Khi nhà trị liệu "bỏ rơi" thân chủ |
23/6/2015
Lần đầu chúng tôi gặp nhau, John là cậu bé 7 tuổi, mang trên mình những vấn đề vượt quá sức chịu đựng của một đứa trẻ. Trong những năm đầu đời, em phải chứng kiến cảnh cha mình ngập chìm trong men rượu, đi kèm là những tiếng chửi bới, đồ đạc bị đập phá và những hành vi bạo lực ông trút lên đầu vợ con mình. Không những thế, mẹ của John cũng vật lộn với trầm cảm và nghiện ngập. Khi lên 5, Dịch vụ Bảo vệ Trẻ em của Bang đã đưa em ra khỏi nhà và sắp xếp để em được nhận nuôi tạm thời. Kể từ đó, cha của em biến mất hoàn toàn, bặt vô âm tín. Mẹ của em bị tòa án buộc phải đi điều trị lạm dụng chất và sau đó được phép gặp John qua những lần thăm viếng có giám sát. Cuối cùng, bà cũng giành lại được quyền nuôi con, ngay trước khi tôi và John bắt đầu làm việc với nhau.
Chính quyền yêu cầu John phải được trị liệu tâm lý, mẹ đưa em đến một phòng khám tâm thần ngoại trú, nơi tôi vừa mới vào làm việc sau khi kết thúc cao học. Những buổi làm việc hàng tuần, ban đầu, mặc cho tôi khuyến khích, John chỉ ngồi im lặng, chẳng dám đi lại trong phòng hay đụng chạm vào đồ vật chi cả. Em đã học cách phản ứng này từ quá khứ. Bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần có thời gian để niềm tin lớn lên, đặc biệt là khi tất cả những tương quan trước đây của bạn đều kết thúc một cách thảm họa. Những tuần, những tháng đầu tiên, John chỉ yên lặng dán mắt vào những món đồ chơi tôi để trên kệ hay quan sát tôi tô màu một mình, chờ đợi em cùng tham gia.
Nhưng điều gì đó vẫn ngấm ngầm xảy ra, ngay cả trong những ngày đầu lặng lẽ đó: John dần có cảm giác tôi là một người “dễ đoán”. Khả năng dự đoán được phản ứng (Predictability) – một yếu tố rất cần thiết giúp tạo cảm giác đủ an toàn để tương tác – không chỉ thể hiện trong hành vi của tôi mà còn trong không gian thực tế. Tôi nhận thấy John thận trọng xem xét khắp cả phòng trị liệu. Em trở nên lo lắng nếu một cuốn sách hay một món đồ bị lệch khỏi vị trí ban đầu, khó chịu nếu một bức tranh bị treo xộc xệch hay nôn nao nếu tấm thảm lót sàn không thẳng góc. Cuối cùng, John mới có đủ tự tin để hỏi tôi liệu em có thể chỉnh sửa bất cứ thứ gì có vẻ mất trật tự và thậm chí dần dà, liệu em có thể sắp xếp lại mọi thứ theo ý em thích hay không.
John từ tốn cho tôi thấy em là người như thế nào. Em vẽ những bức tranh có em và gia đình – những hình ảnh đáng sợ về quái vật cùng các thế lực nguy hiểm khác bao phủ lấy em và mẹ. Chúng tôi cùng chơi ngôi nhà búp bê và không quá ngạc nhiên khi kẻ xấu xuất hiện, đột nhập vào nhà, đánh đập hay bắt cóc trẻ con và cuối cùng, phải cầu viện đến cảnh sát. Dẫu sao, những trò chơi này có thể giúp chuyển hóa những kinh nghiệm làm nạn nhân một cách thụ động thành những kinh nghiệm giúp can thiệp hay thậm chí, phát huy khả năng tự chủ. Ít nhất khi chơi, John có thể là người ra quyết định; và lần này, “cứu hộ” đã tới. Việc cuối cùng có một người chứng kiến những sang chấn của bạn cũng có những giá trị trị liệu nhất định. Sau một năm làm việc, mẹ và giáo viên của John đều cho biết em có vẻ tự tin và ít sợ sệt hơn trước, thậm chí em còn bắt đầu có vài người bạn.
Bên cạnh buồn bã và âu lo, John còn mang trong mình rất nhiều giận dữ mà em luôn cố gắng kìm nén. Giận dữ rất nguy hiểm. Như trong trường hợp cha của em, John đã chứng kiến tức giận dẫn tới phá hủy và bỏ rơi, và khi những điều này lẫn vào trong hành vi của em, mẹ đã phạt nặng và chối từ em, không nói gì với em nhiều ngày liền. Trong năm thứ hai cùng làm việc với nhau, John bắt đầu có những bước chập chững đi đến việc thể hiện sự giận dữ, em nói về những bạn bè và giáo viên khiến em bực tức, đồng thời cho tôi biết những khi em không hài lòng về một hành động nào đó của tôi.
Một ngày, không nói với tôi lời nào, em tự động mở tủ lấy giấy và bắt đầu vẽ nguệch ngoạc một cái bia phóng phi tiêu. Trên đó, em vẽ thêm gương mặt của một người phụ nữ. Sợ tôi không biết đó là ai, John nói rằng ấy chính là mẹ em. Xong, em đính tờ giấy lên tường và bắt đầu ném đồ về phía đó. Dồn sức lực và tốc độ vào từng lần ném, nhặt nhạnh hết món này đến món khác cho từng cú chọi, cơn cuồng phong đồ vật qua đi để lại John nằm trên sàn đầm đìa nước mắt. Khó khăn lắm mới kìm được xúc động, tôi ngồi xuống kế em và ôm em vào lòng, cố gắng vỗ về em nhưng vẫn đảm bảo đủ không gian để nước mắt và lời nói hòa thành một tiếng thì thầm nho nhỏ khi em nức nở: “Con ghét mẹ, con ghét mẹ…”
Cả hai đã đi đến một khúc ngoặt mới – nhưng trước khi tôi kịp nhận ra, mối liên hệ của chúng tôi đã phải chấm dứt. Không lâu sau buổi trị liệu hôm ấy, tôi nhận thông báo rằng mình được thuyên chuyển về một phòng khám quá xa nhà em. John và tôi chỉ còn vài ngày để tạm biệt dù biết rằng chẳng bao nhiêu là đủ để chuẩn bị cho em trước tổn thương mới mẻ này. Tôi ra đi mà lòng nặng trĩu, sợ rằng mình sẽ trở thành một người lớn khác trong cuộc đời lại bỏ rơi em, một người nữa được tin tưởng cho đến lúc họ buộc phải làm em thất vọng.
Về phần tôi, việc kết thúc sớm và phải nói lời từ biệt là cả một “nỗi ám ảnh” về mặt chuyên môn. Tạm biệt không bao giờ là đơn giản, ngay cả khi thân chủ tiến triển tốt và cho thấy sẵn sàng ra đi. Dù vậy, nhà trị liệu vẫn gặp những thân chủ mới, biết rằng tất cả đều sẽ đến lúc kết thúc. Những năm gắn bó sâu đậm rồi sẽ đều đi đến hồi kết, để lại dấu ấn của mình trong tâm khảm nhà chuyên môn. Nhiều năm sau khi tôi bỏ tơi John, tôi mới nhận ra lời từ biệt thật sự thấm thía đến mức độ nào. Lúc nào, tôi cũng băn khoăn, liệu họ có ổn không? Chị A rồi có được đứa con chị mong muốn không? Anh C rồi có li dị không? Rất rất nhiều những câu chuyện mà tôi chẳng bao giờ biết được kết cục. Rất rất nhiều những khuôn mặt mà tôi chẳng bao giờ được gặp lại.
Gần 30 năm sau, tôi vẫn bị những ký ức về John ám ảnh, một cậu bé trải qua sang chấn đang trong tiến trình thành nhân và rồi tôi chẳng thể biết được cậu ta sẽ lớn lên thành người như thế nào.
Và trước mùa Giáng Sinh năm vừa rồi, điện thoại văn phòng tôi đổ chuông. Lúc đó đã trễ. Thân chủ cuối cùng trong ngày vừa ra về. Tôi phải đấu tranh tư tưởng giữa việc nhấc máy hay để nó lưu vào hộp thư thoại. Dù không nhận ra số gọi đến, tôi vẫn để cho tính tò mò chiến thắng và nhấc máy lên. Những gì xảy ra tiếp theo sẽ đi với tôi đến cuối cuộc đời. Thật vậy, ngay lúc này khi đang viết lại mọi sự, tôi vẫn còn cảm thấy sự ngỡ ngàng, vui mừng, hi vọng và sợ sệt chiếm lấy tôi vào buổi chiều hôm đó. Bên đầu kia vang lên tiếng của một người đàn ông tôi chưa bao giờ trò chuyện, anh ta nói, anh ấy là đứa trẻ mà tôi đã bỏ rơi nhiều năm về trước.
John cho biết anh vừa tìm thấy tên tôi trên một phiếu hẹn cũ kỹ khi anh đang dọn dẹp đồ đạc của người mẹ vừa qua đời. Suốt nhiều năm, anh ta cũng nghĩ đến thời gian chúng tôi cùng làm việc. Bây giờ, khi đang đau buồn vì sự ra đi của mẹ mình cùng những câu hỏi vẫn dang dở về tuổi thơ, anh hi vọng có thể được nói chuyện với tôi một lần nữa.
Buồn bã và tiếc nuối tràn qua trong tôi, sau đó nhường chỗ cho những suy nghĩ và cảm xúc khác xuất hiện và xoay vần: một cảm giác sống lại tuy bối rối nhưng lạc quan, đi kèm là những câu hỏi về hiện tại và con người John đã trở thành. Những câu hỏi này có lẽ vẫn phải chờ một thời gian hay thậm chí là rất lâu để được trả lời, dù lần này không phải là mãi mãi.
Tuần tiếp theo, chúng tôi trở lại cùng nhau làm việc.
Steven Kuchuck là thành viên của Viện Tâm lý Trị liệu Quốc Gia Hoa Kỳ, ông là biên tập viên cuốn sách “Clinical Implications of the Psychoanalyst’s Life Experience: When the Personal Becomes Professional.”
Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ The New York Times (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của The New York Times http://opinionator.blogs.nytimes.com/2015/06/23/the-patient-i-abandoned/ và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/07/khi-nha-tri-lieu-bo-roi-than-chu.html. Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của The New York Times và thông báo cho người dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét