự chụp nhất thiết phải là người ái kỷ hay có rối loạn tâm thần. Những nghiệm thể trong nghiên cứu đều có số điểm nằm trong khoản hành vi bình thường – trừ những người có nét chống đối xã hội cao, số điểm của họ cao hơn mức trung bình.
Tính ái kỷ được quy định bởi niềm tin rằng bạn thông minh, hấp dẫn và vượt trội hơn người khác, tuy nhiên bên dưới lại có thể đi kèm theo cảm giác thiếu tự tin. Tâm bệnh có đặc điểm là thiếu thấu hiểu và quan tâm đến người khác, đồng thời có xu hướng xuất hiện những hành vi bốc đồng.
Mẫu nghiên cứu bao gồm 800 đàn ông tuổi từ 18 đến 40, các nghiệm thể thực hiện một bản khảo sát trực tuyến tìm hiểu về hành vi đăng tải hình ảnh trên mạng xã hội của người tham gia. Các nghiệm thể cũng trả lời một bảng hỏi tiêu chuẩn về các hành vi chống đối xã hội và hiện tượng chú ý quá mức đến bề ngoài của mình. (Nghiên cứu không thực hiện trên phụ nữ vì bộ dữ liệu Fox thu thập từ các tạp chí không có dữ liệu giúp so sánh với nữ giới.)
Bên cạnh việc nghiên cứu tần suất đăng ảnh, bảng khảo sát còn quan tâm đến việc nghiệm thể có hay chỉnh sửa ảnh trước khi đưa lên mạng hay không, trong đó bao gồm cắt ảnh, sử dụng các bộ lọc cùng những phần mềm chỉnh sửa ảnh.
Fox chia sẻ, “Phần lớn chúng ta không nghĩ tới việc đàn ông có thể làm những điều như vậy, nhưng chắc chắn họ có làm điều đó.”
Các kết quả cho thấy việc đăng tải nhiều ảnh có liên hệ tới tính ái kỷ và tâm bệnh, tuy nhiên, rối loạn tâm lý lại không có tương quan với việc chỉnh sửa hình ảnh.
“Điều này hoàn toàn hợp lý vì tâm bệnh có đặc điểm là tính bốc đồng. Họ là những người sẽ chụp hình và đăng tải lên mạng ngay lập tức. Họ muốn nhìn thấy bản thân ngay tức thì thay vì bỏ thời gian ra chỉnh sửa,” Fox cho biết.
Chỉnh sửa ảnh còn có liên hệ tới mức độ chú ý đến vẻ bề ngoài, yếu tố ít khi được nghiên cứu trên đàn ông dị tính.
Chú ý đến bề ngoài được định nghĩa là đánh giá bản thân chủ yếu qua ngoại diện thay vì những đặc điểm tích cực khác.
“Chúng ta biết rằng việc chú trọng quá mức vẻ bề ngoài có thể dẫn tới những hệ quả rất tệ hại, như trầm cảm và rối loạn ăn uống ở nữ giới. Với việc chúng ta sử dụng mạng xã hội mỗi ngày một nhiều hơn trước, việc mọi người quan tâm hơn tới bề ngoài là điều dễ hiểu. Vì vậy, hiện tượng này dần có thể trở thành một vấn đề lớn hơn đối với đàn ông cũng như phụ nữ.”
Dù nghiên cứu này không tìm hiểu về nữ giới, tuy nhiên, Fox cho biết bà đang thực hiện những bước tiếp theo nhằm chứng minh kết quả này cũng có thể ứng dụng cho nữ giới. Theo đó, có vẻ phụ nữ hay đăng hình tự chụp cũng có mức ái kỷ và tâm bệnh cao.
Ngoài ra, giống như dự đoán, việc chú ý quá mức tới vẻ bề ngoài đóng một vài trò lớn hơn đối với nữ giới.
Fox tin rằng những người có số điểm chú ý đến bề ngoài cao sẽ đăng hình “tự sướng” nhiều hơn, điều này sẽ đưa tới nhiều nhận xét, phản hồi từ bạn bè trên mạng, khuyến khích người đó tiếp tục đưa nhiều hình của bản thân lên mạng xã hội hơn trước.
Nhìn chung, Fox cho rằng nghiên cứu này cùng những nghiên cứu khác cho thấy các đặc điểm nhân cách có thể tác động tới cách chúng ta thể hiện bản thân trên mạng.
“Chúng ta ai cũng quan tâm tới việc tự giới thiệu mình trên mạng, nhưng cách thức chúng ta làm điều đó có thể cho thấy một vài điều về nhân cách của mỗi người.”

TÁC ĐỘNG CỦA NHỮNG RẮC RỐI NHỎ NHẶT THƯỜNG NGÀY LÊN SỨC KHỎE LÂU DÀI CỦA BẠN

Stress thường ngày và sức khỏe của bạn
Một nghiên cứu vừa mới chứng minh, những căng thẳng đến từ những rắc rối vặt vãnh hàng ngày có thể gây hại dến sức khỏe của bạn tương đương với những sự kiện nghiêm trọng trong cuộc sống.
Nghiên cứu cho thấy đàn ông cao tuổi nếu có tần suất những rắc rối thường nhật cao có khả năng tử vong sớm ngang bằng với việc họ trải qua những tình huống trầm trọng, ví dụ như mất mát người thân (Aldwin et al., 2014).
Carolyn Aldwin, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Tuổi già tại ĐH Bang Oregon State, người đứng đầu nghiên cứu cho biết:
“ Nếu bạn có mức độ stress cao mạn tính, nó có thể tác động đến khả năng tử vong của bạn, hoặc nếu bạn phải trải qua một chuỗi các sự kiện gây stress trong cuộc sống, nó cũng có ảnh hưởng tương tự.”
Nghiên cứu tìm hiểu trên cả các rắc rối thường nhật, như căng thẳng trong công việc hay cãi vã trong gia đình, cùng với những tình huống tồi tệ hơn như mất vợ/chồng.
Dù cả hai dạng đều ảnh hưởng tới khả năng tử vong, dữ liệu cho thấy hai kiểu rắc rối trên hoàn toàn độc lập với nhau.
Một số người có thể bị ảnh hưởng bởi những sự kiện sang chấn, tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng tới tác động của những những rắc rối thường nhật. Nguyên nhân là do cách mỗi người đối diện với stress.
Aldwin nói thêm:
“Số lượng rắc rối đôi khi không quan trọng bằng cách bạn nhận thức chúng, đó là ngọn nguồn của vấn đề.
Tiếp cận vấn đề một cách bình tĩnh có thể giúp bảo vệ bạn.”
Kết quả được đúc kết từ nghiên cứu trên 1293 cựu binh Hoa Kỳ, một số nghiệm thể được theo dõi suốt 20 năm.
Gần một nửa số người tham gia qua đời trong tiến trình nghiên cứu. Tuy nhiên, khả năng tử vong của họ tùy thuộc vào những rắc rối hay những sự kiện căng thẳng mà họ trải nghiệm trong cuộc sống.
Chỉ có 29% những cựu binh ít gặp các rắc rối nhỏ thường nhật qua đời, trong khi tỉ lệ tử vong lên tới 64% đối với những người gặp nhiều rối.
Đối với những sự kiện stress trầm trọng, con số lần lượt là 30% và 50% đối với nhóm trải nghiệm ít và nhiều những sự kiện sang chấn.
Chúng ta khó có thể làm được gì nhiều trước những sự kiện gây căng thẳng trầm trọng trong cuộc sống, thế nhưng với những rắc rối vặt vãnh hàng ngày, cách chúng ta phản ứng trước chúng lại có những hệ quả quan trọng lên sức khỏe.
Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu được xuất bản trên Psychological ScienceCharles et al. (2013) tìm hiểu phản ứng của các nghiệm thể trước những tác nhân gây stress thường nhật và theo dõi xem chúng tác động đến họ ra sao một thập kỷ sau đó. Kết quả cho thấy cách người ta phản ứng với các tác nhân gây stress sẽ dự đoán được liệu họ có gặp phải những vấn đề về tâm lý 10 năm sau hay không.
Một nghiên cứu trước đó của Parrish et al., 2011 cũng cho thấy cách đáp trả các sự kiện gây stress thường ngày của chúng ta cũng giúp dự đoán các triệu chứng trầm cảm.
Aldwin kết luận:
“Dù vấn đề là lớn hay nhỏ, tầm quan trọng nằm ở việc chúng ta phản ứng trước chúng ra sao.
Những người có phản ứng cảm xúc mạnh trước cả các sự kiện lớn và nhỏ là những người thường có hệ quả tồi tệ nhất.
Chúng ta thường nghĩ rằng trầm cảm chỉ được kích hoạt khi ta gặp phải những điều tồi tệ và đôi khi thật sự là vậy; tuy nhiên đôi khi, chính những thứ nhỏ nhặt chất chồng lên nhau lại có thể đánh gục bạn.”
Dịch và tổng hợp từ:


Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psy Blog (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psy Blog và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/07/tac-hai-cua-stress-hang-ngay-len-suc-khoe.html. Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psy Blog và thông báo cho người dịch.

BỎ RƠI THÂN CHỦ

Khi nhà trị liệu "bỏ rơi" thân chủ

 23/6/2015
Lần đầu chúng tôi gặp nhau, John là cậu bé 7 tuổi, mang trên mình những vấn đề vượt quá sức chịu đựng của một đứa trẻ. Trong những năm đầu đời, em phải chứng kiến cảnh cha mình ngập chìm trong men rượu, đi kèm là những tiếng chửi bới, đồ đạc bị đập phá và những hành vi bạo lực ông trút lên đầu vợ con mình. Không những thế, mẹ của John cũng vật lộn với trầm cảm và nghiện ngập. Khi lên 5, Dịch vụ Bảo vệ Trẻ em của Bang đã đưa em ra khỏi nhà và sắp xếp để em được nhận nuôi tạm thời. Kể từ đó, cha của em biến mất hoàn toàn, bặt vô âm tín. Mẹ của em bị tòa án buộc phải đi điều trị lạm dụng chất và sau đó được phép gặp John qua những lần thăm viếng có giám sát. Cuối cùng, bà cũng giành lại được quyền nuôi con, ngay trước khi tôi và John bắt đầu làm việc với nhau.
Chính quyền yêu cầu John phải được trị liệu tâm lý, mẹ đưa em đến một phòng khám tâm thần ngoại trú, nơi tôi vừa mới vào làm việc sau khi kết thúc cao học. Những buổi làm việc hàng tuần, ban đầu, mặc cho tôi khuyến khích, John chỉ ngồi im lặng, chẳng dám đi lại trong phòng hay đụng chạm vào đồ vật chi cả. Em đã học cách phản ứng này từ quá khứ. Bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần có thời gian để niềm tin lớn lên, đặc biệt là khi tất cả những tương quan trước đây của bạn đều kết thúc một cách thảm họa. Những tuần, những tháng đầu tiên, John chỉ yên lặng dán mắt vào những món đồ chơi tôi để trên kệ hay quan sát tôi tô màu một mình, chờ đợi em cùng tham gia.
Nhưng điều gì đó vẫn ngấm ngầm xảy ra, ngay cả trong những ngày đầu lặng lẽ đó: John dần có cảm giác tôi là một người “dễ đoán”. Khả năng dự đoán được phản ứng (Predictability) – một yếu tố rất cần thiết giúp tạo cảm giác đủ an toàn để tương tác – không chỉ thể hiện trong hành vi của tôi mà còn trong không gian thực tế. Tôi nhận thấy John thận trọng xem xét khắp cả phòng trị liệu. Em trở nên lo lắng nếu một cuốn sách hay một món đồ bị lệch khỏi vị trí ban đầu, khó chịu nếu một bức tranh bị treo xộc xệch  hay nôn nao nếu tấm thảm lót sàn không thẳng góc. Cuối cùng, John mới có đủ tự tin để hỏi tôi liệu em có thể chỉnh sửa bất cứ thứ gì có vẻ mất trật tự và thậm chí dần dà, liệu em có thể sắp xếp lại mọi thứ theo ý em thích hay không.
John từ tốn cho tôi thấy em là người như thế nào. Em vẽ những bức tranh có em và gia đình – những hình ảnh đáng sợ về quái vật cùng các thế lực nguy hiểm khác bao phủ lấy em và mẹ. Chúng tôi cùng chơi ngôi nhà búp bê và không quá ngạc nhiên khi kẻ xấu xuất hiện, đột nhập vào nhà, đánh đập hay bắt cóc trẻ con và cuối cùng, phải cầu viện đến cảnh sát. Dẫu sao, những trò chơi này có thể giúp chuyển hóa những kinh nghiệm làm nạn nhân một cách thụ động thành những kinh nghiệm giúp can thiệp hay thậm chí, phát huy khả năng tự chủ. Ít nhất khi chơi, John có thể là người ra quyết định; và lần này, “cứu hộ” đã tới. Việc cuối cùng có một người chứng kiến những sang chấn của bạn cũng có những giá trị trị liệu nhất định. Sau một năm làm việc, mẹ và giáo viên của John đều cho biết em có vẻ tự tin và ít sợ sệt hơn trước, thậm chí em còn bắt đầu có vài người bạn.
Bên cạnh buồn bã và âu lo, John còn mang trong mình rất nhiều giận dữ mà em luôn cố gắng kìm nén. Giận dữ rất nguy hiểm. Như trong trường hợp cha của em, John đã chứng kiến tức giận dẫn tới phá hủy và bỏ rơi, và khi những điều này lẫn vào trong hành vi của em, mẹ đã phạt nặng và chối từ em, không nói gì với em nhiều ngày liền. Trong năm thứ hai cùng làm việc với nhau, John bắt đầu có những bước chập chững đi đến việc thể hiện sự giận dữ, em nói về những bạn bè và giáo viên khiến em bực tức, đồng thời cho tôi biết những khi em không hài lòng về một hành động nào đó của tôi.
Một ngày, không nói với tôi lời nào, em tự động mở tủ lấy giấy và bắt đầu vẽ nguệch ngoạc một cái bia phóng phi tiêu. Trên đó, em vẽ thêm gương mặt của một người phụ nữ. Sợ tôi không biết đó là ai, John nói rằng ấy chính là mẹ em. Xong, em đính tờ giấy lên tường và bắt đầu ném đồ về phía đó. Dồn sức lực và tốc độ vào từng lần ném, nhặt nhạnh hết món này đến món khác cho từng cú chọi, cơn cuồng phong đồ vật qua đi để lại John nằm trên sàn đầm đìa nước mắt. Khó khăn lắm mới kìm được xúc động, tôi ngồi xuống kế em và ôm em vào lòng, cố gắng vỗ về em nhưng vẫn đảm bảo đủ không gian để nước mắt và lời nói hòa thành một tiếng thì thầm nho nhỏ khi em nức nở: “Con ghét mẹ, con ghét mẹ…”
Cả hai đã đi đến một khúc ngoặt mới – nhưng trước khi tôi kịp nhận ra, mối liên hệ của chúng tôi đã phải chấm dứt. Không lâu sau buổi trị liệu hôm ấy, tôi nhận thông báo rằng mình được thuyên chuyển về một phòng khám quá xa nhà em. John và tôi chỉ còn vài ngày để tạm biệt dù biết rằng chẳng bao nhiêu là đủ để chuẩn bị cho em trước tổn thương mới mẻ này. Tôi ra đi mà lòng nặng trĩu, sợ rằng mình sẽ trở thành một người lớn khác trong cuộc đời lại bỏ rơi em, một người nữa được tin tưởng cho đến lúc họ buộc phải làm em thất vọng.
Về phần tôi, việc kết thúc sớm và phải nói lời từ biệt là cả một “nỗi ám ảnh” về mặt chuyên môn. Tạm biệt không bao giờ là đơn giản, ngay cả khi thân chủ tiến triển tốt và cho thấy sẵn sàng ra đi. Dù vậy, nhà trị liệu vẫn gặp những thân chủ mới, biết rằng tất cả đều sẽ đến lúc kết thúc. Những năm gắn bó sâu đậm rồi sẽ đều đi đến hồi kết, để lại dấu ấn của mình trong tâm khảm nhà chuyên môn. Nhiều năm sau khi tôi bỏ tơi John, tôi mới nhận ra lời từ biệt thật sự thấm thía đến mức độ nào. Lúc nào, tôi cũng băn khoăn, liệu họ có ổn không? Chị A rồi có được đứa con chị mong muốn không? Anh C rồi có li dị không? Rất rất nhiều những câu chuyện mà tôi chẳng bao giờ biết được kết cục. Rất rất nhiều những khuôn mặt mà tôi chẳng bao giờ được gặp lại.
Gần 30 năm sau, tôi vẫn bị những ký ức về John ám ảnh, một cậu bé trải qua sang chấn đang trong tiến trình thành nhân và rồi tôi chẳng thể biết được cậu ta sẽ lớn lên thành người như thế nào.
Và trước mùa Giáng Sinh năm vừa rồi, điện thoại văn phòng tôi đổ chuông. Lúc đó đã trễ. Thân chủ cuối cùng trong ngày vừa ra về. Tôi phải đấu tranh tư tưởng giữa việc nhấc máy hay để nó lưu vào hộp thư thoại. Dù không nhận ra số gọi đến, tôi vẫn để cho tính tò mò chiến thắng và nhấc máy lên. Những gì xảy ra tiếp theo sẽ đi với tôi đến cuối cuộc đời. Thật vậy, ngay lúc này khi đang viết lại mọi sự, tôi vẫn còn cảm thấy sự ngỡ ngàng, vui mừng, hi vọng và sợ sệt chiếm lấy tôi vào buổi chiều hôm đó. Bên đầu kia vang lên tiếng của một người đàn ông tôi chưa bao giờ trò chuyện, anh ta nói, anh ấy là đứa trẻ mà tôi đã bỏ rơi nhiều năm về trước.
John cho biết anh vừa tìm thấy tên tôi trên một phiếu hẹn cũ kỹ khi anh đang dọn dẹp đồ đạc của người mẹ vừa qua đời. Suốt nhiều năm, anh ta cũng nghĩ đến thời gian chúng tôi cùng làm việc. Bây giờ, khi đang đau buồn vì sự ra đi của mẹ mình cùng những câu hỏi vẫn dang dở về tuổi thơ, anh hi vọng có thể được nói chuyện với tôi một lần nữa.
Buồn bã và tiếc nuối tràn qua trong tôi, sau đó nhường chỗ cho những suy nghĩ và cảm xúc khác xuất hiện và xoay vần: một cảm giác sống lại tuy bối rối nhưng lạc quan, đi kèm là những câu hỏi về hiện tại và con người John đã trở thành. Những câu hỏi này có lẽ vẫn phải chờ một thời gian hay thậm chí là rất lâu để được trả lời, dù lần này không phải là mãi mãi.
Tuần tiếp theo, chúng tôi trở lại cùng nhau làm việc.
Steven Kuchuck là thành viên của Viện Tâm lý Trị liệu Quốc Gia Hoa Kỳ, ông là biên tập viên cuốn sách “Clinical Implications of the Psychoanalyst’s Life Experience: When the Personal Becomes Professional.”

Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ The New York Times (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của The New York Times http://opinionator.blogs.nytimes.com/2015/06/23/the-patient-i-abandoned/ và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/07/khi-nha-tri-lieu-bo-roi-than-chu.html. Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của The New York Times và thông báo cho người dịch.

MỘT NĂM THÀNH LẬP - HÀNH LANG TÂM LÝ

19/7/2014 - 19/7/2015

Một chặng đường tuy không dài nhưng vẫn nhiều ý nghĩa và đong đầy cố gắng, khát khao.
Trong 1 năm qua, Hành Lang Tâm Lý đã:
- đưa kiến thức tâm lý đến mọi người trong 365 ngày
- viết/ dịch 176 bài lấy từ hơn 18 nguồn báo chí, tạp chí, trang web khoa học và tâm lý khác nhau.
- có gần 30000 lượt xem trên blogspot với độc giả đến từ hơn 42 quốc gia, vùng lãnh thổ.
- nhận được 1147 like trên Facebook
- trung thành với tiêu chí đảm bảo tính khoa học, khả năng xác minh nguồn và "tự thân vận động"

Trong năm tiếp theo, Hành Lang Tâm Lý sẽ tiếp tục mở rộng và đem đến các bạn nhiều thông tin hơn nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu. Sự phát triển của Hành Lang Tâm Lý chắc chắn không thể thiếu sự ủng hộ, tham gia của các bạn.

Vì vậy, bất cứ bạn đọc nào có mong muốn hỗ trợ, góp phân vào sự phát triển của trang, xin đừng ngại liên hệ với Hành Lang Tâm Lý qua:
Facebook: www.facebook.com/hanhlangtamly
Blogspot: http://hanhlangtamly.blogspot.com/
Email: hanhlangtamly@gmail.com


Một lần nữa, đồng hành với các bạn trong một năm qua là niềm vui và vinh hạnh của Hành Lang Tâm Lý.

Xin cảm ơn tất cả các bạn!
Trân trọng,
Hành Lang Tâm Lý

NHÌN NHẬN NGƯỜI KHÁC THÙ ĐỊCH SẼ LÀM TĂNG TÍNH GÂY HẤN NƠI TRẺ

Tại sao trẻ gây hấn, khó chịu?

DUKE UNIVERSITY 14/7/2015
Một nghiên cứu mới của ĐH Duke cho thấy việc trẻ theo dõi sát sao những dấu hiệu thù địch từ người khác sẽ kích hoạt những hành vi gây hấn ở chính trẻ.
Nghiên cứu chiều dài được thực hiện trong vòng 4 năm trên 1299 trẻ và cha mẹ, dàn trải trên 12 nhóm văn hóa khác nhau thuộc 9 quốc gia trên toàn thế giới.
Theo nghiên cứu, kết quả trên xuất hiện trong một số nền văn hóa nhiều hơn số còn lại, điều này giúp lý giải lý do vì sao trẻ trong một số nền văn hóa lại có nhiều hành vi gây hấn hơn những trẻ trong các nền văn hóa khác.
Nghiên cứu được công bố trực tuyến trên Proceedings of the National Academy of Sciences không chỉ đem lại những gợi ý để giải quyết những vấn đề hành vi gây hấn cá nhân mà còn giúp làm sáng tỏ những xung đột liên văn hóa quy mô lớn kéo dài như xung đột giữa Israel-Arab hay đụng độ sắc tộc tại Hoa Kỳ.

Kenneth A. Dodge, giám đốc Trung tâm Chính sách Trẻ em và Gia đình tại ĐH Duke và là chủ nhiệm nghiên cứu, cho biết “Nghiên cứu của chúng tôi xác định một tiến trình tâm lý quan trọng dẫn trẻ em đến co đường bạo lực.”

“Khi trẻ cho rằng mình đang bị đe dọa bởi một người nào đó và quy gán rằng họ đang hành động với ý định thù địch, trẻ sẽ thường phản ứng lại một cách gây hấn. Kết quả cho thấy mô hình trên xuất hiện trên tất cả các nghiệm thể thuộc 12 nhóm văn hóa được nghiên cứu trên toàn cầu.”
Dodge cho biết thêm, “Nghiên cứu cũng cho thấy có những khác biệt giữa các nền văn hóa trong xu hướng xã hội hóa trẻ trở nên phòng thủ theo phương thức này, những khác biệt trên có thể cho chúng ta biết vì sao trong một số nền văn hóa, trẻ lại hành xử mang tính gây hấn nhiều hơn các nền văn hóa khác. Kết quả cho thấy việc cần thiết thay đổi cách chúng ta xã hội hóa trẻ, giúp các em trở nên tử tế, khoan dung và ít phòng vệ hơn. Điều này sẽ giúp trẻ giảm gây hấn và giúp xã hội bình yên hơn.”
Các nghiệm thể đến từ Jinan, Trung Quốc; Medellin, Colombia; Naples, Ý; Rome, Ý; Zarqa, Jordan; bộ tộc Luo Kisumu, Kenya; Manilla, Philippines; Trollhattan/Vanersborg, Thụy Điển; Chiang Mai, Thái Lan; và Durham, Mỹ (trong đó bao gồm cộng đồng người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Âu và người nói tiếng Tây Ban Nha). Các trẻ bắt đầu tham gia nghiên cứu vào lúc 8 tuổi.
Các nhà nghiên cứu đã đo lường mức độ hành vi gây hấn của trẻ bằng cách thu thập những quan sát giữa mẹ và con. Trẻ cũng được yêu cầu trả lời lại các tình huống giả định trong đó có người sẽ có những hành động thù địch với trẻ - ví dụ, một người đầm sầm vào trẻ từ đằng sau hay khiến trẻ giẫm chân vào một vũng nước.
Dựa vào những câu trả lời của trẻ, các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá xem trẻ có diễn dịch những hành động không rõ ràng thành thù địch và “leo thang” xung đột thành gây hấn hay không. Một số trẻ trong từng nền văn hóa sẽ đi theo một xu hướng được gọi là “thành kiến quy gán thù địch.”
Kết quả trong tất cả các nền văn hòa cho thấy nếu trẻ tin rằng một hành động được bắt nguồn từ một ý định thù địch, trẻ sẽ phản ứng lại mang tính gây hấn nhiều hơn. Thật vậy trung bình, những trẻ nhìn nhận hành vi là thù địch sẽ phản ứng gây hấn nhiều hơn 5 lần so với những trẻ chấp nhận đó là hành vi không thù địch. Những trẻ có thành kiến quy gán thù địch sẽ thường phát triển các hành vi gấn hấn nhanh hơn và các hành vi cũng sẽ nghiêm trọng hơn xuyên suốt 4 năm nghiên cứu.
Quan trọng hơn, các nền văn hóa có mức thành kiến quy gán thù địch cao như Zarqa, Jordan, và Naples, Ý, cũng có tỉ lệ những vấn đề hành vi gây hấn cao. Các nền văn hóa có mức thành kiến thấp như Trollhättan, Thụy Điển và Jinan, Trung Quốc cũng sẽ có mức độ hành vi gây hấn ở trẻ thấp.
Kết quả cho thấy chìa khóa của việc phòng tránh các hành vi gây hấn trong và giữa các nền văn hóa có thể đến từ cách xã hội hóa lối suy nghĩ của trẻ về sự tương tác với người khác.
“Kết quả cho thấy một điểm mới trong Quy tắc Vàng,” Dodge cho biết. “Chúng ta không chỉ cần dạy trẻ đối xử với người khác như những gì trẻ muốn người khác làm cho mình, nhưng còn phải suy nghĩ về người khác như những gì trẻ muốn người khác nghĩ về mình.
Bắng cách dạy trẻ nghĩ tốt về người khác, chúng ta sẽ giúp trẻ bớt gây hấn, lo âu và trở nên giỏi giang hơn khi trưởng thành.”
Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psy Post (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc s dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psy Post http://www.psypost.org/2015/07/kids-expecting-aggression-from-others-become-aggressive-themselves-35814 và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/07/tai-sao-tre-gay-han-kho-chiu.html. Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psy Post và thông báo cho người dịch.



BÍ MẬT VỀ SỰ SÁNG TẠO

Làm sao để sáng tạo?

Một nghiên cứu vừa phát hiện rằng bạn càng tư duy ý thức bao nhiêu thì bạn càng ít sáng tạo bấy nhiêu.
Các nhà nghiên cứu đã cho các nghiệm thể chơi trò chơi “Vẽ hình đoán chữ”, trong đó người tham gia cố gắng vẽ hình thể hiện nội dung của một chữ nào đó.
Đồng thời, não bộ nghiệm thể sẽ được quét cộng hưởng từ (MRI) để xem xét mức độ và thời điểm hoạt động của các vùng khác nhau.
Cuối cùng, sẽ có 2 chuyên gia được mời để đánh giá mức độ sáng tạo của nghiệm thể bao gồm: nội dung sáng tạo và mức độ "dễ đoán".
Giáo sư Allan Reiss, tác giả nghiên cứu, giải thích kết quả như sau:
“Chúng tôi phát hiện rằng hoạt động não bộ tại khu vực trung tâm kiểm soát điều hành - vùng não bộ cho phép chúng ta lên kế hoạch, tổ chức và thực thi các hoạt động – tương quan ngược với khả năng thực hiện các công việc sáng tạo.
Sáng tạo là một đặc tính vô cùng giá trị trong cuộc sống con người, dù là trong công việc hay vui chơi.
Sáng tạo là động lực đưa đến những tiến bộ trong nghệ thuật, khoa học hay kinh doanh.
Với vai trò như một nhà tâm thần học thực hành, tôi thậm chí còn nhận thấy sự quan trọng của sự sáng tạo trong mối quan hệ liên cá nhân.
Những người có khả năng tư duy sáng tạo và linh hoạt thường đạt được những kết quả tối ưu.”
Dưới đây là một số hình ảnh mà người tham gia đã vẽ, phía bên trái là những chữ mà nghiệm thể cố gắng mô tả:
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, không phải vùng trung tâm kiểm soát điều hành mà là vùng tiểu não khi được kích hoạt sẽ khiến chúng ta vẽ các bức hình có tính sáng tạo nhiều hơn. 
Tiểu não là khu vực nằm ở phía sau não bộ giúp điều phối chuyển động.
Trước đây, các nhà khoa học thần kinh thường không liên hệ khu vực não bộ này với sự sáng tạo
Giáo sư Reiss giải thích:
“Có lẽ tiểu não là trung tâm điều phối những vùng còn lại của não bộ, giúp những khu vực khác hoạt động hiệu quả hơn.
Nghiên cứu cũng cho thấy, đôi khi, việc cố gắng gượng ép để sáng tạo có vẻ không phải là phương cách tốt nhất để tối ưu hóa đặc tính này.”
Việc “ép mình nỗ lực” để đạt đến một kết quả “sáng tạo” thường dẫn đến nhiều hoạt động trong những khu vực kiểm soát điều hành, trong khi đó, chúng ta lẽ ra cần giảm thiểu hoạt động trong những khu vực này để đạt được hiệu quả mong đợi.
TS Manish Saggar, tác giả khác của nghiên cứu, kết luận một cách cô đọng:
“Nếu bạn ‘càng nghĩ’ thì bạn sẽ ‘càng rối’ “
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Scientific Reports (Sagger et al., 2015) - click vào link để đọc bài báo đầy đủ.



SỰ SO SÁNH ẢNH HƯỞNG TỚI KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA TRẺ

Tác hại của thiên vị con cái

Một nghiên cứu vừa chứng minh niềm tin của cha mẹ vào con cái – và những so sánh mà họ gán ghép lên con mình – sẽ ảnh hưởng tới khả năng học tập và nhiều khía cạnh khác của trẻ.
TS. Alex Jensen, ĐH Brigham Young, chủ nhiệm nghiên cứu cho biết, “Không chỉ cách nuôi dạy mà cả niềm tin của phụ huynh với con cái cũng có thể ảnh hưởng tới tương lai của trẻ.”
Trong nghiên cứu này, Jensen và Susan McHale thuộc ĐH Bang Pennsylvania đã nghiên cứu 388 trẻ vị thành niên là con cả và con thứ cùng cha mẹ của các em tại 17 trường khác nhau trong Bang.
Các nhà nghiên cứu yêu cầu cha mẹ cho biết trong hai anh em, ai là người học giỏi hơn. Mặc dù xét trung bình, kết quả của cả hai nhóm đều như nhau nhưng đa phần các bậc phụ huynh thường lại cho rằng con đầu lòng có khả năng học tập tốt hơn.
Các nhà khoa học đã tìm ra rằng niềm tin của cha mẹ về sự khác biệt này không đến từ điểm số trong quá khứ mà là đến từ kết quả trong tương lai! Chính niềm tin của cha mẹ tác động đến kết quả học tập của trẻ.
Những trẻ mà cha mẹ tin rằng thông minh hơn thường sẽ có kết quả cao hơn trong tương lai. Những trẻ cha mẹ cho rằng không học giỏi bằng thường sẽ học tệ hơn trong những năm kế tiếp. Cụ thể hơn, niềm tin này tạo ra khác biệt đến 0.21/4 (khoảng 0.5 điểm theo thang điểm 10) số điểm trung bình của các trẻ tham gia nghiên cứu.
Jensen chia sẻ, “Nghe thì có vẻ không nhiều nhưng theo thời gian, những tác động nhỏ này có khả năng dẫn đến những khác biệt lớn giữa các anh/em, chị/em.”
Ông cũng lưu ý đến những khó khăn trong việc xác định nguyên nhân của khác biệt này. Khi cả hai trẻ đến tuổi vị thành niên, cha mẹ có thể đã hình thành những niềm tin về mức độ thông minh của hai trẻ thông qua kinh nghiệm quá khứ. Khi cha mẹ so sánh hai trẻ trong tuổi vị thành niên với nhau, nó có thể dựa vào những khác biệt đã tồn tại từ lâu.
“Cha hay mẹ có thể nghĩ rằng trẻ lớn hơn sẽ thông minh hơn vì trong tất cả các thời điểm, trẻ làm anh/chị luôn học những môn học phức tạp, khó khăn hơn trên trường.
Con đầu lòng luôn là trẻ biết đọc trước, biết viết trước và điều đó gieo vào suy nghĩ của phụ huynh rằng các trẻ đó sẽ giỏi giang hơn. Tuy nhiên, khi cả hai trẻ đến tuổi vị thành niên, tư tưởng trên sẽ khiến cả hai trở nên khác biệt nhiều hơn. Cuối cùng, trẻ được xem là kém thông minh hơn sẽ có xu hướng học dở hơn khi so sánh với trẻ còn lại.”
Ngoại lệ duy nhất của nghiên cứu là khi trẻ đầu lòng là con trai và con thứ lại là con gái. Trong trường hợp này, cha mẹ thường tin rằng em gái sẽ học giỏi hơn anh trai.
“Cha mẹ thường xem con lớn hơn học giỏi hơn, nhưng khi xét đến mức độ trung bình, cả hai trẻ đều có kết quả học tập như nhau”, Jensen cho biết. “Như vậy, niềm tin của cha mẹ ở đây là không chính xác. Cha mẹ cũng thường nghĩ rằng con gái sẽ học giỏi hơn con trai, và xét trên điểm số thì điều này xem ra thường có vẻ đúng.
Vậy cha mẹ nên làm gì để tất cả các trẻ đều có thể đạt được thành công?
“Thật sự rất khó để các cha mẹ không để ý hay suy nghĩ đến những khác biệt giữa con cái của mình. Tuy nhiên, để giúp tất cả thành công, cha mẹ nên tập trung vào việc nhận ra những điểm mạnh của mỗi trẻ và cẩn trọng mỗi khi đưa ra những lời nói mang tính so sánh trước mặt trẻ.”
Nghiên cứu được xuất bản trên Journal of Family Psychology.

Wood, J. (2015). Parent’s Beliefs About Children Influences School Performance. Psych Central. Retrieved on July 9, 2015, from http://psychcentral.com/news/2015/06/21/parents-beliefs-about-children-influences-school-performance/85911.html


Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psy Central (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc s dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psy Central http://psychcentral.com/news/2015/06/21/parents-beliefs-about-children-influences-school-performance/85911.html và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/07/so-sanh-thien-vi-ket-qua-hoc-tap.html. Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psy Central và thông báo cho người dịch.

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google

Join us on Facebook

Please wait..5 SecondsCancel